Cả thập kỷ góp tiền nông thôn mới, dân vẫn mỏi mòn chờ đợi một con đường

Tiến Thành

(Dân trí) - Tích cực tham gia đóng góp để xây dựng nông thôn mới suốt 10 năm, thế nhưng đến nay, niềm mong mỏi có con đường không ổ gà, hết cảnh nắng bụi, mưa lầy lội của người dân vẫn chưa thành hiện thực.

Thôn 3 Phúc Khê, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có khoảng 280 hộ dân, với trên 1.200 nhân khẩu. Toàn thôn hiện có khoảng 10km đường giao thông, tuy nhiên có hơn 8km trong tình trạng đất đá lởm chởm.

Đặc biệt là tuyến đường nối về trung tâm xã, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân.

Cả thập kỷ góp tiền nông thôn mới, dân vẫn mỏi mòn chờ đợi một con đường - 1

Con đường vào thôn 3 Phúc Khê, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

"Dân ở đây khốn khổ vì đường, ổ gà dày đặc, nắng thì bụi mù mịt, mưa lầy lội, nước ứ đọng, đi lại rất vất vả, nhất là với các em học sinh. Nhiều năm qua, chúng tôi luôn mong có được con đường bê tông, nhưng đến nay vẫn chưa làm được", ông Nguyễn Văn Ngự (SN 1968), trú thôn 3 Phúc Khê nói.

Cũng theo nhiều người dân, hệ thống giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. 

Cả thập kỷ góp tiền nông thôn mới, dân vẫn mỏi mòn chờ đợi một con đường - 2

Người dân thôn 3 Phúc Khê nhiều năm qua phải chịu cảnh bụi bặm, mưa thì đường "biến thành ao" (Ảnh: Tiến Thành).

Thực hiện các chủ trương, vận động từ chính quyền địa phương, từ năm 2013 đến nay, người dân thôn 3 Phúc Khê luôn tích cực trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng sau cả thập kỷ đóng nộp, điều người dân mong mỏi nhất là bê tông hóa đường giao thông vẫn chưa thành hiện thực.

"Mỗi năm như vậy, một nhân khẩu sẽ quyên góp, đóng nộp 200.000 đồng, đến nay cũng 10 năm rồi. Chúng tôi biết xây dựng nông thôn mới có nhiều tiêu chí, cấp thiết nhất là "điện, đường, trường, trạm". Thế nhưng đường thế này thì khó mà đạt nông thôn mới được", ông Đinh Xuân Hiệu, một người dân khác nêu ý kiến.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Công Lý, Trưởng thôn 3 Phúc Khê, cho hay, người dân thôn này chủ yếu làm nông, trồng rừng, đời sống còn nhiều khó khăn. Thế nên để vận động sức dân làm đường rất khó, mà cần vào sự đầu tư, quan tâm của chính quyền cấp trên.

Cả thập kỷ góp tiền nông thôn mới, dân vẫn mỏi mòn chờ đợi một con đường - 3

Người dân thôn 3 Phúc Khê đã tích cực tham gia nộp tiền xây dựng nông thôn mới 10 năm qua, tuy nhiên điều mong mỏi bê tông hóa đường giao thông vẫn chưa thành hiện thực (Ảnh: Tiến Thành).

Cũng theo ông Lý, 10 năm qua, người dân trong thôn 3 Phúc Khê đã đóng góp xây dựng nông thôn mới được khoảng 1,7 tỷ đồng, triển khai thực hiện nhiều hạng mục, nên chỉ có thể sửa chữa, vá đường chứ không đủ kinh phí làm mới.

Đường vốn đã xuống cấp, mùa khai thác keo tràm, xe trọng tải lớn qua lại thường xuyên nên càng hư hỏng nặng hơn.

Người dân tại thôn 3 Phúc Khê đề xuất ý kiến lên UBND xã Phúc Trạch cũng như UBND huyện Bố Trạch quan tâm, nghiên cứu nguồn vốn để đầu tư, chung tay với nhân dân sớm xây dựng lại "con đường đau khổ" kể trên.

Cả thập kỷ góp tiền nông thôn mới, dân vẫn mỏi mòn chờ đợi một con đường - 4

Đường vốn đã xuống cấp, mùa khai thác keo tràm, xe trọng tải lớn cũng qua lại thường xuyên nên càng hư hỏng nặng hơn (Ảnh: Tiến Thành).

Ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, cho biết địa phương này có kế hoạch về đích nông thôn mới vào năm 2025, tuy nhiên đang nỗ lực để hoàn thành vào năm 2024.

Cũng theo ông Tiến, hệ thống giao thông nông thôn của xã Phúc Trạch cơ bản đã hoàn thiện, chỉ còn một số tuyến chưa được nâng cấp, trong đó có đường nối về thôn 3 Phúc Khê.

Cả thập kỷ góp tiền nông thôn mới, dân vẫn mỏi mòn chờ đợi một con đường - 5

Để về đích nông thôn mới, điều cấp thiết với xã Phúc Trạch là hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn (Ảnh: Tiến Thành).

"Việc đầu tư, xây dựng đường hay các công trình trên địa bàn đều có kế hoạch, phụ thuộc vào nguồn vốn được bố trí. Với tuyến đường ở thôn 3 Phúc Khê, chúng tôi cũng đã khảo sát, lên kế hoạch, phương án để thực hiện nâng cấp sau mùa mưa lũ. Xã Phúc Trạch cũng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống giao thông, hoàn thành các tiêu chí để về đích nông thôn mới trong năm tới", ông Tiến nói.