Cần tránh “bạo hành ngôn ngữ” trong học đường

Từ sự kiện một giáo viên (GV) tại Hải Phòng mắng học sinh (HS) bị ghi âm tung lên mạng và GV bị kỉ luật, dư luận có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Hiện tượng này cho thấy một xu hướng cần tránh trong giáo dục, đó là “bạo hành bằng ngôn ngữ”.

Chúng tôi đã nghe file ghi âm này, và thực sự cảm thấy choáng váng. Từ cách xưng hô, giọng điệu, ngôn ngữ… tất cả đều thái quá, khó chấp nhận.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

HS có lỗi, GV có thể nóng nảy, mắng một vài câu, cũng là điều có thể thông cảm được. Đằng này GV lại “lên lớp” HS đến hơn 15 phút, kéo dài ra cả giờ ra chơi. Trong ngôn từ có nhiều điều thiếu chuẩn mực, đáng trách nhất là sỉ nhục, dùng quyền lực đe doạ HS, kể cả doạ không cho đủ điểm, không cho lên lớp.         

Khách quan mà nói, “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, lỗi này thuộc về GV. Cho dù HS có lỗi như thế nào, cách GV ứng xử như vậy là không đúng.

Cần tránh “bạo hành ngôn ngữ” trong học đường - 1
Bạo hành bằng ngôn ngữ cũng là một dạng bạo hành (ảnh: NetVietNam)
Nếu HS vi phạm kỉ luật, tuỳ theo mức độ GV có thể lựa chọn cách hình thức kỉ luật như: phê bình, cảnh cáo, đuổi ra khỏi lớp 1 tiết, ghi sổ đầu bài, báo cáo GV chủ nhiệm, ban giám hiệu…

Việc chửi mắng HS trước lớp đã xúc phạm nặng nề đến HS đó, và những em khác dù không có lỗi gì cũng chịu vạ lây, căng thẳng, mất thời gian học.

Đặc biệt là với hành vi đó, GV đã tự hạ thấp mình, nhất là có những biểu hiện đe doạ dùng quyền lực để hạ điểm, không cho lên lớp…

Điều 75 Luật GD đã quy định: “Nhà giáo không được có các hành vi sau đây: 1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học;”.

Đây là một nguyên tắc pháp lí, và cũng là nguyên tắc đạo đức. Gần đây, các hành vi GV xâm phạm thân thể (đánh đập) HS bị lên án và kỉ luật nặng, nên đã có xu hướng gần như triệt tiêu.

Nhưng hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự HS, trong đó có chửi mắng còn ít bị xử lí, do khó phát hiện, không có bằng chứng cụ thể (“lời nói gió bay”). Chỉ có một số trường hợp hi hữu được ghi âm (như trường hợp GV ở Hải Phòng) thì mới có cơ sở xử lí.

Từ thực tế giáo dục, chúng tôi nhận thấy hiện tượng GV chửi mắng, xúc phạm HS (bạo hành bằng ngôn ngữ) vẫn còn tồn tại ở những mức độ khác nhau và chưa được quan tâm đúng mức.

Có GV chỉ cần HS trái ý, sơ ý là mắng mỏ nặng nề. Thậm chí có một số GV mắc “bệnh thích chửi”.

HS nói chuyện bị mắng đã đành, HS ngồi yên lặng quá cũng bị mắng; chỉ cần HS có một lỗi nhỏ là GV “ca nhạc” cả tiết dạy, đến lớp nào cũng to tiếng, “chửi như hát hay”.

Có GV bức xúc chuyện gia đình, xã hội, biến HS trở thành cái bung xung để xả stress. Có những GV làm HS nghe đến tên là sợ.

Sở dĩ chúng tôi gọi là căn “bệnh” bởi vì có hiện tượng “nhiễm bệnh”. Có những GV lúc mới ra trường rất hiền lành, nho nhã nhưng sau một thời gian do nhiều nguyên nhân đã thay tính đổi nết, thường xuyên mắng mỏ học trò; lâu dần thành một thói quen xấu, khó sửa đổi.

Nguyên nhân của căn “bệnh” này xuất phát từ ảo tưởng về quyền lực của GV.

Một số GV tự cho mình “quyền sinh quyền sát”, muốn nói HS ra sao cũng được; hành xử áp đặt, buộc HS phải tuân thủ tuyệt đối.

Một số người nghĩ GV dạy thế nào HS cũng phải nghe, điểm trong tay, muốn cho ai mấy điểm thì cho, nên dùng điểm để “trị” HS.

Một số GV không ý thức được đầy đủ quyền của người học cũng như nguyên lí cơ bản của dạy học là vì người học, nên khi HS có ý kiến thì phản ứng hết sức tiêu cực.

Một số GV lại quan niệm sai lầm khi phân biệt lời nói khác với hành động, mà không hiểu rằng nói cũng chính là hành động (hành vi ngôn ngữ). Một số người chưa ý thức đầy đủ về sự nguy hại của hành vi “bạo hành bằng ngôn ngữ”.   

Hậu quả của kiểu “bạo hành bằng ngôn ngữ” trong nhà trường hết sức nặng nề.

Nó làm méo mó hình ảnh người GV, hạ thấp “tầm” của người GV trong mắt HS, đầu độc môi trường giáo dục, phá hoại mối quan hệ tốt đẹp trong nhà trường.

HS bị tổn thương nặng nề, dai dẳng, ức chế, nhiều em trở nên chai lì và có những phản ứng tiêu cực.

Một số người cho rằng do HS ngày nay nhiều em quá hỗn láo, lười nhác, thậm chí côn đồ, hung hãn, bày đặt âm mưu để hãm hại GV… Chúng tôi không phủ nhận những điều đó, song phản ứng của GV phải dựa trên những quy định của pháp luật và chuẩn mực đạo đức.

Nho giáo có quan niệm “quân tử” với những phẩm chất như khoan dung, đức hi sinh, lòng tự trọng, ý thức tự kiềm chế, gương mẫu….

Thiết nghĩ, mỗi nhà giáo cần lấy cách ứng xử “quân tử” làm phương châm, với một tầm cao về nhân cách. N

ếu mỗi nhà giáo đều ý thức được vị thế quân tử của mình, chắc hẳn sẽ không xẩy ra điều đáng tiếc. Chúng ta thường nói phẩm chất tiêu biểu của nhà giáo là mẫu mực, mô phạm, và điều đó thể hiện trước hết trong ngôn ngữ.  

Đành rằng nhà giáo cũng là con người, không phải là ông Thánh, do đó không tránh khỏi có lúc nóng nảy, bức xúc.

Với những sai lầm mang tính bột phát, trong những hoàn cảnh đặc biệt, dư luận cần có cái nhìn nhiều chiều, khoan dung. Song cũng hết sức tránh thái độ tự cho mình cái quyền được xúc phạm người khác, hoặc sử dụng vị thế vào những mục đích không trong sáng.

Ví dụ, việc GV dùng điểm để “trị” HS là điều tối kị, là cách ứng xử thiếu quân tử.

Một số GV rất gay gắt, nóng nẩy, riết róng với HS nhưng lại tỏ ra quá mềm mỏng, quỵ luỵ cấp trên, cho dù cấp trên có sai trái rõ ràng cũng không dám góp ý, thậm chí thẳng thừng quan niệm “lãnh đạo không bao giờ sai”. Đó là cách ứng xử “nịnh trên nạt dưới” rất phản giáo dục, hay còn gọi là rất “tiểu nhân”.

Trước hiện tượng GV bị ghi âm nói trên, có nơi liền ban hành quy định cấm HS ghi âm trong giờ học. Thiết nghĩ đó là phản ứng theo kiểu “không quản được thì cấm” hay “vụng múa chê đất lệch”.

Với tinh thần cầu thị, không nên trách, cấm những HS đã ghi âm, mà hãy nhìn nhận cái sai về phía mình, từ đó rút kinh nghiệm sâu sắc để sửa chữa.

Nếu GV chuẩn mực, không cần bận tâm đến việc HS có ghi âm hay không. Thậm chí, việc HS có thể ghi âm các giờ dạy lại có những tác dụng tích cực nhất định, hạn chế được hành vi ngôn ngữ thái quá của một số GV.

Một số ý kiến cho rằng GV cũng cần được bổ cứu về “kĩ năng sống”.

Theo chúng tôi, kĩ năng hàng đầu mà GV cần hết sức lưu ý rèn luyện đó là tự kiềm chế. Để kiềm chế tốt, xin ghi nhớ nguyên tắc “bất khả xâm phạm”. Đó là, có thể đuổi học, hay xử lí hình sự HS vi phạm kỉ luật, song không được đánh đập, xúc phạm các em.

Trần Quang Đại

      Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Nói đến người Thầy là người ta nghĩ đến vai trò mô phạm có tính chuẩn mực trước hết là ở cách ứng xử đối với học sinh, ở trong mối quan hệ Thầy - Trò. Từ đó tạo ra uy tín, sức cảm hóa và thuyết phục của người Thầy, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy  cũng như hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh.

Trong môi trường giáo dục chuẩn mực, không cho phép người thầy dùng những loại ngôn ngữ gây ra sự phản cảm đối với học sinh, càng không được phép “bạo hành” bằng ngôn ngữ, để lại vết thương tinh thần khó lành đối với học sinh.

Đúng là ai cũng có lúc nóng nảy, nhất là đối với những khuyết điểm nặng hoặc thái độ xấc xược của học sinh, nhưng dù trong tình huống nào, người Thầy cũng phải bình tĩnh giữ được vai trò mô phạm của mình và biết xử lý đúng với chuẩn mực của đạo đức và luật pháp.