Kiên Giang:
Bỏ công khai hoang đất hàng chục năm, "chết sững" khi nhận quyết định thu hồi
(Dân trí) - Năm 1995, vợ chồng anh Lê Văn Bé (SN 1973) rời đất liền, vượt biển đến xã Gành Dầu - Phú Quốc (Kiên Giang) lập nghiệp biến 14.000m2 đất ven biển hoang hoá thành một trang trại “mini”. Thế nhưng, nay vợ chồng anh đang đứng trước nguy cơ không còn “cục đất chọi chim”.
Trở thành triệu phú từ bàn tay trắng
Đến thăm gia đình anh Lê Văn Bé và chị Phạm Phương Thuý (một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu đảo ngọc Phú Quốc) vào những ngày cận tết Giáp Ngọ với nhiều cảm xúc khó tả khi chứng kiến vườn rau, áo cá, hàng chục chuồng trại chăn nuôi các loài quý hiếm như: chồn hương, nhím, chó xoáy vằn Phú Quốc,…mà vợ chồng anh Bé bỏ công hơn 20 năm gây dựng. Đặc biệt là bãi biển sau nhà vợ chồng anh Bé đang ở, tuyệt đẹp.
Chị Phạm Phương Thuý bùi ngùi nhớ lại: “Cũng do hai vợ chồng nghèo khổ quá nên nắm tay nhau vượt đất liền ra huyện đảo xa xôi này lập nghiệp. Khi đến Bãi Dài, khu đất này hoang hoá, mênh mông, không bóng người,…nhưng hai vợ chồng đều thích vì có đất canh tác nên quyết định dựng nhà, bám đất lập nghiệp. Tuy nhiên thời gian này gian khổ lắm, sợ nhất là vào ban đêm, ngủ chẳng dám thắp đèn vì sợ bọn ác ôn biết có người ở, kéo đến trộm cướp, giết người,… Bởi vậy, lúc nào vợ chồng tui cũng làm một cái hầm bí mật. Khi nghe ngoài bãi biển xì xào tiếng người là xuống hầm trú ngay. Mỗi lần bọn chúng vào, bắt hết vật nuôi hoặc những thứ gì có giá trị,…Bọn chúng đi rồi vợ chồng chỉ biết an ủi nhau: “còn người còn của”, chứ chẳng biết làm gì khác hơn.”
Khoảng 1 tháng nửa vợ chồng anh Bé xuất chuồng 20 con chó xoáy Phú Quốc,...thu trên 120 triệu đồng
Theo chị Phương Thuý do hai vợ chồng đều “ham đất” nên vừa khi đặt chân lên mảnh đất Bãi Dài (lúc đó chưa có Ấp) hai vợ chồng chẳng ngại khổ cực, ra sức khai phá ngày đêm, don dẹp hết cỏ dại,… với diện tích trên 14.000m2 để canh tác. Khi có “đất sạch” hai vợ chồng anh Bé bắt đầu “phân lô”, khu nào đất tốt, vợ chồng anh trồng rau màu; khu nào đất kém hơn dùng để trồng cây lâu năm như dừa, mít, sầu riêng,… Riêng khu vực quanh nhà, vợ chồng anh Bé phân thành hai khu nhỏ dùng để nuôi gà vịt và xây chuồng trại nuôi chó xoáy Phú Quốc, chồn hương, nhím,…
Qua một năm, hai năm toàn bộ diện tích đất ven biển hoang hoá ngày nào đã thật sự “thay da đổi thịt” khi màu xanh của rau màu, cây trồng,… phủ kín hết mảnh đất. “Điều kiện đất đai ở đây không thuận lợi như đất liền, vì thế khi trồng được một cây gì đó là mừng lắm. Và hai vợ chồng tui đến giờ này không sao quên cái cảm giác được hái quầy dừa, mớ rau, bắt con cá,… mang ra chợ bán đầu tiên. Lúc đó hai vợ chồng mới cảm thấy hạnh phúc, có một đêm ngủ ngon vì thôi không còn trăn trở chuyện “trôi dạt” đến xứ người lập nghiệp nữa!”
Nhờ cách làm kinh tế hiệu quả,từ năm 2008 đến nay anh Bé luôn được nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi
Theo chị Thuý cho biết, riêng rau màu mỗi tháng gia đình chị có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng; tiền bán dừa từ 4 - 7 triệu đồng/tháng. Riêng việc bán con giống hoặt thịt các vật nuôi như nhím, chồn hương, gà vịt xiêm,… mỗi tháng đã hơn 30 triệu đồng. Đặc biệt, vợ chồng anh Bé đang sở hữu 10 con chó xoáy vằn đang đẻ đều đặn. Khoảng 1 tháng nữa, vợ chồng anh Bé xuất chuồng 20 con chó Phú Quốc con với giá trung bình khoảng 6 triệu đồng/con, tính ra anh Bé thu 120 triệu đồng chỉ sau 2,5 tháng bỏ công chăm sóc đàn chó con.
Đứng trước nguy cơ không còn “cục đất chọi chim”
Vợ chồng anh Bé dẫn chúng tôi đi thăm quan toàn bộ khu vườn, đến từng chuồng trại, tính tổng thu nhập hàng tháng gần cả 50 triệu đồng,… nhưng chẳng hiểu sao vợ chồng anh chị cứ buồn xoa. Đến khi chúng tôi gặng hỏi mới biết, toàn bộ diện tích đất của anh đang “vướng” qui hoạch của huyện Phú Quốc để làm Khu du lịch sinh thái, vợ chồng anh đứng trước nguy cơ mất hết đất canh tác.
Anh Bé bùi ngùi cho biết: “Bỏ công 20 năm khai phá, gìn giữ, chẳng biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của vợ chồng tui đổ xuống mảnh đất này,…bỗng chốc tay trắng. Vừa rồi chính quyền địa phương đã gửi thống báo nhận tiền đền bù lần, tuy nhiên yêu cầu đo diện tích đất của tôi địa phương chưa trả lời, chỗ ở mới gia đình tôi không có, nhà tái định cư cũng chẳng nghe cán bộ nói đến, chẳng biết thời gian tới vợ chồng tôi sẽ sống ra sao nếu như quyết định thu hồi đất còn nhiều khuất tất của huyện Phú Quốc được thực hiện”
Trước việc đền bù, giải toàn còn nhiều khuất tất trong dự án làm khu du lịch sinh thái của huyện Phú Quốc, vợ chồng anh Bé làm đơn gửi đến báo Dân trí kêu cứu
Theo vợ chồng anh Bé cho biết, năm 1995 vợ chồng anh đến mảnh đất này sinh sống (có xin giấy tạm trú của địa phương) và khai khẩn 14.488m2 ven biển để trồng dừa, sầu riêng và nhiều loại cây khác. Đến năm 2007 toàn bộ diện tích của anh Bé rơi vào qui hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái Bãi Dài nhưng vợ chồng anh Bé không được kê khai nguồn gốc đất cũng như diện tích, cơ quan chức năng làm sai nguồn gốc đất của vợ chồng anh và bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng. Vợ chồng anh Bé làm đơn khiếu nại đến UBND huyện Phú Quốc nhưng không được trả lời, nhưng qui hoạch bị treo lại.
Điều làm vợ chồng anh Bé bức xúc nhất là đến tháng 11/ 2013, UBND huyện Phú Quốc ra quyết định 5604/2013/QĐ - UBND thu hồi đất 621,30m2 đất của anh Bé, vị trí ranh giới đất xác định để thu hồi theo bảng trích đo ngày 28/3/2013. Nhưng biên bản đo vẽ diện tích đất thu hồi đến 4.666,8m2. Một điều lạ hơn nữa là trong bảng giá bồi thường diện tích đất tăng lên 13.861,4m2, tuy nhiên chỉ được bồi thường gần 600 triệu đồng, bao gồm đất, nhà cửa, cây trồng,...
Vợ chồng anh Bé lấy làm khó hiểu khi quyết định thu hồi chỉ có hơn 600m2, nhưng khi nhận tiền đền bù thì diện tích đất đến 13.861,4m2?
Theo vợ chồng anh Bé cho biết, nguyên nhân số tiền bồi thường bị giảm xuống so với năm 2007 là do chính quyền địa phương làm sai nguồn gốc đất cũng như diện tích đất mà vợ chồng anh khai phá từ năm 1995. “Tuy nhiên, điều làm vợ chồng tôi khó hiểu nhất là 3 con số về diện tích đất thu hồi trong quyết định, bảng đo vẽ thu hồi, diện tích đất được đền bù hoàn toàn không trùng khớp với nhau. Phải chăng chính quyền địa phương đang “ưu ái” cho vợ chồng tôi khi UBND huyện Phú Quốc quyết định thu hồi hơn 621,30m2 nhưng ban đền phù giải phóng mặt bằng “rộng rãi” bồi thường cho tôi đến 13.861,4m2?. Anh Lê Văn Bé bức xúc đặt vấn đề.
Riêng chị Phương Thuý cho biết thêm: “Nhiều bà con ở đây bỏ quê, đất liền ra đây khai khẩn, sinh sống. Vì bảo vệ đất, trước bọn ác ôn đã không ít người nằm xuống, nay bà con vướng qui hoạch này, bà con mất nhà, mất đất khổ sở lắm! Riêng vợ chồng tôi chỉ biết bám vào đất sinh sống hơn 20 năm qua, nếu nay mất đất hết rồi lấy chi đâu mà cày cấy, chăn nuôi,…khổ hơn nữa là không còn có cả nơi để ở”.
Nguyễn Hành