Cần làm gì khi bị mất sổ đỏ?

Khả Vân

(Dân trí) - Tôi có việc cần dùng đến sổ đỏ nhà đứng tên mình, nhưng phát hiện sổ đã mất không rõ nguyên nhân. Giờ tôi phải làm sao, thưa luật sư? Nếu bị kẻ gian lấy mất thì tôi có bị mất nhà không?

Trả lời:

Trường hợp của bạn, Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia làm hai tình huống như sau:

Tình huống 1: Có kẻ gian đã lấy mất sổ đỏ để cầm cố (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của bạn và đã thực hiện một giao dịch nào đó. Người này không phải là chủ sở hữu của mảnh đất được ghi nhận trong sổ đỏ đó nên tại Điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

"Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng."

Theo đó, giao dịch dân sự của người này thực hiện có mục đích và nội dung trái đạo đức xã hội vi phạm điều cấm của pháp luật thì đều vô hiệu. Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định."

Do đó, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên và các bên sẽ trả cho nhau những gì đã nhận. Vì thế, hành vi lấy sổ đỏ của bạn làm gì đó của kẻ gian khi không có sự đồng ý của chủ sở hữu mảnh đất là hành vi vi phạm pháp luật.

Tình huống này, bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch dân sự giữa kẻ gian và người nào đó đang cầm sổ đỏ của bạn là vô hiệu. Sau đó, bạn sẽ lấy lại được sổ đỏ.

Cần làm gì khi bị mất sổ đỏ? - 1

Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Tình huống 2: Nếu mất sổ đỏ thật thì bạn cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Bạn đến Công an xã, phường nơi mất Sổ đỏ làm thủ tục trình báo sự việc trên và đề nghị cấp Giấy tờ xác nhận việc mất Giấy chứng nhận của công an cấp xã, phường nơi mất.

Bước 2: Căn cứ vào Khoản 1, Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP: "Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn".

Vì vậy, bạn phải làm đơn trình báo việc mất sổ đỏ với Ủy ban nhân dân (UBND) xã/phường nơi có đất để khai báo về việc Sổ đỏ. UBND xã/phường sẽ niêm yết thông báo mất Sổ đỏ tại trụ sở của UBND xã/phường nhằm mục đích tìm kiếm trong thời hạn 30 ngày.

Bước 3. Sau thời hạn niêm yết nếu vẫn không tìm được Sổ đỏ thì bạn tiếp tục nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Sổ đỏ đến Văn phòng đăng ký đất đai.

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp (đối với trường hợp cấp đổi) hoặc Bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi dồn điền đổi thửa, đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng;

- Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó. (đối với trường hợp cấp lại);

- Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật (nếu có);

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký cấp lại Sổ đỏ; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và trao Sổ đỏ cho người được cấp hoặc gửi cho UBND cấp xã/phường để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã/phường.

Thời hạn Cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (điểm q khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm