Cần có giáo viên chuyên biệt

(Dân trí) - Trên báo Khuyến học & Dân trí só 24 ra ngày 14/6 có đăng bài "Thiết bị dạy học: Tam khúc Thiếu - Yếu - Chậm. Tuy nhiên trên thực tế, chúng tôi nhận thấy còn một nguyên nhân khá quan trọng, đó là khâu sử dụng thiết bị.

Để sử dụng thiết bị dạy học có hiệu quả, trước hết thiết bị phải đạt chuẩn và việc khai thác phải đạt mức tối đa. Tuy nhiên hiện nay các trường ở vùng đồng bằng Bắc Bộ hầu hết chưa có thư viện. Theo quy định về trường chuẩn, bộ phận hành chính phải gồm kế toán, văn thư, nhân viên thư viện...

 

Thế nhưng hầu hết các đơn vị tiểu học chỉ có một văn thư kiêm phụ trách thư viện, phục vụ hành chính... Do công việc nhiều làm không xuể nên những việc khác  như thư viện làm được đến đâu hay đến đó. Đáng lẽ nhân viên thư viện phải sắp xếp các loại thiết bị từng lớp từng môn, đồng thời cho giáo viên mượn, nhận trả theo thời khóa biểu. Có khi nhân viên thư viện còn phải mang lên lớp kết hợp hướng dẫn sử dụng giúp cho giáo viên khi cần thiết.

 

Đằng này, có trường không có phòng thư viện. Mọi thiết bị để vào một cái kho chật chội, vừa là nơi làm việc của kế toán, vừa là văn phòng đội thiếu niên. Do phòng chật nên cứ xếp đống lại. Giáo viên dạy 2 buổi, giáo án soạn không kịp nên đến giờ là dạy chay chứ chẳng có thời gian mà lục tìm thiết bị. Mà mượn rồi không có thời gian trả.

 

Ở tiểu học, hầu như các giờ cần trực quan cả mà giờ nào cũng đi tìm thì thời gian đâu mà dạy. Cho nên giá trị thiết bị lên đến nhiều chục triệu đồng cho mỗi lớp mà sử dụng có đáng là bao (chỉ sử dụng 1/10 số thiết bị hiện có).

 

Những dịp hội giảng, những đoàn thanh tra về làm việc là giáo viên cuống cuồng lục tìm và lúc ấy mới đúng nghĩa là sử dụng trực quan triệt để, có hiệu quả, thấy thiết bị giáo dục đem lại thú vị biết bao cho các bài dạy. Nhưng rồi sau đó thiết bị lại được nghỉ ngơi mặc cho bụi thời gian tiếp tục phủ dầy. Cấp trên luôn nhắc nhở sẽ đến kiểm tra, không được để thiết bị nguyên bao, nguyên kiện.

 

Đã có rất nhiều sự lãng phí của các thiết bị do thiếu giáo viên chuyên biệt, thiếu nhân viên thư viện, thiếu người tâm huyết, thiếu người có năng lực sử dụng. Cần phải sớm chấn chỉnh tình trạng này mới mong nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Tư Vân
(Trường Tiểu học A, Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định)