Cần giải pháp hạn chế hồ sơ ảo

(Dân trí) - Trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học năm 2011, dù có chiều hướng giảm so với mùa tuyển sinh năm 2010 nhưng nhìn chung, số hồ sơ ảo vẫn ở mức cao.

Vai trò tư vấn, hướng nghiệp
 
Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi ĐH cả 2 đợt là 1.696.960, số thí sinh đến dự thi là 1.333.428. Như vây, trên cả nước, trong cả 2 đợt thi, số hồ sơ ảo lên tới hơn 363.532 bộ với chỉ 78,58 % thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tham gia thi tuyển.

 

Có thể nhận thấy, số lượng hồ sơ ảo năm nay vẫn ở mức cao bởi có rất ít thí sinh chỉ nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký dự thi. Phần lớn là từ 2 – 3 bộ, cá biệt có một số thí sinh nộp đến 7 – 8 bộ. Số thí sinh ảo gia tăng đã phản ánh một thực tế là công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh của gia đình và ở các trường THPT chưa thực sự hiệu quả.

 

Mặt khác, thời gian để học sinh chuẩn bị hồ sơ theo như qui định hiện nay là quá ngắn. Trên lý thuyết, học sinh có 30 ngày để chuẩn bị cân nhắc, lựa chọn trường thi, ngành thi và nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nhưng trên thực tế, học sinh chỉ có chừng 2 tuần để làm tất cả những việc trên.“Đói” thông tin về trường thi, ngành thi nên mỗi thí sinh nộp một lúc nhiều bộ hồ sơ đăng ký dự thi vào nhiều trường khác nhau. Đến giờ G, nghĩa là đến sát ngày thi mới quyết định ngành, trường sẽ dự thi. Điều đáng nói là, việc thí sinh ảo gia tăng đã gây ra lãng phí không nhỏ đối với phụ huynh học sinh và đặc biệt là các hội đồng trường tổ chức thi.

 

Theo qui định của Bộ GD&ĐT thì mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh, song thực tế các kỳ tuyển sinh đã qua cho thấy: có rất nhiều phòng thi không “lấp đầy” được số thí sinh dự thi. Cá biệt có những phòng thi chỉ lèo tèo 4 -5 thí sinh. Những trường có thí sinh càng đông thì nỗi lo về số thí sinh ảo càng lớn. Dù biết trước sẽ không tránh khỏi lượng thí sinh ảo, nhưng nhiều hội đồng tuyển sinh vẫn không dám cắt giảm số phòng thi, giám thị, thanh tra, số lượng đề thi… vì không thể đoán định được trước có bao nhiêu thí sinh sẽ đến dự thi.

 

Dựa vào số lượng hồ sơ đăng ký dự thi, các hội đồng tuyển sinh vẫn phải chuẩn bị đầy đủ những yếu tố nhân lực, vật lực cần thiết để tổ chức kỳ thi. Với 363.532 thí sinh ảo trong mùa tuyển sinh năm 2011 thì số tiền “ném qua cửa sổ” có thể lên tới hàng chục tỉ đồng. Mặc dù Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính đã có chính sách hỗ trợ các hội đồng tuyển sinh nhằm san sẻ bớt gánh nặng bù lỗ cho các trường, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với những chi phí mà các trường phải bỏ ra để “phục vụ” cho số thí sinh ảo.
 
Cần giải pháp hạn chế hồ sơ ảo - 1

(nguồn ảnh: internet)
 
Giải quyết từ gốc

Có nhiều ý kiến cho rằng, để giảm số lượng hồ sơ ảo cần tăng lệ phí đăng ký dự thi bởi mức thu 80 000đ/bộ hồ sơ như hiện nay mặc dù đã được điều chỉnh cao lên nhưng vẫn được xem là thấp, và nhiều thí sinh sẽ không ngần ngại nộp nhiều bộ hồ sơ để “rộng đường” lựa chọn. Tuy nhiên, phương án này tỏ ra không thuyết phục bởi không chỉ không giải quyết được cái “gốc” của vấn nạn hồ sơ ảo, mà còn gây thiệt thòi cho những học sinh con nhà nghèo, ảnh hưởng đến quyền được lựa chọn ngành thi, trường thi của thí sinh.

Một số giải pháp khác cũng được đưa ra nhưng phần lớn còn mang tính cơ học, hành chính, tình thế như: tăng quỹ thời gian cho thí sinh làm hồ sơ; xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ đăng ký dự thi để “lọc” thí sinh ảo; qui định mỗi thí sinh chỉ nộp 1 bộ hồ sơ trong đó đăng kí nhiều nguyện vọng; thu gộp lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí thi cùng lúc…

 

Giải pháp khác được tính đến là sáp nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng thành 1 kỳ thi duy nhất. Kết quả của kỳ thi này vừa là căn cứ để xét tốt nghiệp vừa dùng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

 

Phương án này vừa giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng vừa tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho phụ huynh học sinh và khâu tổ chức thi của các hội đồng tuyển sinh. Vấn đề là nỗ lực làm giảm “độ vênh” trong chất lượng kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

 

 

                                                          Bùi Minh Tuấn

         (Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Số thí sinh ảo năm nay vẫn còn  lớn  (hơn 360 nghìn thí sinh) gây ra sự lãng phí lớn đối với xã hội như bài viết trên đây đã phân tích.

 

Để khắc phục tình trạng lãng phí đó, chúng ta cần tìm ra những biện pháp có tính khả thi. Trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa việc hướng nghiêp cho học sinh ngay từ đầu lớp 12. Đó vừa là nhiệm vụ của các trường THPT, vừa là trách nhiệm của các trường đại học và cao đẳng. Nên có thông báo sớm và giới thiệu cặn kẽ về những ngành nghề sẽ chiêu sinh vào năm học mới, để các địa phương và các trường phổ thông biết và truyền đạt lại cho học sinh lớp 12. Cũng nên giảm bớt số lượng tối đa hồ sơ mà mỗi học sinh được nộp để đăng ký dự thi.

 

Về lâu dài, cần xem xét việc cải cách căn bản biện pháp kiểm tra đánh giá và thi cử, làm sao bớt được việc thi cử quá phức tạp tốn kém mà vẫn đánh giá đúng và phân loại được trình độ học sinh để tuyển chọn vào đại học và cao đẳng hay  học nghề tùy theo năng lực và sở trường của mỗi em.