Cần có thêm nhiều doanh nhân xã hội

Gần đây vấn đề doanh nhân xã hội được quan tâm nhiều. Nếu như doanh nhân kinh tế được đánh giá sự thành công qua lợi nhuận thu được thì doanh nhân xã hội được đánh giá bằng những tiến bộ xã hội mà họ đóng góp.

Trước hết phải nói về doanh nhân xã hội. Họ là những người sử dụng những phẩm chất, kỹ năng của doanh nhân để gây dựng và quản lý các tổ chức hoặc doanh nghiệp nhằm giải quyết một vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể.

 

Những phẩm chất nổi bật của doanh nhân xã hội thường phải kể đến là nhạy bén trong việc phát hiện cơ hội để giải quyết vấn đề cộng đồng, có đam mê và khát vọng tạo sự thay đổi, biết sáng tạo và đưa ra những cách thức tiếp cận hay sản phẩm mới, trực tiếp tạo sự thay đổi thông qua việc tạo lập và quản lý các tổ chức, cũng như dũng cảm và kiên định vượt lên mọi khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu đã đề ra.

 

Trong những doanh nhân mà được xã hội ca ngợi nhiều tôi phải kể đến nhiều mô hình doanh nghiệp xã hộicó lợi nhuận như ngân hàng Grameen do Tiến sĩ Muhammad Yunus sáng lập năm 1976. Việc cho vay của ngân hàng Grameen không yêu cầu thế chấp và chủ yếu phục vụ người nghèo, nhất là phụ nữ nghèo. Bạn sẽ sửng sốt khi biết rằng đến nay ngân hàng này đã cho 6,61 triệu người vay, trong đó 97% là phụ nữ với tổng số vốn lên đến hơn 5 tỷ đô la Mỹ, tỉ lệ thanh toán lên đến hơn 98%. Một điều cần dáng nói nữa là hơn một nửa số thành viên của ngân hàng đã thoát nghèo. Ngân hàng Grameen hiện có trị giá trên 7 tỷ đôla Mỹ và đã được áp dụng trên 40 nước.

 

Những doanh nhân xã hội khác mà tôi muốn nhắc đến là anh Jimmy Phạm với KOTO để hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên lang thang, gặp hoàn cảnh khó khăn. Hay chị Võ Thi Hoàng Yến với trung tâm khuyết tật và phát triển DRD có nhiều hoạt động với người khuyết tật. Các hoạt động của Trung tâm đều không thu phí mà chủ yếu dựa vào nguồn huy động từ các nhà tài trợ. 

 

Tôi rất tâm đắc với các dự án giai đoạn khởi nghiệp của các doanh nhân xã hội năm 2009. Đó là Phạm Thị Ngân & Nguyễn Thị Thanh Tú với “Hỗ trợ phát triển khả năng sáng tạo của trẻ em khó khăn và khuyết tật”, Trần Hồng Điệp với “Khát vọng sống - Phòng chống khủng hoảng tâm lý và tự tử học đường”, Phan Ý Ly với “life Art”, Aaron Pervin & Kathryn Lankester với “Sử dụng xe máy hỗ trợ sơ cấp cứu y tế”, Trần Minh Hải với “Tương Lai - Hỗ trợ trẻ em nghèo và trẻ em lang thang”. Hai dự án giai đoạn cất cánh của năm 2009 là “Xây dựng tủ sách dòng họ nông thôn” của Nguyễn Quang Thạch và “ECOLIFE - Đồng hành tới tương lai xanh” của Hồ Thị Yến Thu và Nguyễn Thu Huệ. Cá nhân tôi đã đồng hành với anh Thạch liên tục trong thời gian qua để tư vấn, hỗ trợ anh trong việc mở ra và quản lý tốt hơn 50 tủ sách dòng họ. Đến nay nhiều dòng họ đã tự xây dựng được tủ sách của mình mà không cần sự hỗ trợ của chương trình.

 

Sau một thời gian ngắn kể từ ngày phát động (01/06/2010 tại Hà Nội và 03/06/2010 tại TP HCM) ban tổ chức nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cá nhân và tập thể. Từ 171 dự án đã chọn ra được 60 dự án. Hiện nay các thành viên ban giám khảo (nhóm đánh giá) đang gấp rút làm việc với tinh thần khách quan và công minh, nhiệt tình và sáng suốt để chọn ra 24 dự án vào vòng sau, để cuối cùng sẽ tài trợ cho 12 dự án xuất sắc nhất, bao gồm cả 2 nhóm khởi nghiệp và cất cánh.  

 

Theo đánh giá sơ bộ của Hội đồng giám khảo, các dự án của các doanh nhân xã hội năm 2010 hơn hẳn năm 2009 về cả số lượng và chất lượng. Hy vọng năm nay sẽ chọn ra được những doanh nhân xã hội có tiềm năng, đam mê, có tố chất doanh nhân, tư duy hành động, ý tưởng sáng tạo và tâm huyết phục vụ cộng đồng với những dự án mang tính cộng đồng cao nhất.

 

Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP sách Thái Hà