Buồn lòng về đạo đức người thầy

Với hàng loạt khẩu hiệu được đưa trong ngành giáo dục nhằm tạo một môi trường sư phạm tốt hơn thì các vi phạm của những người đứng lớp vẫn cứ xảy ra, gần đây nhất là sự việc tại Trường mầm non Thiên Thơ (TPHCM) khiến tính mạng của bé Trân đang vô cùng nguy kịch.

Điều đó càng khẳng định rằng đạo đức, chất lượng giáo viên có biểu hiện đi xuống và các bậc phụ huynh rất băn khoăn tự hỏi không biết đến khi nào ngành Giáo dục mới loại bỏ được hết các tiêu cực, đến bao giờ thì môi trường sư phạm mới thật sự an toàn và trong sáng, để cho những khẩu hiệu đề ra được thực hiện nghiêm túc? Câu hỏi này xin dành cho những người trong ngành giải đáp.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Chưa bao giờ các bậc phụ huynh lại hoang mang, mất đi sự tin tưởng khi gửi gắm con em mình tại những cơ sở cả dân lập lẫn công lập như hiện nay. Đáng lẽ ra nhà tin cậy của học sinh và các bậc phụ huynh, thế nhưng chính tại cái nơi "trồng người" tưởng như rất đáng được tin cậy này lại là nơi nảy sinh nhiều sự việc rất đáng tiếc.

 

Và cũng chưa bao giờ lại có nhiều chuyện cần phải bàn khi nói về những người được coi là người dẫn dắt, chỉ lối, định hướng cho thế hệ mai sau của chúng ta. Từ chuyện người tố cáo tiêu cực bị trù dập, thầy giáo gạ tình lấy điểm, cô giáo mẫu giáo tát sưng mặt học sinh chỉ vì không chịu ăn, thầy giáo giao học sinh trong giờ học cho dân quân tra khảo, cô chủ nhiệm dùng thước đánh học sinh... đến bây giờ là cô bảo mẫu không có học thức (học hết lớp 5) và chuyên môn lấy băng keo dán mồm trẻ đủ để thấy rằng cần phải xem xét lại tư cách và đạo đức của những người mang trọng trách "trồng người" này.

 

Những cách hành xử này chỉ ra rằng, sự nghèo nàn trong phương pháp giáo dục, hành động quá ấu trĩ và bế tắc trong cách ứng xử sư phạm, hơn nữa đó là sự vô cảm đối với con người của một bộ phận giáo viên. Khi mà thày cô giáo phải dùng đến những cách phản sư phạm trong nghiệp vụ của mình thì thật là chẳng còn gì để nói.

 

Một số lý lẽ như thầy cô giáo đang căng thẳng chuyện gia đình, phải tăng số tiết dạy vì thiếu giáo viên hay phải lo cân nhắc chi tiêu trong cơn bão giá cả tăng vì đồng lương eo hẹp... nên dẫn đến tâm sinh lý nhiều khi không được tốt khi đứng lớp và rằng những sự việc xảy ra là do bột phát... chẳng qua chỉ là bao biện, không dám nhìn thẳng vào sai phạm. Do vậy, ngành giáo dục nên có một cuộc đại phẫu nghiêm túc, cần phải loại bỏ những "mầm bệnh" nhằm trả lại cho nơi đây  môi trường sư phạm trong sáng chứ không phải là địa ngục đối với một số nạn nhân trong những trường hợp trên.

 

Biết rằng khi bỏ đi một phần cơ thể tuy đau thật đấy nhưng cần phải làm để tránh di căn sang những phần còn khoẻ mạnh hay ít ra là chưa mang mầm bệnh. Nếu ngay từ khâu tuyển chọn cán bộ được làm một cách nghiêm túc và đầy đủ (ngoài nghiệp vụ sư phạm vững chắc còn phải có tư cách tốt), các cấp quản lý tổ chức, đoàn thể trong ngành sâu sát với cán bộ hơn, thể hiện sự quan tâm, công bằng với tất cả mọi người... thì chắc rằng những sự việc đáng tiếc như trên khó lòng có thể xảy ra được.

 

Những khẩu hiệu hành động đề ra với những tiêu chí cụ thể là cái đích để mỗi giáo viên có nghĩa vụ phải thực hiện. Đó chính là trách nhiệm và lương tâm mà mỗi con người trong ngành giáo dục cần phải làm để có được một môi trường sư phạm trong sáng đúng nghĩa, thực sự là niềm tin của mọi gia đình có con em đang theo học và các thầy cô giáo luôn là tấm gương sáng cho mọi thế hệ học trò noi theo.

 

Nguyễn Thăng Long

(thanglong2501@gmail.com)

 

 LTS Dân trí - Những tin liên tiếp gần đây cho thấy sự sa sút đạo đức, phẩm chất và thiếu trách nhiệm cũng như lương tâm nghề nghiệp của không ít giáo viên từ mần non, mẫu giáo đến các cấp học phổ thông, chuyên nghiệp; từ giáo viên cho đến các lãnh đạo trường… Quả thật đấy là những tin buồn đối với tất cả các thầy, cô giáo đang đứng lớp. Đấy cũng là điều trăn trở, lo lắng đối với mọi gia đình vì gia đình nào chẳng có con em đi học, nhất là các cháu đi học mầm non, mẫu giáo, tiểu học… Các cháu còn non nớt quá, ngây thơ quá mà gửi gắm vào tay các thầy, cô không tin tưởng, lúc nào cũng nơm nớp lo lắng những điều không lành xảy ra thì đấy là nỗi khổ tâm thường trực của những người làm cha mẹ, ông bà của các cháu.

 

Mong rằng các cấp quản lý giáo dục có biện pháp xử lý nghiêm minh và chấn chỉnh kịp thời để lấy lại niềm tin ở các bậc phụ huynh học sinh và cũng là trả lại danh dự cho những Người Thầy chân chính không bị những “con sâu làm rầu nồi canh” .

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm