Cần làm gì để đòi lại công bằng khi hàng xóm xây tường lấn đất?

Ngọc Hân

(Dân trí) - Hàng xóm vừa xây một công trình lấn sang mảnh đất gia đình tôi khoảng 5cm, chạy dài 10m. Tôi phải làm thế nào để yêu cầu phá dỡ phần công trình xâm phạm quyền sử dụng đất của tôi?

Theo Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi xây dựng, chủ sở hữu công trình phải tuân thủ pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách đã được quy định. Đồng thời, không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người xung quanh.

Điều này được ghi nhận tại điều 174, Bộ luật dân sự năm 2015 về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng. Như vậy, việc gia đình bên cạnh xây dựng công trình lấn sang đất gia đình bạn dù chỉ 5cm cũng là hành động xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình bạn.

Do bạn đọc không nói rõ công trình xây dựng lấn chiếm đó cụ thể là bức tường, hay nhà ở nên trường hợp bạn thắc mắc được chia ra hai trường hợp sau:

Thứ nhất đó chỉ là bức tường ngăn cách giữa hai bất động sản.

Với trường hợp này, khoản 1 điều 176, Bộ luật dân sự năm 2015 có nêu: "Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình". Như vậy, việc hàng xóm xây tường ngăn trên một phần đất của gia đình bạn là hành động vi phạm quy định pháp luật nêu trên.

Với trường hợp trên, nếu bạn đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó sẽ là sở hữu chung của hai bên, chi phí xây dựng do gia đình hàng xóm chịu. Còn nếu bạn không đồng ý với lý do chính đáng thì gia đình hàng xóm phải tháo dỡ bức tường đó. Lý do chính đáng ở đây có thể là hàng xóm cố ý xây lấn sang dù đã có số liệu đo vẽ chính xác, mốc giới tự nhiên hai bên rõ ràng, trước khi xây dựng gia đình bạn không được thông báo.

Trường hợp thứ hai: Đó là công trình nhà ở, bức tường đó là phần chịu lực của công trình.

Như đã nêu ở phần trên, việc xác định hàng xóm đã vi phạm quy tắc xây dựng, xâm phạm quyền sử dụng đất của gia đình bạn là tương đối rõ ràng. Tuy nhiên trong thực tiễn về tố tụng đã có đường lối xét xử như sau: Tranh chấp quyền sử dụng đất liền kề với diện tích rất nhỏ, người lấn chiếm không cố tình, đã xây dựng công trình kiên cố, nếu buộc phải thi hành án để trả lại đất cho bên bị lấn chiếm thì công trình của bên lấn chiếm có thể bị phá hủy, do đó có thể tuyên trả lại giá trị quyền sử dụng đất cho bên bị lấn chiếm mà không tuyên trả bằng hiện vật (quyền sử dụng đất).

Như vậy dù có hàng xóm có lấn chiếm đất gia đình bạn nhưng không cố tình, diện tích lấn chiếm nhỏ, công trình xây dựng có giá trị lớn, việc phá dỡ công trình sẽ gây thiệt hại tài sản lớn cho kết cấu nhà ở thì nhiều khả năng quyết định của cơ quan tố tụng sẽ chỉ buộc bên lấn chiếm trả giá trị quyền sử dụng đất cho gia đình bạn mà thôi.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bạn nên thực hiện theo trình tự sau:

Bạn làm đơn đề nghị hòa giải đến UBND cấp xã nơi có bất động sản. Tại đây sẽ có tài liệu địa chính, khả năng kiểm tra thực tế để xác định hành vi vi phạm, mức độ bị lấn chiếm đất của bạn. Thông qua hòa giải có thể giúp hai bên hiểu nhau và tìm được phương án giải quyết vụ việc.

Nếu vụ việc không giải quyết được thông qua hòa giải thì các tài liệu do UBND cấp xã lập sẽ là bằng chứng quan trọng khẳng định có hay không hành vi lấn chiếm đất, xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.

Việc hòa giải nếu không thành gia đình bạn có thể khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm