Nghệ An:

Bùng nhùng chuyện hộ nghèo ở Trù Sơn

(Dân trí) - Ở vào thế chẳng đặng đừng người ta mới đành chịu cho người khác đưa mình vào danh sách hộ nghèo. Vậy mà việc xét hộ nghèo vừa qua tại Trù Sơn - Đô Lương (Nghệ An), cái việc đáng lẽ chẳng ai dám nói lớn ấy lại bùng nhùng bao nhiêu điều đáng nói.

Gia đình nghèo xác xơ của chị Linh làm đơn khiếu nại vì không được hộ nghèo.
Gia đình nghèo xác xơ của chị Linh làm đơn khiếu nại vì không được hộ nghèo.

Nhà không ruộng vẫn “rớt” hộ nghèo

Trong đơn thư của người dân xã Trù Sơn gửi tới PV Dân trí phản ánh: Trong mấy tháng qua, trên địa bàn xã này xảy ra lộn xộn trong việc bình xét hộ nghèo. Ngay sau đó, PV Dân trí đã có cuộc điều tra về sự việc này.

Bà mẹ đơn thân Dương Thị Linh, 43 tuổi, trú xóm 4, là một hộ thuộc diện nghèo rớt mồng tơi. Nghèo đến mức không có tài sản chi để kể, đến cả sào ruộng cũng không có để làm ra hột gạo bỏ bụng. Chị Linh, trước có một đời chồng nhưng đã chia tay, nay chị và cậu con trai Nguyễn Xuân Vị, 14 tuổi, hai mẹ con co kéo nhau để sống. Khốn nỗi che chỗ này thì hở chỗ khác. Khi đến, chỉ có mẹ Linh ở nhà, Vị đang mải miết ở đồng bắt con giam, con cua đi bán.
Người dân đưa đơn trao đổi với PV Dân trí.
Người dân đưa đơn trao đổi với PV Dân trí.

Người dân đưa đơn trao đổi với PV Dân trí.
Bà Nguyễn Thị Tính chỉ cho PV biết cái giường bị đánh giá 2 triệu đồng, trong khi đó chiếc giường này chỉ đáng giá 200-400 ngàn đồng.

Thằng bé lớp 8, đen trùi trụi nhìn vào máy ảnh lấm lép, bất động. Áo quần lem nhem màu bùn càng làm cho cơ thể đen đúa của Vị lọt thỏm. Hôm nay Vị bắt được 3 lượng giam, mỗi lượng người làng mua cho với giá 2.500 đồng. Cả thảy, một buổi trưa dãi nắng bể đầu ngoài ruộng cũng chỉ kiếm được 7,8 ngàn bạc. Số tiền đó ra tạp hóa chỉ đủ mua hai gói mì tôm.

Nhưng lâu nay Vị không biết đến mùi mì, được mấy tiền là phải đi đổi gạo ngay trong ngày. Vì chẳng có gì để nấu nướng, Vị và mẹ bày luôn bếp ra trước hiên nhà cho thoáng. Cái bếp dã chiến nằm chình ình một góc chỉ có nồi dọc mùng kho muối làm thức ăn. Dọc mùng người ta dùng trong bữa ăn cho lạ miệng, chứ với Vị và mẹ, vị chát chát mằn mặn của dọc mùng đã không kiểm đếm được là bao nhiêu ngày rồi.
 
Người dân đưa đơn trao đổi với PV Dân trí.
Bà Linh trong căn nhà gần sập những vẫn không được xã bình xét hộ nghèo, trong khi đó năm trước bà cũng nằm trong diện hộ nghèo.

Gia đình Nguyễn Hữu Chút trước căn nhà tồi tàn của mình.   
Gia đình Nguyễn Hữu Chút trước căn nhà tồi tàn của mình.   

Chị Ngọc, người cùng xã, cũng là người dẫn lối chúng tôi vào nhà Vị, luôn chép miệng than: “Nhà như o Linh mà không được hộ nghèo thì tui không biết nhà mô nên được. Nghe các chú về nên tôi chỉ các chú đến nhà o, chứ xã không cho hai mẹ con nó vào diện hộ nghèo thì tội cho mẹ con nó lắm”.

Người đã nghèo thì người ta lại hay thương người nghèo như mình, cùng lâm vào một cảnh ít ai còn nỡ lòng nào đi phản bác người khác. Nhưng sự tình ở xóm 4, cái ùm xùm bỏ người người này đưa người kia vào danh sách phải nói rõ ràng là do ban cán sự đã hoàn toàn sai. Danh sách đưa lên bị người dân phản ứng khi bỏ mặc những hộ nghèo rách, để cho vào danh sách một số hộ chưa đến mức được gọi là nghèo.

Ở xóm này, xét từ hộ nghèo kiệt đến hộ nghèo vừa, thì các gia đình Nguyễn Đình Thanh, Phạm Bá Hùng, Đào Tất Kỷ.. cho dù hoàn cảnh có ít nhiều khó khăn, nhưng vẫn còn có thể gọi là “hơn” về đường ăn ở so những gia cảnh khác. Và cho dù những hộ này đều có số điểm tài sản vượt mức quy định, nhưng xóm vẫn cho vào danh sách. Và xã Trù Sơn chút nữa đã hợp thức hóa vào danh sách gửi lên huyện Đô Lương.
Hai mẹ con chị Linh quá xác xơ trong căn nhà tàn nhưng vẫn không được hộ nghèo.
Hai mẹ con chị Linh quá xác xơ trong căn nhà tàn nhưng vẫn không được hộ nghèo.

Ông Chút bị tàn tật lâu năm, nhưng năm nay gia đình ông cũng bị cắt chế độ hộ nghèo?.
Ông Chút bị tàn tật lâu năm, nhưng năm nay gia đình ông cũng bị cắt chế độ hộ nghèo?.

Bị bệnh tim từ mấy năm, chị Linh vừa nói vừa thở mới có sức nói hết chuyện: “Từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, từ mấy năm nay, thì chỉ năm vừa qua (2013) là nhà tui được xét, nên mới có được ít chế độ. Còn xét cho năm sau thì xã lại không cho nữa. Tui giờ không biết kêu mô”. 

Về tình cảnh gia đình chị Linh, ông Nguyễn Thủy Đờu - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn - cho phóng viên Dân trí biết: "Về vấn đề hộ nghèo là do dưới xóm 4 làm sai, hàng năm xét được bao nhiêu hộ là họ cho dân luân phiên được hưởng, năm nay nhà này thì năm sau gia đình khác. Cứ cào bằng thế. Năm nay hộ o Linh được hưởng nên họ xét năm sau không cho nữa. Sau khi phát hiện, xã yêu cầu xóm không được làm như vậy, hiện xã đang chỉ đạo dưới xóm đưa lên bản danh sách mới".

Xóm trưởng bức xúc với xã... vì bình xét hộ nghèo

Xóm trưởng xóm 12 (xã Trù Sơn) ông Trần Công Định chua chát nói về chuyện xóm nghèo: “Xóm 12 có 106 hộ, phải có trên 30, đến gần 40% dân thuộc diện hộ nghèo. Dân và ban chỉ huy xóm có đưa vào danh sách nhưng xã không chấp thuận. Khi đầu xã áp xuống số hộ nghèo là 11, sau nâng lên thành 13. Chúng tôi nhận định chắc chắn là cả xóm nếu xét đến diện hộ nghèo thuộc diện không thể bỏ mặc là 18. Cho nên 5 hộ kia phải nằm ngoài danh sách. Những hộ được vào danh sách, được gọi vui là những hộ “độc đắc”.

Bà con năm trước được, năm nay lại không, cứ nghĩ xóm trưởng “đi đêm” nên cho nhà này gạt nhà kia. “Bà con còn trách tui lắm, nhưng số hộ nghèo chỉ có chừng đó, toàn thuộc diện các cụ già yếu, cô quả cả, biết làm răng cho vừa lòng mọi người”, anh Định giãi bày.
Ông Chút bị tàn tật lâu năm, nhưng năm nay gia đình ông cũng bị cắt chế độ hộ nghèo?.
Gia đình bà Tính có đứa con trai được cho là có việc làm thu nhập mỗi tháng hơn 600 ngàn, trong khi đó, đứa con trai út ở với bà đang học lớp 12.

Trưởng xóm lật danh sách nêu những trường hợp mà bản thân anh cũng thấy khó xử, như nhà bà Nguyễn Thị Khương, vợ của chủ hộ Nguyễn Hữu Chút. Hai người đều có vấn đề về sức khỏe, bà đau yếu, ông bị tật tay chân khuỳnh ra làm gì cũng không vững. Hay như hộ bà Nguyễn Thị Hòa, chồng mất từ năm 2010, nuôi năm đứa con, rõ ràng là khốn khổ, quanh quẩn mấy mẹ con 3 sào ruộng. “Nhưng xét hộ nghèo có phải là cứ đông con là được đâu. Ít ra là đang có sức, có nhân lực lao động, chứ còn các cụ, già yếu neo người, cũng phải xét đến cho người ta chứ”.

Anh Định bức xúc: “Cái này tôi nói thẳng, các anh cứ cho lên báo, tôi không sợ xã nói đâu. Nhưng quả thật, chỉ dám xét ở xóm tôi thì cái bệnh thành tích, bệnh xuất sắc, mà áp dụng chỉ cho 12% số hộ được nghèo là do xã. Xã sợ dân nghèo nhiều, ảnh hưởng đến thành tích”.
Đống rơm của bà Tính chỉ đáng giá 50 ngàn đồng, nhưng bị đánh giá là 300 ngàn đồng.
Đống rơm của bà Tính chỉ đáng giá 50 ngàn đồng, nhưng bị đánh giá là 300 ngàn đồng.

“Ngay như tôi, dân 100% bầu tôi làm xóm trưởng, lại 100% xét tôi vào danh sách hộ nghèo, là dân bầu, chứ tôi không lợi dụng chức xóm trưởng để quyết cho mình. Mà xã cũng không cho. Nhà tôi 7 người, 5 đứa con, đứa lớn vừa cho nghỉ học, không thì không có chi mà cho theo học được. Mấy đứa sau còn nhỏ, phải cho nó học cho biết chữ. Đứa đầu nghỉ, tôi cũng đau lắm, nhưng lấy đâu ra mà học. Mang tiếng trưởng xóm mà con phải bỏ học nửa chừng...”.

Chủ tịch xã Nguyễn Thủy Đờu phân trần: xã đánh giá các hộ thuộc diện nghèo là theo tiêu chí nhà nước đặt ra, có ba-rem cả. Nhà nước đặt ra thang điểm, nhà nào dưới 43 điểm (tài sản) thì được xét vào diện hộ nghèo. Ban cán sự các xóm đánh giá xong rồi gửi lên xã xét duyệt. Nhiều khi do đánh giá tùy từng con người nên có sự sai khác, có người đồng tình có người không.
Nguyễn Thủy Đờu - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn trao đổi với PV Dân trí.
Nguyễn Thủy Đờu - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn trao đổi với PV Dân trí.

Còn việc hạn chế tỷ lệ hộ nghèo? Ông Đờu cho rằng là xã không có chủ trương đó. Cả xã Trù Sơn có trên 2500 hộ, theo nghị quyết của Đảng bộ xã mà ông Đờu cho biết thì trong nhiệm kỳ năm năm 2010-2015, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm dần theo từng năm. 

Như năm ngoái (2012) là 14,3%, năm nay theo nghị quyết là giảm tỷ lệ xuống còn 12%. Tỷ lệ đó, như xóm trưởng Định bày tỏ “không biết xóm khác thế nào, nhưng xã chỉ áp xuống 13 suất/106 hộ cho xóm 12 mà thôi”.

Nguyễn Duy - Danh Thắng