Cần hiểu đúng về “áp lực” trường chuyên

Vấn đề trường chuyên đang có nhiều ý kiến tranh luận. Nhân Diễn đàn Dân trí có bài về chủ đề này, tôi thấy có một số điểm cần trao đổi thêm.

Điều kiện thi tuyển, chương trình đào tạo

Tác giả Bùi Minh Tuấn của bài viết nói trên đặt vấn đề “áp lực trường chuyên” ở hai góc độ. Góc độ thứ nhất là đối với những học sinh (HS) THCS muốn thi vào trường chuyên và góc độ thứ hai là đối với những HS các trường THPT chuyên.

Ở góc độ áp lực đối với những HS dự tuyển vào trường chuyên, ông Bùi Minh Tuấn viết: “Chính sự mong chờ, kỳ vọng quá lớn của các bậc phụ huynh vô tình đã tạo ra sức ép về mặt tâm lý cho học sinh. Nhất là với những học sinh có học lực trung bình hoặc trung bình khá, nhưng do sự ngộ nhận, thúc ép của phụ huynh mà đăng ký dự thi. Đến khi kết quả thi không như mong muốn đã rơi vào trạng thái hụt hẫng, tâm lý tự ti, buồn chán”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ông Bùi Minh Tuấn chưa nghiên cứu về trường THPT chuyên khi cho rằng những HS học lực trung bình hoặc trung bình khá cũng có thể dự thi vào trường chuyên. Theo “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên” năm 2008 của Bộ GD-ĐT thì tiêu chuẩn thi tuyển vào trường THPT chuyên như sau:

 “Ngoài quy định về đối tượng, hồ sơ dự tuyển, điều kiện dự tuyển tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh THPT hiện hành, HS đăng ký dự tuyển vào trường chuyên còn phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nếu đăng ký môn chuyên là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ thì các môn học này phải đạt điểm trung bình cả năm lớp 9 từ 7,0 trở lên; đối với các môn chuyên khác thì phải đạt điểm trung bình các môn học này cả năm lớp 9 từ 8,0 trở lên…

b) Hạnh kiểm xếp loại tốt và học lực xếp loại từ loại khá trở lên vào cuối năm học lớp 9 và xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở từ khá trở lên”.

Như vậy, chỉ những HS học lực xếp loại khá trở lên, và xếp loại giỏi đối với môn chuyên (trừ các môn KHXH yêu cầu trên 7 điểm) mới đủ điều kiện thi tuyển vào trường THPT chuyên.

Trong thực tế, chỉ có những HS giỏi, xuất sắc mới thi vào trường chuyên. Phụ huynh cũng biết điều này, nên không ai ép uổng con em mình thi vào trường chuyên cả, khi biết con mình học chưa đủ mức khá.

Như vậy, áp lực thứ nhất mà ông Bùi Minh Tuấn nêu ra là chưa đúng. Còn nếu như những HS có ý thức phấn đấu để thi vào trường chuyên thì đó là điều rất tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nguyện vọng của các bậc phụ huynh muốn cho con em vào trường chuyên cũng hoàn toàn chính đáng.

Thứ hai, ông Bùi Minh Tuấn nói về áp lực học tập đối với những HS trường chuyên:

“Việc suốt ngày vùi đầu vào việc học đã “ngốn” hết thời gian vui chơi, giải trí của nhiều học sinh trường chuyên. Từ đó dễ dẫn đến những hệ quả không mong muốn về sức khỏe, tâm lý như: thiếu ngủ, mệt mỏi, không thích hòa đồng, cởi mở với mọi người xung quanh. Một số kỹ năng sống tối thiểu, cần thiết vì thế mà bị ảnh hưởng. Thậm chí, một số học sinh còn rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý, hành vi hoặc bị trầm cảm, tự kỷ”.

Cứ như tác giả viết, thì ai còn dám cho cho con em vào trường chuyên nữa!

Đây là vấn đề đã nhiều người nói, nhưng chúng tôi cho rằng đa số những người phát biểu ý kiến chưa có đủ thông tin về chương trình đào tạo của trường chuyên. Cứ nghe nói trường chuyên là nghĩ đến áp lực, nặng nề, đến mức làm hỏng cả mục tiêu giáo dục toàn diện.

Họ hình dung HS trường chuyên như những con “mọt sách”, với những cặp kính cận dày cộp, suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào sách vở chứ không hề biết đến vui chơi, giải trí, hoạt động xã hội…

Vậy chương trình học của HS trường chuyên như thế nào? Theo “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên”, mỗi lớp chuyên có thể có 1 hoặc 2 môn chuyên. Nghĩa là HS học các môn như HS trường THPT bình thường cộng với môn chuyên.

Chương trình môn chuyên là chương trình Nâng cao của môn học cộng với thời lượng tăng thêm 50% số tiết theo quy định để thực hiện chương trình chuyên sâu (Theo công văn số 10803/BGDĐT-GDTrH “Hướng dẫn thực hiện chương trình chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT” của Bộ GD-ĐT  ngày 16/12/2009). 

Cụ thể đối với lớp 10 chuyên Ngữ văn, HS học theo chương trình của lớp THPT bình thường cộng thêm 35 tiết/học kì; lớp chuyên Lịch sử học thêm 23,5 tiết/học kì; lớp chuyên Toán học thêm 36 tiết/học kì. Như vậy, theo quy định, HS trường chuyên cũng chỉ học hơn 1 đến 2 tiết/ tuần so với HS đại trà. 

Do đó điều ông Bùi Minh Tuấn viết “Khối lượng kiến thức mà mỗi học sinh trường chuyên phải tiếp nhận thường “nặng” hơn từ 2 đến 3 lần so với học sinh ở các trường phổ thông bình thường…” là không chính xác.

Dĩ nhiên, các trường chuyên sẽ mở các lớp học thêm, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi. Nhưng những hình thức này cũng rất phổ biến ở các trường THPT đại trà.

Bàn thêm về áp lực trường chuyên

Về mục tiêu đào tạo của trường THPT chuyên, Bộ GD-ĐT quy định: “Bồi dưỡng và phát triển năng khiếu của học sinh về một môn chuyên, hai môn chuyên hoặc một lĩnh vực chuyên; đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục cấp THPT với mục tiêu giáo dục toàn diện”.

Một số người cho rằng HS trường chuyên chỉ biết vùi đầu vào sách vở, không có điều kiện vui chơi, giải trí là không đúng. Bộ GD-ĐT nêu rõ:

“Các lớp chuyên bố trí kế hoạch học tập nhiều hơn 6 buổi, không quá 42 tiết mỗi tuần, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội cho học sinh, nâng cao chất lượng học tập các môn Ngoại ngữ, Tin học cho học sinh chuyên.

Ngoài các hoạt động quy định tại Điều lệ trường trung học, trường chuyên tăng cường hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội và mở mang hiểu biết về kinh tế - xã hội cho học sinh” (Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên).

Dĩ nhiên không ai nói việc học tập ở trường chuyên là nhẹ nhàng. HS luôn phải nỗ lực rất cao để đạt kết quả tốt nhất, nếu không sẽ bị loại khỏi lớp chuyên.

Một số nơi vẫn tồn tại tình trạng học tủ, học lệch, coi nhẹ các môn không chuyên. Một số HS trường chuyên vẫn chưa thực sự xuất sắc. Đây là những tồn tại khó tránh khỏi và cần tập trung khắc phục. 

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 12-2009, cả nước có 67 trường THPT chuyên với 49.904 học sinh, chiếm 1,74% số HS THPT. Tỷ lệ học sinh THPT chuyên thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ trung bình hằng năm trên 90% (Sài Gòn giải phóng, ngày 27/12/2009). 

Như vậy cứ khoảng 100 HS thì có chưa đến 2 em vào trường chuyên. Điều này là hợp lí bởi vì do nhiều nguyên nhân khác nhau, khả năng học tập của HS không đồng đều. Những HS giỏi, có năng khiếu nếu không có môi trường giáo dục phù hợp sẽ bị thui chột. Cần có chương trình riêng cho những HS xuất sắc để thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước. Tài năng là vốn quý của quốc gia, cần được phát triển bằng những chính sách riêng.

Cho rằng trường chuyên chỉ đào tạo theo kiểu “nuôi gà chọi”, đào tạo HS để đi thi HS giỏi là quan niệm phiến diện. Những HS đạt giải cao trong các kì thi quốc tế là niềm tự hào của quốc gia, cùng với đội ngũ HS xuất sắc khác (kể cả từ các trường đại trà) là vốn quý để xây dựng đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia cao cấp các lĩnh vực, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Phải thường xuyên nỗ lực rất cao là con đường duy nhất để chiếm lĩnh các đỉnh cao tri thức, kĩ năng. Làm gì có chuyện học hành làng nhàng mà vẫn giỏi giang? Lẽ nào chúng ta cứ bằng lòng với một mặt bằng chất lượng “toàn diện” đều đều, trung bình thấp? “Học mà chơi, chơi mà học” chỉ là phương pháp của cấp mẫu giáo, hoặc những lớp đầu cấp Tiểu học. 

HS trường chuyên có điều kiện rất thuận lợi là có một môi trường giáo dục chuyên nghiệp, bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ.

Nhiều em là cựu HS trường chuyên tâm sự: Lúc học cũng thấy mệt mỏi nhưng khi học lên bậc cao hơn và khi ra làm việc, mới thấy hết được ý nghĩa, giá trị vô cùng to lớn của môi trường học tập đó. Các em dễ dàng hoà nhập với môi trường đào tạo, làm việc chuyên nghiệp với áp lực lớn, đạt được những thành tựu xuất sắc khiến các chuyên gia nước ngoài cũng phải nể phục.

Chính phủ đã phê chuẩn đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên, giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí đầu tư 2.300 tỷ đồng. Để đào tạo nhân tài, đưa giáo dục hoà nhập với thế giới, tạo động lực phát triển đất nước, không thể không đầu tư cho hệ thống trường chuyên. Vấn đề là cần tuyển được những HS thực sự xuất sắc, và xây dựng được một chương trình giáo dục hội nhập quốc tế, trên cơ sở đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện.

 

Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây cung cấp thêm những thông tin hữu ích về lọai hình “trường chuyên”. Nếu thực hiện đúng Quy chế tổ chức và họat động của Trường THPT chuyên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thì có thể yên tâm là hợp lý, vừa chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học những môn chuyên, vừa không xem nhẹ mục tiêu giáo dục tòan diện cho học sinh.

Tuy nhiên trong thực tế, vẫn còn một số trường chuyên chưa coi trọng đúng mức mục tiêu giáo dục toàn diện, mà chỉ tập trung vào các môn chuyên và làm sao cho học sinh đỗ đại học với tỷ lệ cao, vừa lấy “tiếng” cho trường vừa đáp ứng đúng nguyện vọng tha thiết nhất của phụ huynh học sinh. Đấy là mục tiêu chính đáng, nhưng cũng nên quan tâm  chăm lo giáo dục các em một cách tòan diện hơn, nhất là những môn học không nằm trong diện “chuyên”, nhưng rất cần cho sự hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, trau dồi lòng nhân ái và ý thức dân tộc.