Tư vấn pháp luật:

Cách tính thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp?

(Dân trí) - Tôi là giáo viên, tham gia giảng dạy dạng biên chế tại một trường THPT công lập tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 8/2007. Tôi nộp đơn xin thôi việc từ ngày 1/1/2011 (theo đúng qui định).

Cách tính thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp? - 1

Kế toán trường tôi bảo rằng theo quy định từ năm 2009, trường sẽ không chi trả khoảng trợ cấp thôi việc cho tôi mà đến khi nào tôi vào làm tại cơ quan nhà nước khác, sau này cơ quan mới sẽ cộng gộp vào khoảng trợ cấp thôi việc cho tôi. Tôi có hỏi đó là dựa vào văn bản nào? Kế toán bảo rằng mới được thông báo, không có văn bản.

Xin hỏi kế toán trường tôi bảo thế là đúng không? Nếu không đúng, tôi phải dựa vào văn bản nào để lập luận? (Huỳnh Thoại Thông, Email: thoaithong@gmail.com)

Trả lời:

Theo chị trình bày chúng tôi hiểu chị là giáo viên, tham gia giảng dạy tại trường THPT công lập tại thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 8/2007. Chị cũng tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ đó đến nay. Ngày 01/01/2011 chị nộp đơn xin nghỉ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 42 Bộ luật lao động quy định: “Khi chấm dứt Hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có từ đủ 12 tháng trở lên người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương nếu có”

Theo quy định nêu trên vì chị giảng dạy trong trường đủ 12 tháng trở lên nên chị thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc.Về thời gian để hưởng trợ cấp thôi việc được tính như sau:

Theo Điều 41 Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp thì: Quy định chuyển tiếp theo khoản 6 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội

1. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức.

2. Thời gian người lao động thực tế làm việc theo các bản hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật lao động hiện hành hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Tiền lương, tiền công làm căn cứ tính chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo pháp luật về lao động là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, gồm tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

Tiền lương làm căn cứ tính chế độ trợ cấp thôi việc theo pháp luật về cán bộ, công chức là mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp thâm niên vượt khung, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có), tại thời điểm thôi việc.

3. Thời gian người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội được tính để miễn trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức”.

Theo các quy định nêu trên nếu trường chị có đóng bảo hiểm thất nghiệp cho chị từ 01/01/2009 thì thời gian từ 01/01/2009 đến 01/01/2011 chị không được trả trợ cấp thôi việc. Nếu trường nơi chị công tác không tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì chị sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc tính từ thời điểm tháng 8/2007 đến 01/01/2011.

Căn cứ khoản 5 Điều 14 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động thì Trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động được quy định như sau: “Thời gian làm việc khi có tháng lẻ đối với người lao động làm việc trên 12 tháng được làm tròn như sau: - Từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 06 tháng làm việc;

- Từ đủ 06 tháng đến 12 tháng được tính bằng 01 năm làm việc”.

Như vậy tổng thời gian làm việc của chị là 4 năm 4 tháng và được làm tròn thành 4 năm 6 tháng. Nếu trường chị không tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho chị thì chị được hưởng trợ cấp thôi việc trong khoảng thời gian 4 năm 6 tháng, mỗi năm làm việc là nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương (nếu có). Nếu trường chị tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì tổng thời gian chị được hưởng trợ cấp thôi việc là 1 năm 2 tháng. Trợ cấp thất nghiệp sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả cho chị nếu chị thỏa mãn các điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điều 81 Luật bảo hiểm xã hội, cụ thể: “Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;

2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;

3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Chị có thể tham khảo thêm: 1.Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp

2. Thông tư 04/2009/TT-BL ĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ lao động thương binh xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp

Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

ĐTDT: 0912 234 235

Email: info@luatdaiviet.vn

Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc