Cần chấn chỉnh tình trạng loạn thi thử

(Dân trí) - Giờ đang là thời gian “nước rút” chuẩn bị thi đại học, cao đẳng. Đây cũng là thời điểm bùng phát dịch vụ thi thử…, nhất là việc tổ chức thi thử nhốn nháo ở các “lò” luyện thi đang gây lãng phí và những hệ lụy tiêu cực đối với các thí sinh.

Thi thử đại học, nếu được tổ chức tốt: đề thi có chất lượng, đảm bảo tiêu chí phân loại trình độ, năng lực của thí sinh; khâu coi thi, chấm thi được đảm bảo, sẽ là dịp để mỗi thí sinh kiểm tra lại kiến thức của mình, biết được lực học của bản thân. Kết quả của lần thi thử sẽ giúp thí sinh xác định được những lỗ hổng kiến thức, từ đó có những điều chỉnh cần thiết để nhanh chóng bù đắp lại. Kết quả của kỳ thi thử có thể là một “kênh” thông tin để thí sinh chọn trường học, ngành học phù hợp với khả năng, sở trường của bản thân.

 

Tuy nhiên, việc thi thử đại học đã không phát huy được tác dụng như mong muốn, bởi cách thức tổ chức dịch vụ thi thử của một số “lò” luyện thi trong thời gian qua chỉ chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ quyền lợi chính đáng của thí sinh.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trước hết là ở khâu đề thi, có thể nói chất lượng đề thi của các dịch vụ thi thử hiện nay đang bị “thả nổi” do không có một cơ quan chuyên trách nào chịu trách nhiệm thẩm định trước. Đề thi chủ yếu do giáo viên ở các “lò” luyện soạn thảo. Do đó, mức độ chính xác, khoa học, “bám sát các tiêu chí về đề thi đại học do Bộ GD&ĐT soạn thảo” như lời quảng cáo của các dịch vụ thi thử là rất khó kiểm định.

 

Điều này giải thích vì sao ở cùng môn thi, thí sinh thi ở “lò” A được 8 điểm, nhưng cũng thí sinh ấy khi thi ở lò B thì chỉ đạt 5 điểm?! Kết quả thi không khả quan do chất lượng đề thi không đảm bảo có thể gây ra tâm lý bất ổn, hoang mang, lo lắng đối với thí sinh.

 

Cách thức tổ chức thi của một số dịch vụ thi thử đại học hiện nay cũng đang “có vấn đề”. Quy chuẩn số lượng thí sinh trong mỗi phòng thi do Bộ GD&ĐT quy định tối đa không quá 24 người. Tuy nhiên do diện tích của địa điểm tổ chức thi có hạn trong khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông, nên mỗi phòng thi thường được bố trí số người dự thi nhiều hơn từ 2 đến 3 lần so với quy định. Trong khi đó, khâu coi thi còn thiếu chặt chẽ.

 

“Đọc” được tâm lý nôn nóng, muốn thử sức mình của các thí sinh trước khi “lai kinh ứng thí”, cùng với những lời quảng cáo, mời chào hấp dẫn, một số cơ sở tổ chức thi thử ở các “lò” luyện đang thi nhau “đội” giá dịch vụ. Đặc biệt là trong thời điểm mùa thi thử đại học đang bắt đầu “nóng”. Lệ phí cho 3 môn thi thường dao động trong khoảng từ 120.000đ – 150.000đ (40 000đ - 50 000đ/1 môn thi). Không có một mức “sàn” quy định chung nên việc quy định lệ phí thi thử của các “lò” luyện hiện nay là khá tùy tiện, nơi cao, nơi thấp. Đối với những thí sinh muốn cho “chắc ăn”, tham gia thi thử ở nhiều “lò” khác nhau thì số tiền mà các bậc phụ huynh phải chi không phải là nhỏ.

 

Cần chấn chỉnh tình trạng loạn thi thử - 1
Nhiều bậc phụ huynh không quản ngại đường sá xa xôi đưa con đi thi thử đại học
 (Ảnh chụp trước điểm thi thử trường ĐH Vinh sáng 20/3/2011)

 

Với những bất cập nêu trên, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để đưa dịch vụ thi thử đại học vào quy củ. Theo đó, ngành giáo dục cần phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở tổ chức dịch vụ thi thử đại học. Xử lý hành chính thậm chí là đình chỉ hoạt động của các cơ sở có những vi phạm: chất lượng đề thi không đảm bảo; công tác tổ chức thi, coi thí sơ sài; số lượng thí sinh dự thi trong phòng thi vượt quá quy chuẩn cho phép.

 

Nên chăng, trên cơ sở khảo sát, tính toán chi phí các công đoạn trong một kỳ thi thử đại học, cần đưa ra một mức “sàn” quy định về lệ phí thi, tránh tình trạng “mạnh ai nấy thu” như hiện nay.

 

Đối với các thí sinh đang có ý định thi thử đại học, cần tìm hiểu để có những thông tin nhất định về chất lượng của các dịch vụ thi, tránh tình trạng đăng ký dự thi theo “phong trào”.

 

Bên cạnh các dịch vụ thi thử ở “lò”, thí sinh có thể có thêm sự lựa chọn nếu các trường THPT tổ chức thi thử đại học cho những thí sinh có nhu cầu. Ban ra đề thi gồm những giáo viên có năng lực chuyên môn từ các tổ bộ môn. Đề thi đảm bảo tiêu chí phân loại năng lực học tập của học sinh. Việc bố trí số lượng thí sinh trong mỗi phòng thi theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Khâu coi thi, chấm thi được tiến hành nghiêm túc. Mức lệ phí dự thi hợp lý trên cơ sở thỏa thuận, bàn bạc giữa hội phụ huynh học sinh và nhà trường.

 

Tổ chức tốt kỳ thi thử đại học ở các trường THPT có thể làm hạ “nhiệt” sức “nóng” và giảm đáng kể tình trạng nhốn nháo, lộn xộn của dịch vụ thi thử ở các “lò” luyện thi. Đồng thời, tạo cơ hội cho các thí sinh thử sức. Điều này càng có ý nghĩa đối với học sinh ở các trường THPT miền núi, vùng sâu, vùng xa khi không phải vượt một chặng đường xa để tiếp cận với các dịch vụ thi thử ở thành phố.

 

 Bùi Minh Tuấn
(Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Muốn được thử sức trước khi bước vào kỳ thi thật là nhu cầu chính đáng của các thí sinh. Ngành giáo dục nên đáp ứng yêu cầu này bằng cách đứng ra chỉ đạo và tổ chức các kỳ thi thử ở những nơi, những trường có nhu cầu và trên cơ sở thỏa thuận  với phụ huynh học sinh về mức đóng góp hợp lý (không bắt buộc mọi học sinh đều phải tham gia).

 

Cách làm nói trên sẽ khắc phục được tình trạng lộn xộn và không bảo đảm yêu cầu thi thử do các “lò” luyện thi tổ chức đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi như bài viết trên đây đã phản ảnh.