Cần nghiêm khắc với bạo hành học đường

Vừa qua, báo chí đã phản ảnh nhiều vụ bạo lực hoc đường. Chủ yếu là học sinh đánh nhau, nhiều khi ở ngay trước cổng trường, trước các cơ quan công quyền hay giữa công viên thành phố...

Trước đây chỉ những thanh niên lêu lỏng, hoặc học sinh đã bị đuổi học vào hành hung doạ nạt học sinh đang học trong các trường phổ thông. Nhưng nay thì chính những học sinh giữa các trường lân cận kết bè, kéo cánh đánh nhau theo kiểu “hội đồng”. Có cả nữ sinh cũng vào cuộc.

Tệ hại hơn là những học sinh trong cùng một trường, một lớp, nhiều khi chỉ vì những va chạm nhỏ hay lỡ lời làm mất lòng nhau, nhưng không giải quyết mâu thuẩn bằng con đường hoà giải, mà lại tìm cách giải quyết bằng bạo lực. Thậm chí gần đây ở Hà Nội và các thành phố, thị xã khác... xuất hiện nữ sinh đánh nữ sinh, nam sinh đánh nữ sinh một cách rất thô bạo tàn nhẫn, vô nhân tính.

Những kẻ hành hung, làm nhục người khác còn huênh hoang khoe “chiến công” của mình với bạn hoặc quay cảnh đó rồi công khai đưa lên mạng.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thiết nghĩ đấy là điều thật đáng báo động trong sự nghiệp trồng người vốn có yêu cầu giáo dục toàn diện, đâu chỉ dạy chữ, mà còn phải quan tâm dạy người để các em giàu lòng nhân ái, biết thương yêu bạn và “Thương người như thể thương thân”.

Mấy ngày qua, xem những video - clip phát trên đài truyên hình kênh vtc 14 phút, mạng blog.com, mà người xem cứ ngỡ hành động đó là của những kẻ côn đồ. Dư luận hết sức bất bình và lo lắng trước những tệ nạn đang lan tràn trong học đường. Hành vi bạo lực đó không những làm xấu đi bộ mặt nhà trường, mà còn đánh mất niềm tin vào thế hệ tương lai mà xã hội đang kỳ vọng.

Nếu không kịp thời, cương quyết chấn chỉnh tình hình sa sút đao đức nghiêm trọng trong môi trường giáo dục thì hậu quả sẽ thuộc về tương đất nước phải gánh chịu.

Hơn ai hết, những học sinh là những người có học, các em phải thấm nhuần đạo lý làm người, phải biết lên án những hành vi bạo lực, vô nhân tính là trái với nề nếp gia phong, truyền thống đạo lý của dân tộc ta. Hơn nữa đấy còn là hành vi vi phạm luật pháp, xâm hại đến thân thể, làm tổn hại sức khoẻ, danh dự của người khác.

Điều 604 - chương XXI bộ luật dân sự nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ:

Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyề, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.” Hoặc nghiêm trọng thì phải bị truy tố pháp luật.

Vậy mà trên thực tế, những cảnh ẩu đả, xâm hại nhân phẩm, làm nhục lẫn nhau trong  học sinh diễn ra ngày càng nhiều, càng phổ biến và tính chất ngày càng trầm trọng hơn.

Vậy thì nguyên nhân chính là do đâu?

Qua tìm hiểu, nhiều vụ học sinh đánh nhau là do xích mích, đua đòi ăn chơi, ghen tức lẫn nhau, muốn chứng tỏ mình là “tay chơi”, chẳng sợ ai!

Nhiều kẻ lười học, bị cán sự lớp, cờ đỏ, BCH chi đoàn nhắc nhở nêu khuyết điểm trong các buổi sinh hoạt dưới cờ sáng thứ 2 hàng tuần… Những người đó không chịu sửa khuyết điểm mà còn mặc cảm, thành kiến và để bụng thù hằn. Cuối cùng thì trả thù bằng cách đánh dằn mặt, làm nhục đối phương ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Có trường hợp do yêu đương nhăng nhít, tranh giành người tình.

Cũng đôi khi chỉ là va chạm phải nhau lúc lấy xe đạp, vô tình bắt gặp một ánh mắt của người cùng giới, liền tỏ ra khó chịu vì “nhìn đểu!”. Thế là thách thức, hẹn giờ, địa điểm liều mạng với nhau một phen.

Thông thường kẻ gây chiến thường tụ tập lực lượng đông gấp ba, gấp bảy lần đối phương. Chờ tan học, đón đường, hoặc hẹn ở một công viên, góc phố vắng. Có khi là ngay ở cổng sau của trường học, cổng trước nhà chức trách như đồn Công an, Uỷ ban nhân dân huyện, văn phòng huyện uỷ, thị xã...

Hỗn chiến diễn ra thường kéo dài, ác liệt, hành vi thì quá tàn nhẫn, dã man, đầy thú tính ...

Có khi dùng tới cả thắt lưng, gậy, nhị khúc, dao... Người bị hại thì mặt mày sưng vù, thân hình tơi tả, tím bầm, xe đạp, cặp sách tan nát,  nhục nhả ê chề. Kẻ thắng thì khoái chí, hoan hỷ, dương dương tự đắc...

Bản thân người viết bài này là phụ huynh của một học sinh từng bị hại. Chỉ vì em không chịu tham gia cùng băng với bọn chúng để đánh một em yếu ớt hơn ở trong lớp. Chúng sợ em tố cáo nên lôi em vào rừng cao su dằn mặt. Khi bị đánh em liền chạy vào văn phòng đội. Thầy giáo phụ trách đội liền đuổi em ra và  bảo:

“Em có làm sao các bạn mới đánh chứ!” Thế là bọn chúng được dịp kéo em vào ngay dưới gầm cầu thang của trường, đánh cho đến ngất đi.

Khi phụ huynh biết tin, liền đến đề nghị ban Giám hiệu nhà trường can thiệp. Nhưng thầy hiệu trưởng dõng dạc tuyên bố:

“Những chuyện xảy ra ngoài giờ, ngoài khuôn viên nhà trường, chúng tôi không chịu trách nhiệm. Chúng tôi đến đây để dạy học sinh ở trên lớp và trong giờ học, còn lo  chu toàn cho các em ở phạm vi bên ngòai là trách nhiệm gia đình chứ không thể bắt các thầy cô giáo làm công tác trật tự an ninh ngòai xã hội!”

Xem ra người bị nạn không được bênh vực mà còn bị mặc cảm, vô tình có ấn tượng xấu với ban giám hiệu nhà trường. Trước tình hình đó, phụ huynh học sinh đành chuyển con mình sang trường học xa hơn  vì “tránh voi chả xấu mặt nào”.

Có những vụ ẩu đả xảy ra ngay trước đồn công an huyện, người dân đi qua trông thấy lo lắng, chạy vào nhờ các chiến sỹ công an can thiệp. Nhưng...  được nghe câu trả lời:

“Chúng tôi là Công an của huyện. Việc đó là của Công an thi trấn và An ninh khu vực!”.

Đúng là “Chờ được vạ thì má đã sưng.”

Qua những ví dụ trên nói lên một điều là:

Một số thầy cô giáo, nhà trường chưa nhiệt tình, thương yêu học sinh. Nói chính xác ra là chưa yêu nghề. Họ coi nơi đến dạy, làm việc là cái cần câu cơm mà thôi. Xong việc là về “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!”.

Một số chiến sỹ công an còn chưa đề cao trách nhiệm trước dân, nhất là đối tượng tuổi vị thành niên.

Chúng ta đừng quên rằng giáo dục, bồi dưỡng lớp trẻ là trách nhiệm không riêng gì ngành sư phạm, mà đó là trách nhiệm của cả xã hội, nhất là đối với những người làm công tác giữ gìn an ninh trật tự xã hội như công an.

Nếu chỉ dùng khung hình phạt tiền vài trăm, vài triệu đồng, hoặc hạ hạnh kiểm, thậm chí đuổi học cũng chỉ là hạ sách. Vì những đứa trẻ ngông cuồng đó có thể là con gia đình giầu có, nhiều tiền. Rồi phụ huynh của chúng cũng xin cho con vào một trường dân lập, bán công, bổ túc nào đó. Thế là chúng lại có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học và có nghề. Khi đó ai có thể lường được tai hoạ về sau nếu những kẻ đó lại trở thành người quản lý, đứng đầu một ban phòng phụ trách lĩnh vực xã hội chẳng hạn.

Theo ý kiến đề xuất của nhiều người, kể cả phụ huynh học sinh và một số giáo viên thì những học sinh mắc tội hay gay gổ đánh bạn dã man nhiều lần, mà không chịu sửa chữa thì nên có hình thức kỷ luật thích đáng, nếu cần thiết thì phải đuổi học và cho đi các trại giáo dưỡng hoặc buộc cải tạo lao động cho đến khi biết hối cải.

Những giáo viên, công an nào là những người chứng kiến, có điều kiện ngăn cản hành vi bạo lực nói trên, nhưng cố tình đùn đẩy, làm ngơ, bỏ qua trách nhiệm thì cũng phải chịu xử lý thích đáng.

Là một đất nước xã hội chủ nghĩa, giáo dục con người ngoài mục đích đưa thế hệ mai sau tiến kịp, bắt nhịp cùng bước tiến của nhân loại, còn phải tạo ra những con người giầu lòng nhân ái,  thể hiện tính chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Một đất nước tiên tiến bao giờ cũng đi kèm với thái độ văn minh trong ứng xử, không thể tồn tại những hành động bạo lực, nhất là trong học đường.

Tất nhiên đào tạo, giáo dục thể chất, kiến thức, đạo đức cho lớp trẻ đồng nghĩa với  việc gạn đục khơi trong. Có trường hợp chỉ xử lý nhẹ nhàng, nhắc nhở. Nhưng cũng có trường hợp sự trây lỳ, hung hãn đã trở thành cố tật thì phải loại bỏ không thương tiếc.

Nếu nhà trường, công an, phụ huynh học sinh và tất cả mọi người đều ý thức được trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, thì chắn chắn chúng ta sẽ lọai bỏ được bạo lực ra khỏi học đường và xây dựng thành công: “T
rường học thân thiện, học sinh tích cực":

Trần Hữu Đạt

UBMTTQ – Vĩnh Linh - Quảng Trị

 

LTS Dân trí - Muốn ngăn chặn bạo lực học đường thì đi đôi với việc xử lý nghiêm minh những học sinh hay gây gổ, là chủ mưu trong các vụ đánh nhau, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục đạo đức cũng như cách ứng xử có văn hóa cho trẻ em; mọi người lớn cần có ý thức làm gương cho các em noi theo.

Chăm lo công việc giáo dục các em không chỉ là trách nhiệm của gia đình và nhà trường, mà còn cần đến sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đoàn thể, nhất là các cơ quan bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, không để lan tràn lọai văn hóa độc hại, đầy rẫy những cảnh bạo lực có ảnh hưởng rất xấu tới sự hình thành tính cách của giới trẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm