Bỏ rơi con dẫn đến tử vong, người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
(Dân trí) - Từ vụ thi thể bé sơ sinh mất một chân, luật sư cho rằng, người mẹ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vứt bỏ con mới đẻ.
Chiều 13/6, người dân phát hiện thi thể bé trai bị mất một chân ở sát lô cao su thuộc xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Qua xác minh, công an xác định mẹ của bé trai là K.D. (17 tuổi, người địa phương).
Theo cơ quan chức năng, từ cuối tháng 5, chị D. có đến nhà anh T. (ở xã Lộc Hưng) và ở lại đây. Nhận thấy bụng chị D. to bất thường, bố mẹ anh T. nhiều lần gặng hỏi nhưng cô gái không thừa nhận mình có thai.
Ngày 11/6, chị D. được chở đi khám và được bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh. Tuy nhiên, cô gái này không thông báo cho bố mẹ anh T. Tới sáng 12/6, chị D. đau bụng và lấy xe lên lô cao su để tự sinh con. Sau đó, cô gái để bé trai ở hố đất rồi về nhà trong tình trạng bị chảy máu bộ phận sinh dục, phải đi cấp cứu. Hiện D. đã qua cơn nguy kịch.
Theo dõi sự việc, độc giả Dân trí thắc mắc, với việc vứt bỏ con mới đẻ dẫn tới bé trai tử vong, người mẹ có thể phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật?
Bỏ rơi con dẫn đến tử vong sẽ bị truy cứu ra sao?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, sinh con rồi đem vứt tưởng chừng chỉ là những tình tiết chỉ xuất hiện trong phim ảnh, tiểu thuyết.
Vậy nhưng, những việc đau lòng ngay trong mối quan hệ thiêng liêng nhất là tình mẫu tử hiện xảy ra không ít, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, có khi còn nguyên dây rốn, bị vứt bỏ trong những tình cảnh vô cùng thảm thương... Có những sinh linh vừa chào đời đã bị đẩy vội vào thùng rác, để tạm bên vệ đường, đặt dưới cống...
Vấn đề ở đây không chỉ về đạo đức mà còn là nhận thức và trách nhiệm pháp lý của những người mẹ này.
Theo quy định tại Điều 6 Luật Trẻ em 2016, hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em là những hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, mẹ người sinh ra đứa bé có hành vi vứt bỏ con mình thì sẽ có những chế tài xử lý cụ thể.
Theo đó, người mẹ có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em thì có thể sẽ bị xử phạt hành với mức phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 130/2021/NĐ-CP.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, cháu bé bị bỏ rơi đã chết nên người mẹ (sinh năm 2006) có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vứt bỏ con mới đẻ theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017. Theo đó người thực hiện hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác.
Cùng quan điểm trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo Luật Trẻ em 2016, những người dưới 16 tuổi được coi là trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm… và có đầy đủ các quyền như quyền được sống; được khai sinh, có quốc tịch; được chăm sóc sức khỏe; được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển năng khiếu…
Mọi hành vi xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Khoản 9, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định bỏ rơi trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Do đây là hành vi vi phạm pháp luật nên người thực hiện hành vi, tùy thuộc tính chất và mức độ, sẽ bị áp dụng chế tài hành chính hoặc thậm chí xử lý hình sự.
Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi là con mới đẻ, người bỏ rơi trẻ em có thể bị xử lý hình sự về tội Vứt bỏ con mới đẻ theo Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, điều này quy định người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
"Cơ quan chức năng sẽ xác định người mẹ có bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc rơi vào hoàn cảnh khách quan đặc biệt hay không. Nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp trên, cộng với việc đứa trẻ bị vứt bỏ ngay khi mới đẻ và hậu quả chết người đã xảy ra, hành vi của D. có thể bị xử lý hình sự theo Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu không thuộc các trường hợp trên, cô gái này vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật này", luật sư Giáp cho biết.
Vứt con sau sinh: Buông bỏ trước mắt, ám ảnh lâu dài
Trước đó, hàng loạt các vụ bỏ con mới sinh liên tiếp xảy ra khiến dư luận vô cùng bức xúc và bất bình.
Trước sự việc đau lòng trên, bạn đọc báo Dân trí gửi nhiều ý kiến chia sẻ, đồng thời lên án những người mẹ, người cha nhẫn tâm bỏ mặc con sau sinh. Nhiều người cho rằng, vứt con như vậy chỉ là buông bỏ cái trước mắt, về lâu dài, những người làm cha làm mẹ sẽ phải chịu dằn vặt ám ảnh tinh thần cả đời.
Độc giả Trịnh Hương bình luận: "Những ngày gần đây có quá nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Cha mẹ và nhà trường cần có chương trình dạy dỗ và giáo dục học sinh và những cô gái mới lớn về vấn đề phòng tránh thai để tránh những trường hợp như thế này xảy ra. Tới năm 2023 rồi mà tại sao vẫn còn những nhận thức đáng tiếc như vậy".
"Càng ngày càng có nhiều người không coi tính mạng của những sinh linh vô tội đáng thương ra gì dù họ đã sinh ra những mảnh đời đó. Có biết bao nhiêu người muốn sinh ra một đứa con để nuôi nấng mà không thể được. Tất cả những lý do đưa ra đều không thể chấp nhận được, và lý do không thể chấp nhận được nhất là sự vô trách nhiệm của cha mẹ những nhân vật này. Họ phải dạy và quản lý con họ", độc giả HuongChilli.
Độc giả shipping jessica chia sẻ nỗi xót xa: "Người muốn kiếm mụn con mà không được , người thì bỏ con đi, thương con!".
Qua vụ những vụ việc này, luật sư Luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo, để làm giảm thiểu những vụ việc đau lòng như vậy thì cần phải thực hiện các giải pháp, phối hợp từ phía cơ quan chức năng, gia đình và bản thân những người trẻ.
Thứ nhất, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người. Cha mẹ phải là những người thầy đầu tiên của con, phải lắng nghe, nhận thấy những thay đổi bất thường của con để sớm đưa ra giải pháp phù hợp, phải nâng cao kiến thức vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản cho các con.
Phần lớn các vụ việc đau lòng xảy ra là do cha mẹ các em không quan tâm nhiều đến con cái, tâm lý sợ mang đến tai tiếng cho gia đình, áp đặt những suy nghĩ cổ hủ lên con cái. Từ đó, khi xảy ra sự việc, con không biết chia sẻ và khi bố mẹ biết thì mọi chuyện đã quá muộn.
Thứ hai, đối với các bạn trẻ, phải biết trân trọng thân thể, nhân phẩm của mình, nâng niu sự sống, sinh mạng và sống có trách nhiệm, trách nhiệm với chính bản thân mình, trách nhiệm với đứa con mình sẽ sinh ra.
Trách nhiệm ở đây là biết từ chối quan hệ tình dục khi chưa đủ năng lực, từ chối lối sống buông thả và tăng khả năng chịu trách nhiệm; chỉ quan hệ tình dục khi có biện pháp an toàn cũng như sẵn sàng cho những tình huống ngoài ý muốn…
Thứ ba, để hạn chế tình trạng trên, cần sự vào cuộc của các đoàn thể, các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số, bảo vệ trẻ em; công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là thanh thiếu niên, phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường trong việc giáo dục pháp luật cho các em.
Bảo Khang - Hoàng Diệu