“Bộ quy định 30 năm không bằng Sở ngăm một tiếng”

Chuyện xưa kể rằng có một anh nông dân được tuyển làm lính cai ngục, gặp các phạm nhân anh ta hỏi trước đây làm nghề gì. Một phạm nhân xưng “Thượng thư”, anh quát: “Thượng thư à…” và cho một… đá đít.

Còn phạm nhân khác nói “Tổng đốc”, anh ta cũng quát : “Tổng đốc à, sợ quái gì…” và cho luôn một cái bợp tai. Đến phạm nhân thứ ba, khẽ nói: “Lý trưởng”, anh lính bỗng sợ sệt cung kính: “Dạ bẩm thầy lý, thầy có gì cần cứ bảo con, con xin chu tất ạ…”.

Thì ra anh lính-nông dân kia không hề biết “Thượng thư, Tổng đốc…” là gì cả, anh chỉ biết có mỗi thầy lý là ông “vua con” ở làng, quyền sinh quyền sát trong tay và anh chỉ chịu cung phụng ông lý mà thôi!

Chuyện xưa đã vậy, chuyện nay xem ra cũng tương tự. Bộ Giáo dục từ năm 1979 đã có thông tư số 49 quy định Hiệu trưởng các trường phổ thông phải dạy 2 tiết/tuần, đến năm 2006, liên bộ GD-ĐT-Nội vụ lại có thông tư 35 tiếp tục khẳng định lại quy định của thông tư 49.

Thế nhưng nhiều vị Hiệu trưởng các trường phổ thông vẫn giả vờ không biết (hay không cần biết), tiếp tục “thoát ly giảng dạy” để làm công tác quản lý một cách “thuần túy” và vẫn ung dung nhận tiền phụ cấp đứng lớp 30% như ai. Và dĩ nhiên là mỗi dịp họp hành lễ lạt, các vị lại “đăng đàn diễn thuyết” rất hùng hồn kêu gọi lòng yêu nghề, tâm huyết của nhà giáo. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Báo Dân trí ngày 11/10/2008 đưa tin ông Nguyễn Tấn Khoa hiệu trưởng trường THPT Ba Gia, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã “tự nguyện” nộp trả số tiền 32 triệu đồng nhận sai qui định, do bị tố cáo không đi dạy nhiều năm nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp đứng lớp. Đâu chỉ một ông Khoa, các trường hợp tương tự trong ngành giáo dục còn nhiều lắm, và nếu các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, truy thu đúng quy định, chắc chắc ngân sách nhà nước đã được bổ sung một khoản không hề nhỏ.                                               

Trước thực trạng trên, vào đầu năm học 2008-2009, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh nọ trong một cuộc họp các Hiệu trưởng trường THPT và Trưởng phòng GD-ĐT đã tuyên bố buộc tất cả các Hiệu trưởng phải thực hiện chế độ dạy mỗi tuần 2 tiết đúng quy định của Bộ GD-ĐT và “dọa” (ngăm) nếu không tuân thủ sẽ lập tức cắt phụ cấp đứng lớp, nếu ông Trưởng phòng Tài vụ không thực hiện sẽ kỉ luật cá nhân trưởng phòng đầu tiên.

Và để “mở đường” cho các vị Hiệu trưởng vốn “say sưa” với công tác quản lý “thuần túy” đã “hơi bị” lâu có thể đã lãng quên kiến thức chuyên môn, ông Giám đốc còn “mở ngoặc”: có thể dạy môn gì cũng được, GDCD chẳng hạn, nhưng buộc phải đi dạy.

Thế là ông Hiệu trưởng trường THPT nọ, “thoát ly giảng dạy” đã gần mười năm, hôm nay cũng phải lò dò cắp cặp đến lớp như ai, nhìn có vẻ vừa buồn cười vừa “tội nghiệp”. Có vị vốn là giáo viên Toán, nay lại “chuyển môn” đi dạy GDCD. Dĩ nhiên là các vị có soạn giáo án hay không thì vẫn đang còn “trong vòng bí mật”, vì chẳng ai trong trường dám “sờ” đến hồ sơ của các vị cả, chỉ các vị mới có quyền kiểm tra người khác. Nhưng dù sao việc các ông đi dạy đã là quí lắm, là các ông đã “hi sinh”, “gương mẫu” lắm rồi.

Trước nông nỗi ấy, một nhà giáo “tức cảnh”: “phép vua thua lệ làng”, một ông khác “nối điêu”: “Bộ quy định 30 năm không bằng Sở ngăm một tiếng”!

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo về việc Hiệu trưởng các trường phổ thông ngoài thời gian dành cho công tác quản lý vẫn phải tham gia giảng dạy hai tiết mỗi tuần. Đó là quy định hợp lý vì hiệu trưởng có trực tiếp giảng dạy mới nắm chắc tình hình dạy và học của trường mình, từ đó làm tốt hơn công tác quản lý nhà trường.

Về nguyên tắc, mọi hiệu trưởng đều có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chủ trương này. Sở Giáo dục-Đào tạo cũng như Phòng Giáo dục-Đào tạo cũng có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quy định đó tại địa phương mình. Nếu hiệu trưởng nào không trực tiếp tham gia giảng dạy thì không những bị cắt phụ cấp đứng lớp mà còn cần xem xét tinh thần trách nhiệm và thái độ gương mẫu của người hiệu trưởng.

Nếu địa phương nào lơi lỏng trong công tác quản lý để cho nhiều hiệu trưởng tự ý bỏ công việc giảng dạy trực tiếp thì cán bộ lãnh đạo giáo dục cấp trên ở địa phương đó phải liên đới chịu trách nhiệm. Chỉ có như vậy mới củng cố được kỷ cương, nền nếp hoạt động trong ngành giáo dục, lập lại trật tự cần thiết của môi trường mô phạm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm