Nâng cao chất lượng dạy môn Lịch sử:

Cần những giải pháp đồng bộ

Danh ngôn có câu: “Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ trả lời bằng đại bác”… Cần có một cách nhìn thỏa đáng và những giải pháp đồng bộ với môn Lịch sử trong trường phổ thông.

Lịch sử, môn học kiến tạo nền tảng tinh thần xã hội

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu thơ nổi tiếng: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Môn Lịch sử có vai trò rất quan trọng đối với việc giáo dục những kiến thức về lịch sử quê hương, lịch sử dân tộc và nhân loại, nâng cao trình độ văn hoá và giáo dục ý thức truyền thống, lòng yêu nước cho học sinh (HS). Đáng buồn là qua những kì thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng trong mấy năm gần đây, dư luận đã lên tiếng cảnh báo về “thảm hoạ điểm môn lịch sử”. Phải thừa nhận rằng trong trường phổ thông, tình trạng dạy học môn Lịch sử và các môn khoa học xã hội nói chung đang có những biểu hiện sa sút nghiêm trọng. Có một mối liên hệ khá rõ nét giữa biểu hiện suy thoái này trong nhà trường với sự suy thoái về ý thức dân tộc, về đạo đức xã hội, để lại những hậu quả to lớn và lâu dài.

Thực trạng ấy khiến những ai quan tâm tới giáo dục đều băn khoăn, lo ngại. Công việc đầu tiên là bình tĩnh suy xét, lí giải nguồn cơn của vấn đề. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo…đã phân tích một cách sâu sắc những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc HS không học lịch sử, yếu kém về lịch sử là hệ quả có tính tất yếu.

Tất cả các khâu đều có “vấn đề”

Xuất phát từ yêu cầu về nhân lực của nền kinh tế-xã hội, từ tâm lí thực dụng của việc học chỉ cốt để thi vào những ngành học dễ kiếm việc làm, đã từ lâu trong các trường phổ thông, môn Lịch sử bị coi là “môn phụ”. Đây cũng là tâm lí phổ biến của các nhà quản lí giáo dục, của đông đảo giáo viên và HS, phụ huynh. Số tiết phân phối chương trình dành cho môn Lịch sử rất hạn chế, nếu không nói là quá ít ỏi, chỉ trung bình 1-1,5 tiết/tuần, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn cũng có phần bị xem nhẹ. Rất nhiều trường học hầu như không còn ban C, các ban A, B đã thu hút hết những HS khá, giỏi, nên những HS vào ban C thuộc “tốp dưới”. “Không có bột”, lấy gì để “gột nên hồ”?

Vì quan niệm Lịch sử là “môn phụ” nên có không ít giáo viên môn này ít quan tâm trau dồi chuyên môn, giảng dạy thiếu nhiệt tình và không chịu khó đổi mới phương pháp. Nhiều giáo viên lên lớp cứ trình bày lại những điều SGK đã viết, và HS cứ cầm sách lên để trả lời thì còn gì là hứng thú. HS đa số đến với môn Lịch sử với thái độ uể oải, đối phó, không nghe giảng, không ghi chép, không làm bài tập và thường xuyên sử dụng tài liệu khi thi cử, kiểm tra. Đặc thù của môn Lịch sử là có một khối lượng kiến thức cố định được trình bày trong SGK với rất nhiều con số và sự kiện, nội dung các câu hỏi kiểm tra thường thiên về yêu cầu tái hiện kiến thức nên HS rất hay ỷ lại vào tài liệu.

Theo ông Dương Trung Quốc, mảng văn hóa trong các cuốn sách lịch sử còn ít ỏi. Tài liệu tham khảo nghèo nàn, chương trình quá tải, phương pháp giảng dạy thiên về nhồi nhét kiến thức, kém hấp dẫn…cũng là những lí do khiến HS ít hứng thú với môn học. Cô giáo L.T.H.P. ở trường Hà Tĩnh cho biết: SGK Lịch sử 12 trình bày kiến thức rất cô đọng, tranh ảnh minh họa đen trắng đơn điệu, không có tranh ảnh màu làm giảm tính trực quan, hấp dẫn. Một số giáo viên ít khai thác bản đồ, biểu đồ trong dạy học, các tài liệu đa phương tiện (multimedia) phục vụ dạy học hầu như không có.

Ngoài ra, những ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, của sự mở cửa, giao lưu văn hóa quốc tế… cũng góp phần làm cho HS “quay lưng” lại môn Lịch sử. Theo chúng tôi, ngành công nghiệp giải trí của chúng ta đang có những phát triển lệch lạc với nhiều biểu hiện lai căng, kệch cỡm, trái ngược với thuần phong mĩ tục, với truyền thống văn hóa dân tộc, đang có một sức hút mạnh mẽ đối với giới trẻ, làm xói mòn những giá trị đạo đức truyền thống. Không ít bạn trẻ tôn thờ các thần tượng là các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, truyền hình, thậm chí đến mức cuồng nhiệt nhưng lại hoàn toàn thờ ơ với các danh nhân lịch sử văn hoá, các anh hùng, các nhà khoa học của dân tộc và nhân loại.

Người lớn phải nêu gương

Việc nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử trong trường phổ thông đòi hỏi một hệ thống giải pháp đồng bộ bao gồm tăng thời lượng chương trình, đổi mới SGK, phương pháp dạy học, đầu tư phương tiện, trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (bắt đầu từ các trường đại học), đổi mới hình thức kiểm tra, thi cử… Cần có những cuộc điều tra về yêu cầu, sở thích của HS đối với môn học, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em.

Ngành giáo dục và toàn xã hội phải có những biện pháp tuyên truyền để bồi dưỡng tình yêu lịch sử cho HS, nâng cao vị thế môn Lịch sử trong nhà trường. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần có những chương trình hỗ trợ giáo dục môn Lịch sử. Không nên coi nhẹ hiệu quả của biện pháp nêu gương: người lớn hãy giáo dục tình yêu lịch sử cho con em bằng những hành động cụ thể của mình: chăm lo các di tích lịch sử, đọc sách, du lịch, trao đổi với con em, kể cho con em những câu chuyện lịch sử, những danh nhân lịch sử, phát huy truyền thống của quê hương, dân tộc… Mỗi gia đình cũng cần có những hình thức giáo dục con em tình yêu lịch sử và người lớn phải làm gương cho con trẻ. Nếu người lớn không làm gương, e rằng những lời hô hào đều không có mấy tác dụng. Trong một cuộc thi tìm hiểu về một danh nhân, nhiều thầy cô nhờ HS chép bài hộ, và khi các em hỏi về những kiến thức lịch sử, văn hóa thì hầu như họ không trả lời được.

Có những ý kiến đề nghị nhà nước cần đầu tư xây dựng nhiều bộ phim lịch sử (phim nhựa, phim truyền hình, phim hoạt hình) có giá trị, hấp dẫn để qua đó khắc sâu kiến thức lịch sử, giáo dục ý thức dân tộc cho thanh thiếu nhi. Nhìn sang nước láng giềng là Trung Quốc, chỉ riêng triều đại nhà Thanh đã có hàng trăm bộ phim lịch sử và dã sử. Các nhà trường cần có các phương tiện, chương trình để vận dụng tài liệu truyền thông đa phương tiện, giáo án điện tử vào giảng dạy. Cần tổ chức những buổi tham quan các di tích, danh thắng, các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi… phong phú, hấp dẫn để làm “mềm hoá” chương trình mà lại thu được hiệu quả giáo dục cao. Ví dụ: tổ chức cho HS đi thăm quê Bác, lăng Bác, thăm khu lưu niệm Nguyễn Du, ngã ba Đồng Lộc… Tuy nhiên, vấn đề kinh phí hãy còn là một bài toán nan giải, các trường có thể tiết kiệm các khoản chi, tìm kiếm nguồn tài trợ…, điều quan trọng là phải có quyết tâm, có ý thức sâu sắc.

Bên cạnh đó, cần có những giải pháp để động viên đội ngũ giáo viên môn Lịch sử vì họ không có thu nhập gì thêm ngoài đồng lương nên đời sống còn nhiều khó khăn, ít có điều kiện để mua thêm sách vở, tài liệu nghiên cứu… Có thể phụ cấp thêm theo giờ đứng lớp cho giáo viên Lịch sử như một số môn khác. Ví dụ, giáo viên kiêm nhiệm môn Giáo dục quốc phòng được hưởng phụ cấp 1% lương tối thiểu cho mỗi giờ dạy. Chính sách này cũng có thể áp dụng đối với giáo viên môn Lịch sử. Hoặc hằng năm tổ chức riêng cho các giáo viên môn Lịch sử những chuyến tham quan, hội thảo để giao lưu học hỏi, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn…

Cũng có thể xuất bản một tạp chí chuyên đề về dạy và học lịch sử trong nhà trường, tạo một nguồn cung cấp kiến thức, một diễn đàn cho những người yêu lịch sử, cho giáo viên và HS trao đổi kinh nghiệm dạy và học. Hiện nay, có nhiều tạp chí phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử và chúng tôi thấy các nhà trường, các giáo viên rất ít đặt mua, HS thì hầu như không biết đến. Nếu có thể, miễn phí hoặc trợ giá cho những tài liệu phổ cập kiến thức lịch sử cho giáo viên và HS phổ thông miễn phí hoặc trợ giá.

Chúng ta đã nghe nói nhiều về những ý tưởng nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học môn Lịch sử trong trường phổ thông nhưng điều quan trọng là phải thực sự quyết tâm, có những giải pháp cụ thể, khả thi, phải có một sự đầu tư bài bản, có tính chiến lược, có chiều sâu thì mới mong xoay chuyển được tình hình.

Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh

LTS Dân trí - Môn Lịch sử góp phần quan trọng vào việc giáo dục ý thức dân tộc, chủ nghĩa yêu nước cũng như hình thành nhân cách, kế thừa và phát huy các gíá trị truyền thống và bản sắc dân tộc. Điều đáng lo ngại là một môn học quan trọng như vậy lại chưa được quan tâm đúng mức.

Dư luận xã hội cũng như các cơ quan ngôn luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự suy giảm nghiêm trọng của chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông. Bộ GD-ĐT không thể không biết điều đó. Nhưng cho đến nay chưa có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ để khắc phục tình trạng này mà hầu như mọi ý kiến đóng góp của các nhà giáo, nhà khoa học đều dừng lại trên mặt báo hoặc các cuộc hội thảo.

Mong rằng Bộ GD-ĐT nghiên cứu thấu đáo những ý kiến đóng góp đó để thấy những nguyên nhân nào thuộc về phía chủ quan của ngành giáo dục thì kiên quyết khắc phục bằng những biện pháp thiết thực và đồng bộ.