Hà Nội:

Cần giải quyết thấu tình đạt lý việc bảo tồn nhà vườn cổ

(Dân trí)- Việc Hà Nội đã phê duyệt đề án GPMB, bảo tồn, tôn tạo nhà vườn cổ tại 115 Hàng Bạc là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình cụ Phạm Thị Tề, chủ nhân ngôi nhà vườn cổ trên.

Cụ Phạm Thị Tề đang trao đổi những kiến nghị xung quanh việc bảo tồn
Cụ Phạm Thị Tề đang trao đổi những kiến nghị xung quanh việc bảo tồn
nhà vườn cổ với PV Báo Dân trí.
 
Tháng 6/2010, bà Ngô Thị Thanh Hằng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký văn bản số 4376/UBND-VHKG gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND quận Hoàn Kiếm đồng ý cho UBND quận này được đầu tư, lập dự án GPMB di chuyển các hộ dân và bảo tồn nhà vườn cổ số 115 Hàng Bạc (cổng sau là số 6 Đinh Liệt) thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Nguồn vốn phục vụ công việc trên được huy động từ ngân sách quận Hoàn Kiếm và nguồn vốn xã hội hoá.

Công văn ghi rõ: “Giao Sở Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện đúng quy định”. 

Trước đó, Báo Dân trí đã có nhiều bài viết lên tiếng về việc ngôi nhà vườn cổ duy nhất còn lại tại Hà Nội đứng trước nguy cơ bị “xẻ thịt” bán; bị một số hộ dân xây bếp, cơi nới diện tích sử dụng; lên kế hoạch lát lại nền khu nhà vườn cổ; chặt phá cây cối; phá vỡ cảnh quan cổ kính vốn có; phá hủy kiến trúc ngôi nhà vườn duy nhất còn lại trong Phố cổ cần bảo tồn và tôn tạo… Với công văn trên của UBND TP Hà Nội, các nguy cơ, việc làm trên đã bị “chặn đứng”!

Tuy nhiên, ngày 23/9 vừa qua, cụ Phạm Thị Tề, 96 tuổi, chủ ngôi nhà vườn cổ trên cho biết: Năm 1945, gia đình cụ là chủ hiệu vàng Sư Tử đã mua ngôi nhà 115 Hàng Bạc (có cổng sau là số 6 Đinh Liệt) được xây vào khoảng đầu thế kỷ XX với giá 100 cây vàng. Trước ngôi nhà là khuôn viên có bể cá, tháp nước, trồng cau, trúc quân tử... khiến giữa cái ồn ào, tấp nập của phố phường, ngôi nhà càng trở nên quý giá.

Trong suốt 70 năm qua, dù biết giá trị của mảnh đất vô cùng lớn song gia đình chúng tôi vẫn quyết tâm giữ gìn, để hôm nay Hà Nội còn có một nhà vườn kết hợp khá hài hòa kiến trúc Việt và kiến trúc châu Âu, được ghi nhận là một trong những địa chỉ tham quan của du khách quốc tế.

Thực tế chứng minh, suốt nhiều năm qua cụ Tề đã gửi đơn kêu cứu, khiếu nại đến các cơ quan chức năng về sự phá phách xây dựng, hủy hoại, lấn chiếm trái phép công trình nhà cổ của những người đã được nhà nước cho thuê lại một phần khu nhà. Lời kêu cứu của cụ Tề đã được Thành phố chấp nhận và ra quyết định bảo tồn và tôn tạo.
Gia đình cụ Phạm Thị Tề có tâm nguyện được gắn bó mãi với ngồi nhà của mình.
Gia đình cụ Phạm Thị Tề có tâm nguyện được gắn bó mãi với ngồi nhà của mình.

Ngày 21/9/2011, một đoàn gồm cán bộ gồm: Tổ trưởng tổ dân phố, Ban Giải phóng mặt bằng quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Bạc…đã vào đo đạc nhà cụ Tề và cho biết sẽ thu hồi toàn bộ tầng 1 (kể cả khu vực thuộc sở hữu tư nhân gồm khu vườn và hai căn buồng mà hai con của cụ đang sinh sống ổn định bao năm qua) để phục vụ cho dự án bảo tồn nhà vườn.

Trước sự việc trên, cụ Tề có một nguyện vọng  tha thiết đề nghị các cấp lãnh đạo Thành phố và các cơ quan chức năng xem xét cho gia đình cụ Tề được sử dụng những gì thuộc về quyền sở hữu của gia đình từ xưa đến nay, và để cho hai con cụ Tề là Phạm Thị Nguyệt Nga và Phạm Ngọc Điệp được ở lại ngôi nhà trên. “Năm nay tôi đã 98 tuổi rồi nên tôi rất mong muốn và tha thiết xin được ở bên con cháu lúc già yếu trong những năm cuối đời”- cụ Tề cho biết.

Trước sự việc trên, Báo Dân trí đã có công văn chuyển đơn kiến nghị của cụ Phạm Thị Tề đến UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm xem xét giải quyết đơn của cụ Tề theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bài và ảnh: Vũ Văn Tiến