Cần cung cấp những thông tin chuẩn xác

Đọc bài “Nâng cao chất lượng học vị, học hàm” đăng trên Diễn đàn Dân trí, tôi chia sẻ với tâm nguyện của tác giả đối với việc phấn đấu nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ở nước ta.

Đó cũng là tâm nguyện của nhiều người, nhất là của những người tâm huyết với sự nghiệp khoa học của nước nhà. Tình trạng mà tác giả đề cập, như vấn đề gian lận bằng cấp, bằng giả hoặc bằng thật nhưng kiến thức không tương xứng và cả những hiện tượng bất cập trong các quy trình đào tạo sau đại học, xét và phong các học hàm (hay chức danh khoa học như giáo sư, phó giáo sư) ở nước ta là có thật. Đây cũng là điều đã được nhiều người đề cập và lên án. Không ít người đã đề xuất các giải pháp khác nhau để góp phần khắc phục những bất cập đó.

Song, một điều đáng lưu ý trong bài viết nói trên là có những thông tin đưa ra cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn để bảo đảm tính chuẩn xác, đặc biệt là những thông tin liên quan đến việc phong học hàm giáo sư ở các trường đại học của nước CHLB Đức. Qua bài viết đó, tôi đóan là tác giả biết tiếng Đức hoặc đã từng du học ở Đông Đức trước đây. Cũng có thể tác giả đã theo học và hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, cho nên đã đưa ra nhiều ví dụ về việc phong học hàm thuộc về lĩnh vực có tính chất đặc thù  này để suy rộng cho các ngành khoa học nói chung thì không đúng.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tôi cũng đã học tập ở CHLB Đức gần 10 năm, lại từng giảng dạy ở một trong số các đại học hàng đầu của nước này. Tôi có thể xác nhận những nguồn thông tin cần thiết để biết được những tiêu chuẩn chính xác để  xét và phong chức danh khoa học hiện nay ở CHLB Đức. Đề nghị tác giả bài viết nói trên vào internet xem lại quy chế về việc phong chức danh giáo sư mới nhất ở Đức để kiểm chứng lại những thông tin đã đưa ra trong bài viết của mình. Hòan tòan không có chuyện việc công nhận giáo sư ở Đức không cần có bằng tiến sĩ, dù đó là giáo sư bậc nào (W1, W2 hay W3).

Riêng đối với những người dạy âm nhạc và nghệ thuật thì có quy định riêng, không thể lấy đó làm căn cứ để bao hàm chung cho chức danh giáo sư ở tất cả các ngành khác. Như đã nói ở trên, có thể tác giả hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng nên đã đưa ra nhiều dẫn chững phong giáo sư trong các ngành này, từ đó suy rộng cho các ngành khoa học nói chung. Nhưng cách suy luận như vậy là không chuẩn xác. Bạn đọc có thể vào trang Google tìm mục German Professor để kiểm chứng lại thông tin này Tôi nghĩ rằng, việc trao đổi và cung cấp thông tin rộng rãi trên các diễn đàn là điều rất tốt, nhưng trước hết cần chú trọng đến tính xác thực của thông tin để những cuộc trao đổi thực sự nghiêm túc và hữu ích. 

Phạm Hồng Tung 
tungph@vnu.edu.vn 

LTS Dân trí - Chúng tôi hoan nghênh tác giả bài viết trên đây đã trao đổi ý kiến về bài viết có đầu đề “Nâng cao chất lượng học vị, học hàm ở nước ta” đã đăng trên Diễn đàn Dân trí. Ngoài việc tán thành về chủ đề bài viết cũng như chia sẻ với tâm nguyện người viết, tác giả đề nghị cần chú trọng đến tính xác thực của nguồn thông tin. Đây là ý kiến góp ý chân thành và đáng lưu ý nhằm bảo đảm tính nghiêm túc và tính thuyết phục của mọi bài viết.

Chúng tôi mong tiếp tục nhận được những bài viết tham gia thảo luận về chủ đề nâng cao chất lượng học vị, học hàm ở nước ta.