Cần làm rõ dấu hiệu oan sai trong vụ án giết người ở Đồng Nai

(Dân trí) - Sau vụ án người chồng vì đứng ra bảo vệ vợ đang mang thai trước sự tấn công của hai thanh niên bị tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP HCM tuyên phạt mức án 14 năm tù, cộng đồng người học luật, dư luận đã cùng nhau lên tiếng.

Để có cái nhìn đa chiều, sâu sắc về vụ án của Nguyễn Thanh Tuấn (Đồng Nai), phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Về nguyên nhân xảy ra vụ án mạng, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng bị cáo Tuấn đã có những ứng xử chưa phù hợp với tình huống của mình, khi đang chở vợ mang thai và con nhỏ lại đi ăn thua (vượt lên vượt xuống) với đám thanh niên có biểu hiện côn đồ. Đây là điều hết sức tối kỵ đối với người tham gia giao thông (đây là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ). Trước sự khiêu khích của hai hai thanh niên kia, Tuấn đã buông ra một lời không phù hợp với hoàn cảnh là “Tụi bây muốn gì?” và liên tiếp với các hành động đó là xông vào đánh nhau với hai thanh niên kia. Như vậy, nguyên nhân xảy ra sự xô sát là có một phần lỗi của bị cáo. Đành rằng hai thanh niên kia cũng có biểu hiện hết sức ngỗ ngược, ngang tàn thậm chí là côn đồ.
 
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng vụ án có nhiều dấu hiệu bất thường cần làm rõ
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng vụ án có nhiều dấu hiệu bất thường cần làm rõ

Việc Tuấn bỏ chạy thì có hai giả thiết được đặt ra:

Giả thiết thứ nhất: Do biết sức mình không thể đấu lại được hai thanh niên kia thì bỏ chạy đi tìm vũ khí, hung khí để tấn công đối phương và thực tế đã tìm được, đã tấn công và gây hậu quả (đâm chết 1 trong 2 thanh niên kia). Nếu rơi vào trường hợp này thì hành vi của Tuấn là hết sức đáng trách, hành vi của Tuấn thực hiện đã thỏa mãn các dấu hiệu của “Tội giết người” quy định tại Điều 93 BLHS chứ không thể cấu thành tội phạm của tội danh khác được.

Giả thiết thứ hai: Trước sự tấn công mạnh mẽ của đám thanh niên ngỗ ngược, côn đồ thì Tuấn đã bỏ chạy theo phản xạ tự nhiên nhằm bảo toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân nhưng sau đó lại phát hiện ra hai thanh niên kia hành hung dã man người vợ người vợ đang mang thai của mình, Tuấn vô tình nhìn thấy con dao (chứ không phải cố tình) để tấn công, phòng vệ cho người vợ của mình thì có thể xem xét chuyển sang tội danh khác đó là “Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định Điều 95 BLHS.

Theo đó: “Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Tuy nhiên, tình tiết này khó được chấp nhận bởi lẽ: Khi đâm chết đối tượng trực tiếp tấn công vợ mình, Tuấn lại có biểu hiện “say máu” khi tiếp tục rượt đuổi và tấn công một đối tượng khác mà đối tượng này không hề tấn công vợ mình. Trong trường hợp này khi đánh giá tình chất phạm tội thì cơ quan có thẩm quyền đánh giá Tuấn là hung hăng khi tấn công cả đối tượng không xâm phạm tới thân thể của vợ mình và hành vi giết người của Tuấn là cố ý.

Như vậy, khi quy kết Tuấn phạm tội giết người được quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự, với một tình tiết tăng nặng là đã có một tiền án, trong khi đó khung hình phạt đối với tội danh giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS là phạt tù 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đối chiếu mức án mà Hội đồng xét xử dành cho Tuấn (14 năm) là phù hợp.

Là người luật sư, chúng tôi thường có xu hướng vận dụng các quy định của pháp luật và trích dẫn các tình tiết, diễn biến khách quan của vụ án để đề xuất giảm nhẹ cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, trong vụ án này với những tình tiết trọng vụ án thì việc đề xuất giảm nhẹ hình phạt cho Tuấn là rất khó khăn.

Tóm lại, trong vụ án này nếu chỉ xét riêng hành vi của Tuấn dùng dao để chống trả lại hành vi đánh vợ (của Tuấn) của hai thanh niên kia, thì rõ ràng hành vi tấn công đó là cần thiết (không nhất thiết phải cân xứng, ngang bằng theo cách xác định của toán học) và như vậy có thể xem xét hành vi của Tuấn là phòng vệ chính đáng để không truy cứu trách nhiệm hình sự (vô tội) đối với Tuấn. Tuy nhiên, khi xâu chuỗi lại toàn bộ quá trình, xét nguyên nhân xảy ra án mạng, việc Tuấn tấn công một người không liên quan và xét cả nhân thân đã từng phạm tội của Tuấn (đánh giá tính cách, thái độ) thì Hội đồng xét xử buộc Tuấn phạm tội giết người là đúng người, đúng tội.

Ở một góc độ khác khi HĐXX nhận định: “Khi bị cáo đã bỏ chạy rồi thì có thể xử lý theo cách khác, đằng này bị cáo lại chủ động tìm dao và quay lại để đâm chết người ta…”. để buộc tội là chưa phù hợp, bởi chưa chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ (đối với vợ Tuấn).

Một nội dung khác cũng rất đáng quan tâm đó là hành vi phạm tội của hai thanh niên đối với vợ Tuấn. Hậu quả làm cho vợ Tuấn bị xảy thai. Trươc tình tiết này quan điểm của nhiều độc giả, dư luận xã hội cho rằng: Một là Phải xử lý về tội giết người hoặc là

Nếu không xử lý về tội giết người thì phải xử lý về “Tội có ý gây thương tích”. Tuy nhiên, đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành thì những quan điểm này không phù hợp bởi: Hành vi khách quan của tội giết người là hành vi tước đoạt tính mạng trái pháp luật tính mạng của người khác. Đối tượng (khách thể) của hành vi tước đoạt tính mạng chỉ có thể là con người đang sống.

Thời điểm bắt đầu của con người đang sống được tính từ thời điểm được sinh ra và kết thúc khi sự sống thực sự chấm dứt. Còn đối với “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” quy định tại Điều 104 BLHS thông thường tỷ lệ thương tích, tổn hại sức khỏe phải đạt tỷ lệ là 11%, nếu tỷ lệ dưới 11 % thì vẫn có thể khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp sau: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, ...

Nhưng theo Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của liên Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới thì lại bỏ sót quy định về tỷ lệ tổn hại sức khỏe đối với trường hợp bị xảy thai, do vậy không có cơ sở để xem xét, xử lý đối với người đã có hành vi dẫn tới việc xảy thai của nạn nhân đây là một khiếm khuyết của pháp luật. Chính vì vậy, hành vi của thanh niên hành hung vợ Tuấn bị xử lý về tội danh “Tội gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 245 BLHS là phù hợp.

Ban Bạn đọc