Cà Mau:

Bỏ ngoài sổ sách hơn 800 triệu mua xe biếu “sếp”: Có dấu hiệu hình sự?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ Phó văn phòng UBND huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) bỏ ngoài sổ sách hơn 800 triệu, Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng: “Nếu việc sử dụng số tiền không đúng quy định, vi phạm điều cấm của Luật Kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng là có dấu hiệu tội “Lập quỹ trái phép” hoặc “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Liên quan đến vụ Phó Văn phòng UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) bỏ ngoài sổ sách kế toán của đơn vị hơn 800 triệu đồng, mà Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau đã có kết luận sai phạm, PV Dân trí đã trao đổi với Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TPHCM) để làm rõ thêm có hay không dấu hiệu hình sự trong vụ việc này.

UBND huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau)- nơi có sai phạm khi để ngoài sổ sách kế toán hơn 800 triệu đồng.
UBND huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau)- nơi có sai phạm khi để ngoài sổ sách kế toán hơn 800 triệu đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau, ngày 18/6/2014, Công ty TNHH Lâm nghiệp Ngọc Hiển thanh toán cho ông Phan Văn Nam (Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Ngọc Hiển, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở) số tiền hơn 840 triệu đồng mà cả thủ quỹ và kế toán cơ quan không biết. Luật sư Hồ Nguyên Lễ khẳng định, khi nhận số tiền này, ông Nam không đăng nộp vào quỹ cơ quan mà tự quản lý và theo dõi chi, không thông qua hệ thống sổ kế toán của đơn vị là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Kế toán năm 2003 (nay là khoản 3, Điều 13, Luật Kế toán năm 2015).

Theo Luật sư Lễ, sự việc trên kéo dài từ tháng 6/2014 đến tháng 7/2016, ông Nam mới chuyển một số chứng từ cho kế toán Công đoàn cơ sở Văn phòng HĐND-UBND huyện Ngọc Hiển lập phiếu thu, chi là chuyển nhầm nơi có trách nhiệm quản lý số tiền trên. Điều đáng nói, ông này lại ghi lùi thời gian lập phiếu lại vào tháng 5/2014 là cố tình làm sai lệch vụ việc, là thiếu trung thực, cố tình đối phó với Đoàn Thanh tra.

Trong 2 năm đó, số tiền đã được sử dụng vào nhiều khoản chi công xen lẫn chi tư, nghiêm trọng hơn là dùng để cho cá nhân vay mượn 600 triệu đồng. “Hành động của ông Nam không thể không có sự “không biết” của lãnh đạo đơn vị, nên Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau xác định trong vụ việc sai phạm này có trách nhiệm của các vị lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển phải chịu trách nhiệm việc để cấp dưới để ngoài sổ sách kế toán của đơn vị số tiền hơn 840 triệu đồng là phù hợp theo Điều 7, Nghị định số 157/2007/NĐ-CP quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu”, Luật sư Lễ nêu rõ.

Theo đó, Điều 7, Nghị định số 157/2007/NĐ-CP quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu: Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, đơn vị; khi sử dụng các nguồn tài chính, các tài sản, trang thiết bị phải thực hiện đúng quy định của pháp luật; quản lý, kiểm tra thường xuyên, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất thoát; Điều 10. Những trường hợp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu: Khi phát hiện cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, người đứng đầu không có biện pháp kiên quyết để chấm dứt hành vi vi phạm đó và không kịp thời áp dụng biện pháp khắc phục có hiệu quả; không kiểm tra hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện; để cấp phó và cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý tham nhũng, lãng phí.

Luật sư Lễ nêu quan điểm, nếu việc sử dụng số tiền hơn 840 triệu đồng của cơ quan để vào các mục đích không đúng quy định, vi phạm điều cấm của Luật Kế toán và có sử dụng nguồn tiền đó gây hậu quả nghiêm trọng là có dấu hiệu tội “Lập quỹ trái phép” theo Điều 166 Bộ luật Hình sự; hoặc nếu không phải việc lập quỹ trái phép nhưng không đăng nộp 840 triệu đồng vào quỹ cơ quan mà tự quản lý, không thông qua hệ thống sổ kế toán của đơn vị là vi phạm Luật Kế toán nếu hậu quả gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên là có dấu hiệu vi phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Từ cơ sở pháp lý đã nêu trên, Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần phải xác định mức độ thiệt hại của vụ việc, để từ đó quyết định xử lý hành chính hoặc xác định có dấu hiệu hình sự để xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Trong vụ việc này, đơn cử như việc khắc phục hậu quả theo kết luận Thanh tra tỉnh là hóa giá 3 chiếc xe gắn máy sung vào ngân sách Nhà nước. Có thể làm một phép tính đơn giản, tại thời điểm mua 3 xe gắn máy cách đây vài năm tính trung bình mỗi chiếc là 30 triệu đồng (theo kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau là 3 chiếc hơn 96 triệu đồng-PV). Nay nếu hóa giá có thể cho mỗi chiếc được 10 triệu đồng chẳng hạn, vậy thì mất đi 20 triệu đồng (3 chiếc là mất 60 triệu đồng) là có thiệt hại hoặc thất thoát tiền Nhà nước.

Theo Luật sư Lễ, khi đã xác định cán bộ, công chức có vi phạm pháp luật thì không có hình thức rút kinh nghiệm mà phải xử lý theo các hình thức kỷ luật như: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc đúng quy định tại Điều 8, Nghị định 34/2011/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự.

Cũng theo Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa, thực tiễn cho thấy, người vi phạm biết mình làm trái với quy định của Nhà nước nhưng trước khi làm đã hỏi ý kiến cấp trên và được cấp trên đồng ý. Khi hậu quả của hành vi làm trái xảy ra, người vi phạm thường đổ lỗi cho cấp trên. Trong trường hợp này, người có hành vi làm trái phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, đồng thời cấp trên của họ cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về việc đồng ý cho cấp dưới thực hiện hành vi làm trái.

Bỏ ngoài sổ sách hơn 800 triệu mua xe biếu “sếp”: Có dấu hiệu hình sự? - 2
Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau kết luận: Việc bỏ ngoài sổ sách kế toán hơn 840 triệu đồng là trái quy định, trong đó có trách nhiệm của một số lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển.
Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau kết luận: Việc bỏ ngoài sổ sách kế toán hơn 840 triệu đồng là trái quy định, trong đó có trách nhiệm của một số lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển.

Như Dân trí phản ánh, theo kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau, ngày 18/6/2014, Công ty TNHH Lâm nghiệp Ngọc Hiển thanh toán cho ông Phan Văn Nam (Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Ngọc Hiển, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở) số tiền hơn 840 triệu đồng. Khi nhận số tiền này, ông Nam không đăng nộp vào quỹ cơ quan mà tự quản lý và theo dõi chi, không thông qua hệ thống sổ kế toán của đơn vị.

Sau đó, đến ngày 25/7/2016, ông Nam mới chuyển một số chứng từ cho kế toán Công đoàn cơ sở Văn phòng HĐND-UBND huyện Ngọc Hiển lập phiếu thu, chi. Điều đáng nói, ông này lại ghi lùi thời gian lập phiếu lại vào tháng 5/2014.

Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau chỉ rõ, với số tiền nói trên, ông Phan Văn Nam chi hỗ trợ cho công đoàn viên cơ quan 58 triệu đồng; chi nộp án phí thi hành án 13,6 triệu đồng; chi công tác phí, thuê phương tiện, ăn uống,… 65 triệu đồng; chi mua 3 xe máy 96 triệu đồng; cho ông Lê Văn Kháng (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện) vay mượn 600 triệu đồng.

Thanh tra tỉnh Cà Mau kết luận, việc ông Phan Văn Nam nhận số tiền hơn 840 triệu đồng nhưng không đăng nộp vào quỹ, tự quản lý theo dõi chi không thông qua sổ kế toán của đơn vị là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Khoản 3, Điều 13, Luật Kế toán năm 2003.

“Các khoản chi hỗ trợ công đoàn viên cơ quan, nộp án phí thi hành án với số tiền hơn 71,6 triệu đồng; khoản chi mua 3 xe gắn máy số tiền 96 triệu đồng; cho ông Lê Văn Kháng vay 600 triệu đồng; các khoản chi khác 65 triệu đồng;… là trái quy định vì sử dụng nguồn tiền để ngoài sổ sách kế toán”, kết luận của Thanh tra nêu rõ.

Theo Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau, trong vụ việc sai phạm này có trách nhiệm của các ông: Nguyễn Trường Giang (nguyên Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển), Lý Hoàng Tiến (Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển), Lê Văn Kháng (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển) vì đã thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến để cấp dưới để ngoài sổ sách kế toán của đơn vị số tiền hơn 840 triệu đồng.

Trong đó, ông Phan Văn Nam chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc để ngoài sổ kế toán của đơn vị số tiền nêu trên. Ngoài ra, ông Nam còn chịu trách nhiệm trong việc trực tiếp chi một số khoản không có chứng từ chứng minh số tiền 65 triệu đồng.

Mặc dù được xác định có trách nhiệm trong việc biết cấp dưới bỏ ngoài sổ kế toán và đồng ý chi khoản trái quy định trong số tiền hơn 800 triệu đồng, nhưng nhiều lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển chỉ bị kiến nghị kiểm điểm... rút kinh nghiệm.
Mặc dù được xác định có trách nhiệm trong việc biết cấp dưới bỏ ngoài sổ kế toán và đồng ý chi khoản trái quy định trong số tiền hơn 800 triệu đồng, nhưng nhiều lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển chỉ bị kiến nghị kiểm điểm... rút kinh nghiệm.

Mặc dù được xác định có biết số tiền hơn 840 triệu đồng bỏ ngoài sổ kế toán đơn vị và có khoản duyệt chi trái quy định, nhưng một số lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển chỉ bị đề nghị… rút kinh nghiệm.

Cụ thể, Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau kiến nghị các tổ chức, cá nhân theo phân cấp và thẩm quyền kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các ông: Nguyễn Trường Giang (nguyên Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển), Lý Hoàng Tiến (Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển đương nhiệm), Lê Văn Kháng (nguyên Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển) trong việc thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến để cấp dưới để ngoài sổ kế toán hơn 840 triệu đồng.

Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển kiểm điểm có hình thức xử lý đối với ông Phan Văn Nam (Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở) vì đã có những hành vi vi phạm trong việc để ngoài sổ kế toán của đơn vị số tiền hơn 840 triệu đồng và trực tiếp chi một số khoản không có chứng từ chứng minh số tiền 65 triệu đồng.

Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị thu hồi hơn 680 triệu đồng để ngoài sổ sách kế toán của đơn vị; kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển tổ chức hóa giá 3 chiếc xe máy nộp vào ngân sách Nhà nước.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Huỳnh Hải - Tuấn Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm