Cán bộ hãy về ở với dân ít ngày thử xem!

(Dân trí) - Vụ việc Cty Thanh Thái chôn thuốc sâu xuống đất đang gây xôn xao dư luận. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, sự việc có được đưa ra ánh sáng hay như các đoàn kiểm tra trước vẫn đang phải chờ. Người dân chỉ mong cán bộ về ở với họ ít ngày.

Có lẽ chưa bao giờ người dân các địa phương xung quanh khu vực công ty CP Nicotex Thanh Thái bức xúc như những ngày qua, khi mà họ “bắt tận tay day tận trán” việc công ty có dấu hiệu “phi tang” chất thải độc hại. Điều mà bao nhiêu năm nay, người dân nơi đây tuy biết rõ nhưng những người dân “thấp cổ bé họng” như họ không thể vượt qua cái tường rào cao được bao bọc bởi thép gai kín đáo.

Bức xúc của người dân thì nhiều lắm, có kể hàng trăm trang giấy cũng không nói hết được. Nhưng có một điều mà người dân nghi ngờ là không biết cán bộ của các ngành chức năng có thấu hiểu về những gì mà họ đang phải trải qua?

Họ được “chung sống” với công ty từ ngày mới về trên mảnh đất nơi họ sinh sống. Những người nông dân chân lấm tay bùn cũng chỉ nghĩ rằng nó đem lại sự giàu có cho quê hương. Họ không ngờ được, chính công ty này đang từng ngày đầu độc môi trường sống của họ.

Những ngày qua, các cơ quan chức năng đã có những động thái về việc xử lý đơn vị này. Tuy nhiên, những người dân nơi đây họ vẫn còn hoài nghi. Bởi họ không muốn sẽ lại như những đoàn kiểm tra trước đây về rồi đi mà công ty chỉ bị xử lý hành chính và vẫn tồn tại, vẫn gây ô nhiễm cho môi trường sống, đe dọa đến tương lai của những thế hệ con cháu của mình.

Như lời của ông Nguyễn Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Thanh Hóa trả lời trên báo chí trước câu hỏi sao người dân phát hiện mà cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra thì lại không phát hiện?: “Chôn phía sau khu nhà sản suất, nếu chúng tôi vô tình ra đó thì tốt quá rồi, nguy cơ bị ô nhiễm nhiều nhất, không ngờ các ông ấy chôn sau đó, nếu thế thì chúng tôi có công lớn rồi”.

Hay như trước câu hỏi những tác động đến môi trường mà công ty này gây ra, ông Lưu Trọng Quang, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh này nói: “Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi chỉ kiểm tra theo báo cáo đánh giá tác động môi trường thôi, khi kiểm tra phải thông báo bằng văn bản trước chứ không điều tra, chức năng điều tra chỉ có cơ quan công an. Còn công ty giấu diếm thì phải nhờ sự phát hiện của công nhân, người dân (!?) Việc ảnh hưởng đến môi trường là rõ ràng rồi tuy nhiên mức độ thế nào phải chờ kết quả kiểm tra”.

Vẫn những câu trả lời quen thuộc là chờ kết quả của cơ quan chức năng. Vẫn nhiều lần kiểm tra nhưng cũng không phát hiện được. Còn người dân họ có quyền nghi ngờ kết quả của vụ việc. Bởi nó ảnh hưởng đến không chỉ cuộc sống hiện tại mà còn cả tương lai của con cháu họ.

Những người dân nơi đây hàng ngày đang phải dùng nguồn nước ngầm nơi họ sinh sống mà có lẽ chén nước mà họ vẫn uống thường ngày mời khách, khách cũng phải rụt rè nâng lên rồi hạ xuống. Trái ngược với hình ảnh hàng trăm chai nước suối vứt chỏng chơ trong khuôn viên công ty những ngày các đoàn kiểm tra về làm việc.

Kết quả cuối cùng đang phải chờ cơ quan chức năng. Nhưng người dân nơi đây thì mong muốn, một mong muốn rất nhỏ là cán bộ bớt chút thời gian về cùng ăn, cùng ngủ với họ, để thấu hiểu dù chỉ một phần những bức xúc mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu…

Nhớ lại cách đây ít lâu, người dân sống ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 đã có một đề nghị đơn giản: Xin các bác nói rằng không nguy hiểm, hãy chuyển nhà về sống dưới chân đập Sông Tranh!

 

Trần Duy Tuyên