Cần thay đổi cách làm phim ngân sách sau thành công của "Đào, phở và piano"

PV

(Dân trí) - "Dù là phim "đặt hàng" thì mục đích cuối cùng của một sản phẩm là được công chúng biết đến rộng rãi. Lẽ nào phim làm ra chỉ để chiếu duy nhất ở một địa chỉ rồi cất kho?".

"Đào, phở và piano" chắc chắn là một trong những từ khóa được tìm kiếm hàng đầu tại Việt Nam những ngày qua. Từ một bộ phim thuộc diện "đặt hàng" do Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất theo "đơn hàng" của Cục Điện ảnh ngày 26/5/2022, dự chiếu vào ngày toàn quốc kháng chiến nhưng tới tháng 1/2024 mới được công chiếu, tác phẩm điện ảnh này bất ngờ trở thành hiện tượng và được đông đảo công chúng săn đón.

Từ câu chuyện thành công của "Đào, phở và piano", nhiều độc giả đặt câu hỏi, liệu đã đến lúc những nhà làm phim trong nước nên nghiêm túc và đầu tư hơn nữa công sức, trí lực với những bộ phim thực hiện bằng ngân sách Nhà nước nhằm tối ưu hóa lợi nhuận hay chưa?.

Cần thay đổi cách làm phim ngân sách sau thành công của Đào, phở và piano - 1

Trung tâm Chiếu phim quốc gia quá tải nhiều ngày qua bởi sự xuất hiện của "Đào, phở và piano" (Ảnh: Minh Nhân).

Đặt "Đào, phở và piano" lên bàn cân với một tác phẩm cũng tạo tiếng vang lớn thời gian qua là bộ phim "Mai" của Trấn Thành, độc giả Thành Võ phân tích: "Trấn Thành đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để làm phim Mai, lời ăn lỗ chịu, đến nay doanh thu được cho chạm mốc 400 tỷ đồng. Giả sử con số được bơm thổi, lợi nhuận chỉ khoảng 2/3 con số này, chủ đầu tư cũng có thể mở sâm panh vì thắng lớn.

Còn với Đào, phở và piano, chủ đầu tư là Cục Điện ảnh với nguồn tiền từ ngân sách Nhà nước khoảng 20 tỷ đồng. Đây là phim đặt hàng, không có chuyện lời ăn lỗ chịu, chỉ cần làm đúng luật và đúng ý chủ đầu tư. Không biết có phải bởi vậy không mà cách ra đời của Đào, phở và piano khác rất nhiều nếu so với Mai.

Đằng sau sự thành công của Mai là một chiến dịch quảng bá công phu, từ trailer, poster, hình ảnh phim tới những ý kiến của KOL (người có sức ảnh hưởng xã hội)... Tất cả đều bài bản, được triển khai sớm và từ xa một vài tháng trước ngày ra rạp.

Dễ hiểu bởi Mai là phim thị trường, nếu thua - vắng khách, thì không chỉ thông điệp đạo diễn và các nghệ sĩ muốn truyền tải qua bộ phim coi như đổ sông đổ biển, mà vấn đề quan trọng hơn là chủ đầu tư có thể thua lỗ. Đồng tiền liền khúc ruột.

Còn Đào, phở và piano, sau 10 ngày công chiếu mới có trailer đầu tiên; ban đầu chỉ định chiếu ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia nhưng về sau khi "ồn ào" thì mới có ý định mở rộng suất chiếu, và có hai đơn vị tư nhân nhận chiếu giúp. Ủa sao kỳ vậy? Chẳng lẽ phim được đầu tư gần cả triệu đô la, bao nhiêu công sức của đạo diễn, diễn viên và cả đoàn làm phim mà không muốn phủ sóng trên các kênh quảng bá và phủ sóng ở rạp chiếu hay sao? Lẽ nào phim làm ra chỉ để chiếu duy nhất ở một địa chỉ rồi cất kho?

Tôi không có câu trả lời vì không phải là chủ đầu tư. Chỉ biết rằng sau khi một Tiktoker giới thiệu về Đào, phở và piano trên kênh của mình thì bộ phim này mới được biết đến rộng rãi. Dù là phim "đặt hàng" thì mục đích cuối cùng của một sản phẩm là được công chúng biết đến rộng rãi, được kiểm nghiệm bởi thị trường.

Thị trường ở đây không phải một khái niệm chung chung mà là những con người, những khán giả, những công dân đóng tiền thuế. Một nền điện ảnh thu hút khán giả mới thực sự tạo dựng được nền móng vững chắc. Phim không chịu hạnh kiểm của thị trường thì đâu có ai vào trong kho để xem".

Đồng tình với quan điểm trên, người dùng Trinh Tuan tiếp lời: "Chính cách tư duy của chủ đầu tư và đơn vị thực hiện theo kiểu phim đặt hàng chỉ chiếu lấy lệ rồi cất kho làm lãng phí ngân sách Nhà nước, không thực hiện đúng nghĩa vụ khi đầu tư bằng ngân sách công. Vì vậy, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch phải thay đổi cách làm, và một trong những thay đổi là phim sử dụng vốn ngân sách phải được công chiếu rộng rãi để người dân tiếp cận và giám sát.

Chỉ khi phim được công chiếu để phục vụ lợi ích công thì công chúng mới có thể thụ hưởng sản phẩm văn hóa và đánh giá chất lượng sản phẩm".

Cần thay đổi cách làm phim ngân sách sau thành công của Đào, phở và piano - 2

Trung tâm Chiếu phim quốc gia quá tải nhiều ngày qua bởi sự xuất hiện của "Đào, phở và piano" (Ảnh: Minh Nhân).

Có chung góc nhìn, độc giả Mai Trung Trực viết: "Quá trì trệ, Nhà nước cần huy động nguồn lực để làm phim, khi phim hấp dẫn người xem như thế này thì phải nhanh chóng công chiếu rộng rãi, vừa đáp ứng nhu cầu người xem, vừa thu được một khoản tiền để bù chi phí làm phim". Trong khi đó, người dùng có nickname Mr Dong chỉ ra một góc nhìn khác về thành công của "Đào, phở và piano", đó là sự xuất hiện của những người review phim. "Các bộ phim doanh thu hàng trăm tỷ của Việt Nam hiện nay có công rất lớn của những người làm review", độc giả này viết.

Cùng quan điểm, chủ tài khoản Ngoc Lan bình luận: "Thứ nhất, cảm ơn bạn Tiktoker có tâm với lịch sử, điện ảnh , đã review để bộ phim được chú ý. Thứ hai, cảm ơn đạo diễn Phi Tiến Sơn và ekip diễn viên đã xây dựng bộ phim khiến giới trẻ hào hứng với lịch sử dân tộc, không thờ ơ với cha ông như nhiều người đang lầm tưởng. Thứ ba, cảm ơn hai rạp Beta Cinemas và Cinestar đã có tâm nhanh chóng nhận phát hành phim phi lợi nhuận trong khi phim Mai đang hot, họ hoàn toàn có thể bỏ qua Đào để làm kinh tế.

Chủ của hai rạp này đáng được khích lệ. Thứ tư, gửi một lời nhắn đến các bạn trẻ rằng: "Sau tất cả thì tình yêu bền vững nhất vẫn là tình yêu nước" và cuối cùng, chúng ta hãy khích lệ tất cả các bên làm nên bộ phim này, kể cả Cục Điện ảnh, các tổ chức liên quan. Họ sẽ không thờ ơ sau hiệu ứng của phim, họ nhận được một luồng sinh khí, nguồn động viên lớn lao từ cộng đồng để làm tiếp những bộ phim đề tài hóc búa này.

Làm phim tình cảm, yêu đương, ngoại tình... thì dễ, phim lịch sử không phải ai cũng đủ kinh phí và bản lĩnh để làm. Vì vậy tôi nghĩ rằng, mọi người hãy đoàn kết và thấy vui vì hiệu ứng của phim và chờ mong những tiến bộ, phát triển sắp tới của điện ảnh nước nhà".

Hoàng Diệu (tổng hợp)