Kiên Giang:
Canh tác gần 30 năm, 60 ha đất “lọt” vào quỹ xã: Hoãn phiên tòa vì không xác định được vị trí đất xử phạt
(Dân trí) - Tại phiên tòa, những người có mặt không khỏi bất ngờ khi trong hồ sơ xử phạt hành chính 65 triệu đồng của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đối với hành vi chiếm đất công của bà Hường không có biên bản đo đạc, không xác định được vị trí đất xử phạt…
Sau 02 lần đối thoại không thành, ngày 28/5, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa hành chính, đưa vụ kiện của bà Trần Thị Hường (ủy quyền cho bà Trần Thị Bình)… đề nghị tòa án hủy quyết định 2386/QĐ-XPVPHC ngày 08/10/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi ký về việc xử phạt bà Hường 65 triệu đồng về hành vi bao chiếm đất công ích ở xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Tại phiên tòa, sau phần thủ tục, HĐXX tiến hành thẩm vấn bà Trần Thị Bình - bên khởi kiện về mặt hình thức và nội dung của quyết định 2386/QĐ-XPVPHC ngày 08/10/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, bà Bình cho rằng phần hình thức bà không rõ lắm, tuy nhiên về nội dung, ông chủ tịch tỉnh cho rằng gia đình bà bao chiếm đất công ích 5% của xã Kiên Bình là không đúng thực tế, vì phần đất bị xử phạt và toàn bộ phần đất 60ha đất mà anh em bà đang canh tác đã được khai hoang từ năm 1989.
Tuy nhiên, HĐXX không cho bà trình bày tiếp về nguồn gốc đất, HĐXX hỏi xung quanh việc cán bộ đến lập biên bản xử phạt, vị trí đất bị xử phạt, hiện trạng phần đất, những người ký tên trong biên bản xử phạt… Tuy nhiên, bà Trần Thị Hường, bà Trần Thị Bình và ông Đào Thanh Lợi đều cho biết vị trí đất ghi trong biên bản xử phạt là không đúng thực tế; Thứ hai không có mặt ông trưởng ấp và không có cán bộ nào xuống phần đất anh em bà đang cày để đo đạt diện tích bao nhiêu…
Trong phiên tòa có hơn 5 nhân chứng tham dự phiên tòa để làm chứng về nguồn gốc đất mà anh em bà Trần Thị Bình đã canh tác từ năm 1989, tuy nhiên HĐXX chỉ hỏi những người làm chứng xung quanh biên bản xử phạt hành chính của bà Trần Thị Hường, ngắt lời các nhân chứng khi họ nói về nguồn gốc đất của anh em bà Bình.
Đến phần thẩm vấn bên bị kiện, HĐXX đặt nhiều câu hỏi cần thiết đối với ông Vũ Ngọc Phước - Chánh thanh tra Sở Tài nguyên môi trường (người được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cử làm đại diện) trong việc chứng minh diện tích đất mà bà Trần Thị Hường bị xử phạt là đất công ích của UBND xã Kiên Bình quản lý.
Cụ thể, HĐXX yêu cầu ông Phước cung cấp quyết định của UBND huyện Kiên Lương về việc bàn giao diện tích đất công ích từ ủy ban thị trấn Kiên Lương sang UBND xã Kiên Bình (sau khi chia tách xã). Ông Phước không cung cấp được, chỉ cung cấp được nghị quyết về việc điều chỉnh đất đai trên địa bàn huyện Kiên Lương nhưng không có xã Kiên Bình. Đáng nói đến phần “truy” hồ sơ xử phạt hành vi bao chiếm đất đai của bà Trần Thị Hường, HĐXX yêu cầu ông Phước xác định lại vị trí phần đất xử phạt và cung cấp biên bản đo đạc thực tế phần đất này… Tuy nhiên, ông Phước không cung cấp được biên bản đo đạc thực tế khu đất; Đáng nói phần trình bày của ông Phước về vị trí phần đất bị xử phạt, việc lên hai bờ bao, san ủi đất… đều bị bên khởi kiện bác bỏ, như việc ông Phước nói anh em bà Hường đã sang ủi 2 bờ bao nhưng thực tế vẫn còn; việc bà Hường san ủi đất ghi trong biên bản là không có vì bà chỉ cày đất...
Trước sự “tréo ngoe” này, Chủ tọa phiên tòa nêu quan điểm, trong những vụ kiện hành chính, người dân lúc nào cũng bất lợi, vì bên bị kiện thường là đơn vị, lãnh đạo nhà nước, do vậy những người làm công tác chuyên môn cần làm hết trách nhiệm của mình để ra một văn bản, tiến tới xử phạt người dân phải rành mạch, rõ ràng… người dân mới nể phục. Còn vụ việc này, cán bộ lập biên bản xử phạt hành chính mà không có biên bản đo đạc thực tế khu đất thì làm sao dân bằng lòng…
Bên bị kiện yêu cầu cơ quan chức năng khảo sát lại thực địa, bên khởi kiện đồng ý yêu cầu của bên bị khởi kiện và HĐXX xét thấy nhiều vấn đề mấu chốt còn chưa rõ nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để kiểm tra thực địa. Lịch kiểm tra thực tế sẽ được HĐXX thông báo bằng văn bản cho hai bên.
Nguyễn Hành