Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI:

Cần xây dựng luật về Đảng cầm quyền

Trong đó luật hoá các vấn đề như: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”...“Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”... Luật hoá về quyền và trách nhiệm của người lãnh đạo, của cơ quan Đảng các cấp...<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1571/Gop-y-du-thao-Van-kien-Dai-hoi-Dang.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng</b></a>

Theo tôi một nội dung chính của cương lĩnh là: Xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” để “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.“ nhằm mục tiêu “xây dựng một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;“.

Các ý kiến của tôi dưới đây cũng tập trung vào nội dung này. (Phần chữ nghiêng trong dấu “…” của bài này là trích từ văn kiện dự thảo).

1. Tôi cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (độc quyền), là một kế thừa tất yếu của lịch sử và cũng là lựa chọn đúng cho giai đoạn hiện nay nếu “độc quyền lãnh đạo” và “dân chủ - dân làm chủ” được gắn với các quy định để không dẫn đến mâu thuẫn, đảm bảo “chính danh, chính ngôn”.

- Là Đảng cầm quyền duy nhất, Đảng phải là Đảng của toàn dân, đại diện cho ý chí, quyền lợi của toàn dân. Dân phải thực sự quyết đinh việc cử ra, giám sát và bãi miễn các đồng chí đứng đầu Đảng các cấp, để chọn được những người ưu tú nhất được dân tín nhiệm.

Ví dụ như: thông qua bầu cử trực tiếp, dân bầu ra người đứng đầu chính quyền của cả nước, của cấp tỉnh, cấp xã; và Điều lệ Đảng (sửa đổi) quy định những người đó (nếu là Đảng viên) sẽ là người đứng đầu Đảng cấp tương ứng.

- Để thực sự dân chủ và phản ảnh thực chất trong bầu cử, phải đảm bảo tự do ứng cử, đề cử (kể cả người ngoài Đảng), giám sát tốt việc bầu cử, dân cần có các thông tin minh bạch của những người được đề cử, ứng cử, đủ căn cứ để người dân lựa chọn.

Ví dụ : Đề cương tranh cử, cam kết, đối thoại và tranh luận; kê khai tài sản của bản thân và vợ, con, bố mẹ... Cách thức này được áp dụng cho cả các cuộc bầu cử khác như quốc hội, toà án … Là đảng viên, tôi đề nghị cũng cần áp dụng cách này trong bầu cử của Đảng.

- Cần xây dựng luật về Đảng cầm quyền, trong đó luật hoá các vấn đề như: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; “Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước”; “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” ... luật hoá về quyền và trách nhiệm của người lãnh đạo, của cơ quan Đảng các cấp và quan hệ tương ứng với người đứng đầu, và cơ quan của quốc hội (HĐ nhân dân), toà án, chính quyền các cấp... “phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước” (pháp luật).

- Trong đoạn “ … , trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” nên thêm “,tầng lớp doanh nhân”.

- “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”

2. “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ...”

- Có cần dùng từ định hướng khi khái niệm XHCN đã được nêu?  Bởi “định hướng” làm cho vấn đề có vẻ mơ hồ, thiếu kiên định.

- Khái niệm “kinh tế thị trường” là rõ còn khái niệm “xã hội chủ nghĩa” cơ bản là rõ, và có thể hoàn chỉnh tiếp. Cụ thể tính “xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế thể hiện ở các ý đã nêu tại nhiều chỗ trong dự thảo : “do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” , “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”, “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”, “Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất” v...v…

- “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không có nghĩa là các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước có nội dung rộng hơn. Thực tế vừa qua cho thấy hiệu quả làm ăn của một số doanh nghiệp nhà nước là thấp, làm ăn thua lỗ, đã xảy ra tình trạng nợ nần siêu lớn, dễ thất thoát, tham nhũng; có thể trở thành gánh nặng và lực cản của nền kinh tế. Cần sớm hoàn chỉnh các quy định quản lí để các doanh nghiệp nhà nước hoạt động bình đẳng, hiệu qủa, nếu không thì giải thể và khuyến khích tư nhân làm.

- Tính chất XHCN của nền kinh tế, theo tôi không thực chất nằm ở tỷ trọng của các doanh nghiệp nhà nước (đầu vào) mà thực chất nằm ở khâu điều tiết phân phối của cải thu nhập xã hội (đầu ra). Đó là, thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, thuế thu nhập, chính sách phúc lợi xã hội… Nhà nước điều tiết, giảm dần chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng đồng bằng miền núi, nông thôn thành thị, các dân tộc, các nhóm lợi ích, các tầng lớp xã hội mà đặc biệt cần quan tâm là đời sống nông dân, công nhân … Còn cách nào giúp tạo ra nhiều, tăng nhanh và bền vững của cải thu nhập xã hội, sẽ là cách được chọn và được khuyến khích bằng các chính sách thích hợp .

3. “Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”

Tham nhũng, hối lộ rất khó phát hiện. Người có chức có quyền mới có điều kiện tham nhũng, quyền chức càng to nếu tham nhũng thì thiệt hại cho đất nước càng nghiêm trọng, càng lớn. Để chống tham nhũng phải có cán bộ trong sạch. Như vậy chống tham nhũng thực là khó.

Tuy nhiên tham nhũng thường đi kèm với các biểu hiện thất thoát, lãng phí lớn, sai phạm về quản lí tài chính, sai phạm về quản lí tài nguyên… đi kèm với tăng nhanh tài sản, giầu không chính đáng (phần nổi của tham nhũng).

Theo tôi để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả cần làm đồng bộ các biện pháp: phát huy mạnh mẽ cơ chế giám sát của dân; kiên quyết việc kê khai tài sản của các quan chức, của các lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước; điều chỉnh luật để xử lí nặng các thất thoát, lãng phí, các sai phạm về quản lí tài chính, tài nguyên; điều tra sai phạm cần gắn với điều tra tài sản của các đương sự và phát hiện hành vi tham nhũng;… Bên cạnh đó, kiên quyết xử lí các tham nhũng đã được trực tiếp phát hiện và xử lí nặng đủ mức răn đe.

Còn giải quyết tận gốc lại là vấn đề nâng cao phẩm chất cán bộ, vấn đề xây dựng Đảng.

4. “Hình thành một cộng đồng xã hội văn minh, trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đoàn kết, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi”.

Trong việc hình thành một cộng đồng xã hội văn minh, hoạt động của hệ thống Tuyên giáo của Đảng, hệ thống báo chí truyền thông của nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, trường học… có vai trò quan trọng. Bên cạnh việc phát hiện phê phán cái xấu tiêu cực, theo tôi, toàn hệ thống cần làm tốt hơn, nhiều hơn việc tuyên dương, ca ngợi các gương người tốt việc tốt, các gương liêm chính, ứng xử văn minh, các gương - truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp của cha ông… tạo một luồng gió chính khí át tà khí, để mọi người nghĩ, nói và làm theo.

5. Một số vấn đề cụ thể khác

- “Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, …” theo tôi đây là nguyên tắc của Đảng, còn bộ máy nhà nước phải tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật.

- “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị”. Theo tôi cần rất thận trọng vấn đề này, có các quy định sao cho vẫn đạt được ý tốt và miễn dịch với cái xấu. Thực tế thời gian qua cho thấy đây là một vấn đề dễ dẫn tới tệ nạn cơ hội, bè cánh, chạy chức chạy quyền.

Minh bạch, công khai các quy định tiêu chuẩn về đề cử, thi tuyển cán bộ chăng?

- “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, bảo đảm đầy đủ dân chủ và kỷ luật trong sinh hoạt Đảng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân.”

Tôi băn khoăn cơ chế - động lực nào để làm việc này. Đến nay tình hình tiêu cực vẫn “chưa được ngăn chặn, đẩy lùi;” dẫn đến “làm tăng thêm bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”. Có một thực tế là, khi gánh vai trò đảng cầm quyền và độc quyền, Đảng cũng tự đặt mình vào thế “thách thức”.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, “duy nhất cầm quyền” và nhiều nhiệm kỳ, bộ phận lãnh đạo dễ bị thoái hoá sa sút phẩm chất, mất dần cán bộ tốt, hình thành bè cánh - nhóm lợi ích, “biểu hiện "tự diễn biến" trong nội bộ” và thật nguy hiểm nếu càng lên cao, nguy cơ này càng tăng. Theo tôi giải pháp khả thi nhất là: phải dựa vào dân, giám sát của toàn dân để xây dựng Đảng, trước hết ở khâu bầu cử cán bộ, đã nêu ở điểm 1, và ở mục ngay dưới đây.

- “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là về các chính sách kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan trọng”.

Đây là việc cấp bách và rất đúng; ngoài những nội dung đã nêu, còn là những nội dung khác như: “cương lĩnh, chiến lược, và đặc biệt vấn đề xây dựng đảng …” ; Công việc này cần làm thường xuyên, như cần hơi thở, không chỉ vài tháng trước mỗi kì đại hội đảng.

Đảng cần coi vịêc giám sát của dân là cứu cánh, là nguồn lực, là sức mạnh cũng là áp lực xã hội, để trợ giúp Đảng “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao”;

Cần động viên, mời gọi toàn dân, các đoàn thể chính trị-xã hội, hệ thống thông tin, báo chí, báo điện tử… tham gia xây dựng Đảng. Bởi lẽ hoặc làm tốt công tác xây dựng Đảng nâng cao phẩm chất cán bộ hoặc Đảng sẽ để cán bộ tha hóa, mất sức chiến đấu.

Hà Nội, ngày 30-10-2010

TS Lại Huy Phương,

67 tuổi, đảng viên