Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ vụ cắt thận bệnh nhân khi phẫu thuật

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí đăng tải thông tin chị Nguyễn Thị T (SN 1984) phát hiện bị cắt mất một bên thận khi phẫu thuật tại bệnh viện Đa khoa Thiên Đức, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội làm rõ báo cáo chậm nhất là ngày 13/6.

Báo Dân trí vừa nhận được công văn số 3499/BYT-VPB1 cho biết sau khi báo Dân trí đăng bài viết "Hà Nội: Phẫu thuật xong nhiều ngày tá hỏa phát hiện bị cắt mất một bên thận", Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế TP Hà Nội kiểm tra thông tin, đề xuất giải pháp xử lý và gửi báo cáo về văn phòng Bộ chậm nhất là ngày 13/6.

Trước đó, liên quan đến sự việc, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã có công văn  giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra sự việc, xử lý vi phạm nếu có đồng thời báo cáo kết quả với UBND thành phố và thông tin tới báo Dân trí theo quy định.

Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ vụ cắt thận bệnh nhân khi phẫu thuật.
Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ vụ cắt thận bệnh nhân khi phẫu thuật.

Như Dân trí đã thông tin, chị Nguyễn Thị T (SN 1984) tại Vườn Văn - Thanh Liệt - Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: chị T là nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Thiên Đức (BV Thiên Đức) tại Phúc La - Hà Đông (Hà Nội) với vị trí điều dưỡng viên từ năm 2011 đến nay.Vào tháng 9 năm 2013 do tình hình sức khỏe, chị T đã khám bệnh tại bệnh viện đa khoa Thiên Đức. Bệnh viện chẩn đoán thận Phải có sỏi và được tiến hành phẫu thuật ( mổ mở ) để lấy sỏi. Thời gian nhập viện từ ngày 15/09/2013 đến ngày  30/9/2013, chị T được ra viện về nhà điều trị tiếp theo đơn thuốc.

Sau một thời gian thì thấy vết mổ bị nhiễm trùng, dò rỉ đã khám và thay băng không khỏi. Do đó chị T vào nhập viện tại Bệnh viện Thiên Đức khám thì tình trạng được chuẩn đoán là vết mổ cũ có lỗ dò, rỉ dịch màu máu cá, nề đỏ. Vậy, đây là tình trạng nhiễm trùng nặng vết mổ.

Chị T nhập viện BV Thiên Đức từ ngày 01/4/2014 đến 08/4/2014.Ca phẫu thuật đã được tiến hành vào ngày 01/4/2014 do bác sỹ Nguyễn Dương Tân mổ và bác sỹ Nguyễn Văn Phúc thuộc BV Thiên Đức gây mê.

"Tuy nhiên sau một tuần nằm viện tôi thấy sức khỏe tiến triển không tốt, huyết áp lên xuống thất thường, sau khi đã cắt chỉ vết mổ nhưng vẫn còn thấy đau. Tôi được người nhà kể lại thì từ lúc được gây mê trước khi phẫu thuật đến khoảng gần 4 tiếng sau tôi mới tỉnh táo lại, phải truyền gần 1 lít máu. Do đó, tôi và người nhà đã yêu cầu chụp phim và làm siêu âm để kiểm tra sức khỏe sau phẫu thuật. Khi đó, bác sỹ điều trị mới thông báo cho tôi rằng thận phải của tôi đã bị cắt trong ca phẫu thuật vừa rồi. Sau khi làm siêu âm, nhận kết quả siêu âm tôi biết chính xác mình không còn thận phải nữa", chị T cho biết.

Theo chị T, ngày 08/4/2014, chị ra viện nhưng thấy sức khỏe của mình vẫn không ổn định và vết thương vẫn đau, do đó chị có đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện quân y 108 song các bác sỹ ở BV Quân y 108 cũng không nhận điều trị mà khuyên nên vào Bệnh Viện Việt Đức để được chuẩn đoán và điều trị cho đúng tuyến bảo hiểm y tế.

Sau khi sự việc bị phát giác, gia đình chị T đã có nhiều lần gặp gỡ trao đổi trực tiếp và bằng công văn với lãnh đạo BV Thiên Đức để làm rõ sự việc,nhưng lãnh đạo bệnh viện luôn trả lời rằng kíp mổ đã làm đúng chuyên môn và không có vấn đề gì sai phạm cả.

Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ vụ cắt thận bệnh nhân khi phẫu thuật.
Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ vụ cắt thận bệnh nhân khi phẫu thuật.

Bệnh viện Thiên Đức cho rằng việc không thông báo cắt thận cho bệnh nhân và gia đình nhằm tránh khiến họ bị sốc.

Bệnh viện Thiên Đức cho rằng việc không thông báo cắt thận cho bệnh nhân và gia đình nhằm tránh khiến họ bị sốc.

Theo Thông Báo số 15/TB-BV do bác sĩ Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc bệnh viện ký ngày 21/04/2014 gửi gia đình chị T cho biết: Đợt phẫu thuật thứ 2 của chị T vào ngày 1/4/2014 nhằm tiến hành cắt đường rò và kiểm tra thận thấy đường rò theo lỗ dẫn lưu bể thận cũ vào thận. Tình trạng thận viêm teo, xơ hóa, dễ chảu máu khó cầm. Đánh giá chức năng thân thực tế không còn vì vậy kíp mổ đã hội chẩn với Ban giám đốc gồm: PGS.TS Nguyễn Văn Huệ - Chủ tịch HĐKH bệnh viện; Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc bệnh viện (trực tiếp gây mê cho ca mổ). Hội đồng hội chẩn đã đồng ý cắt bỏ thận.

Công văn của Bệnh viện Thiên Đức cũng cho rằng phía bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình thủ tục hành chính: Giải thích cho bệnh nhân và gia đình khó khăn của phẫu thuật có nhiều nguy cơ phải cắt thận. Gia đình vẫn đồng ý xin được phẫu thuật.

Tuy nhiên, phản ứng trước trả lời của phía bệnh viện, gia đình bệnh nhân T cho rằng không hề có sự đồng ý cho phía bệnh viện cắt bỏ thận chị T bằng văn bản. Trao đổi giữa bệnh viện với gia đình bệnh nhân chỉ bằng miệng và ở ca mổ lần 1. Ca mổ lần 2, gia đình không hề có trao đổi đồng ý nào với phía bệnh viện. Và đặc biệt là khi kíp mổ cắt bỏ thận chị T mà không hề lấy ý kiến của gia đình, thậm chí cắt thận rồi còn giấu nhẹm chỉ đến khi gia đình bệnh nhân phát hiện thì bệnh viện mới thừa nhận.

Trong công văn trả lời, bệnh viện đa khoa Thiên Đức cho rằng: việc không thông báo cắt bỏ thận cho gia đình bệnh nhân là thực hiện y đức của người thầy thuốc, nhằm tránh sốc cho bệnh nhân và gia đình.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế