Bình Định: Dân tố nguyên chủ tịch xã cậy quyền chiếm đất dân khai hoang

(Dân trí) - Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định), nhiều lần gõ cửa các ngành chức năng yêu cầu xử lý nguyên chủ tịch xã này lợi dụng quyền thế, chiếm đất do người dân khai hoang khiến người dân bức xúc.


Theo đơn tố cáo, 12 hộ dân ở thôn Lộc Giang và Tân Thành (xã Ân Tường Ðông, huyện Hoài Ân) cho rằng ông Nguyễn Văn Sửu - nguyên Chủ tịch UBND xã Ân Tường - nay là hai xã Ân Tường Ðông và Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) lợi dụng quyền thế, hợp thức hóa giấy tờ để chiếm khoảng 5 ha đất do dân khai hoang cách đây cả 30 năm của người dân.

Chủ tịch tự làm đơn xin đất rồi tự đóng dấu?

Theo trình bày của 12 hộ dân ở thôn Lộc Giang và Tân Thành: Từ những năm 1983, do thiếu đất sản xuất nên họ cùng nhau khai hoang ruộng đất khoảng 5 ha đất tục danh Gò Trọc, ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường - nay thuộc khoảnh 1, tiểu khu 139B (thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông) để trồng trọt, sản xuất cải thiện đời sống kinh tế. Đến năm 1994, khi Nhà nước triển khai chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, ông Nguyễn Văn Sửu, lúc này đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Ân Tường và một số cán bộ đang công tác tại xã Ân Tường làm thủ tục đề nghị UBND huyện Hoài Ân giao đất tại khu vực Gò Trọc để trồng rừng.

Ông Ngữa bức xúc trình bày sự việc với PV báo Dân trí.
Ông Ngữa bức xúc trình bày sự việc với PV báo Dân trí.

Ngày 8/8/1994, UBND huyện Hoài Ân ban hành quyết định giao đất cho ông Sửu và 3 người khác sử dụng toàn bộ diện tích đất người dân đã khai hoang, đang canh tác trồng mì, mít, chuối… mà không hề có quyết định thu hồi, cũng như bất cứ khoản bồi thường nào.

Ông Trần Văn Ngữa, một trong số 12 hộ dân bức xúc: “Nghèo quá không có đất canh tác phải khai hoang để cải thiện cuộc sống nhưng ông Sửu lợi dụng chức quyền, cùng một số người làm thủ tục lấy đất mà chúng tôi vất vả khai hoang bấy lâu nay. Lúc đó, ông đang còn giữ chức vụ chủ tịch UBND xã Ân Tường đến từng nhà thông báo miệng yêu cầu các hộ đang sử dụng đất thu dọn cây cối, hoa màu trên đất để UBND huyện Hoài Ân và xã Ân Tường thu hồi đất thực hiện chủ trương, chính sách Nhà nước về dụng đất trống, đồi núi trọc. Cứ nghĩ chủ trường của Nhà nước chúng tôi nào có ý kiến gì. Thế nhưng, trồng rừng được một thời gian, ông Sửu và những người được giao đất sang nhượng đất rừng để tư lợi cá nhân. Khi vỡ lẽ, chúng tôi bức xúc khiếu nại lên các cơ quan chức năng xã huyện nhưng chưa được giải quyết thấu tình đạt lý. Nay người dân chúng tôi tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn để đòi lại quyền lợi cho những người dân thấp cổ bé họng”.

Ông Ngữa bức xúc trình bày sự việc với PV báo Dân trí.
Người dân bức xúc cho rằng ông Sửu là chủ tịch nhưng tự viết đơn, tự ký phê duyệt là sai nguyên tắc.

Oái oăm là trường hợp ông Huỳnh Nhật Lợi (thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông) cũng bị ông Sửu lấy đất đưa vào trồng rừng dự án. Theo ông Lợi trình bày: Năm 2003, ông Sửu có ra quyết định lấy 750m2 đất rẫy tục sanh Gò Me, đất có Quyết định giao đất lâm nghiệp huyện đưa vào đất trồng rừng dự án. Năm 2009, Ban quản lý rừng giải thể, trả lại đất cho người sở hữu cũ. Thế nhưng, ông Sửu không trả lại cho ông và nhiều người khác. Riêng diện tích đất của gia đình ông bị ông Sửu lấy chuyển nhượng cho con rể sử dụng. “Tôi đã gửi đơn khiếu nại lên UBND xã Ân Tường Đông giải quyết nhưng không kết quả. Tôi tiếp tục gửi lên TAND huyện Hoài Ân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông Sửu đã ăn trên mồ hôi, nước mắt của chúng tôi…”, ông Lợi bức xúc.

Điều mà các hộ dân bức xúc cho biết, khi còn đương chức chủ tịch xã Ân Tương, ông Sửu tự làm đơn xin cấp đất, rồi tự ký, đóng dấu phê duyệt quyết định. 

Chính quyền lúng túng

Sau khi 12 hộ dân có đơn khiếu nại đối với ông Sửu, các ngành chức năng của huyện Hoài Ân và UBND xã Ân Tường Đông đã thành lập Tổ công tác xác minh, thẩm tra, giải quyết. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng tình với quyết định của ngành chức năng huyện nên tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên ngành chức năng cấp cao.

Ông Trần Hữu Lợi - Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, cho rằng: Việc ông Sửu trồng rừng không hiệu quả, sau đó ông Sửu chuyển nhượng cho ông Ái (em ruột) là đúng pháp luật. Bởi ông Sửu có quyết định của UBND huyện Hoài Ân giao đất để trồng rừng . Vì vậy, các hộ dân không có giấy tờ hợp pháp nên yêu cầu đòi lại đất và hỗ trợ công khai hoang là không có cơ sở.

Đại diện các hộ dân mong muốn các ngành chức năng sớm xử lý dứt điểm vụ việc.
Đại diện các hộ dân mong muốn các ngành chức năng sớm xử lý dứt điểm vụ việc.

Ông Lợi nói thêm: Về mặt địa phương chỉ can thiệp ở việc hòa giải, đồng thời chúng tôi cũng hướng ông Sửu hỗ trợ một phần tiền công khai hoang cho người dân. Tuy nhiên, giữa hai bên không đi đến thỏa thuận chung nên sự việc kéo dài đến nay.

Sau đó, các hộ dân đưa vụ việc đến TAND huyện Hoài Ân nhưng vẫn không đạt kết quả. Ngày 15/1/2015, UBND huyện Hoài Ân ban hành Quyết định số 27/QĐ-UBND không công nhận nội dung đơn khiếu nại của 12 hộ dân. Bởi diện tích đất 4 ha tại Gò Trọc đã được UBND huyện Hoài Ân giao cho ông Sửu để sản xuất lâm nghiệp. Ông Sửu sử dụng ổn định, đúng mục đích tại thời điểm được giao đất mà không có người dân nào phản đối.

Ông Ngữa đứng trên mảnh đất mà ông đã đổ mồ hôi, nước mắt khai hoang nhưng bị ông Sửu bi
Ông Ngữa đứng trên mảnh đất mà ông đã đổ mồ hôi, nước mắt khai hoang nhưng bị ông Sửu "biến hóa" làm dự án.

Bức xúc không để cho cán bộ cậy quyền lộng hành, các hộ dân tiếp tục gửi đơn lên ngành chức năng đề nghị giải quyết. Đồng thời, không cho ông Ái trồng rừng trên diện tích đất đang tranh chấp. “Bây giờ chúng tôi không cần hỗ trợ bất cứ một đồng nào nữa, một là đòi lại đất chứ chúng tôi không cần tiền. 12 hộ dân chúng tôi chỉ mong các cấp, ngành chức năng xử lý công bằng, minh bạch…”, ông Ngữa bức xúc nói.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Duy Tánh - Phó Chánh thanh tra huyện Hoài Ân cũng cho rằng sự việc đang phức tạp. Việc khiếu nại là quyền công dân nhưng phải kiện cho đúng. Chúng tôi rất thông cảm cho người dân bởi suy cho cùng họ bỏ công sức khai hoang nhưng giờ không được canh tác. Sau khi nhận đơn khiếu nại của dân, chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra về kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, không có cơ sở xử lý bởi diện tích đất này đã được UBND huyện Hoài Ân ký quyết định giao cho ông Sửu. Hiện sự việc có thêm tình tiết mới không thuộc thẩm quyền của chúng tôi mà được công an huyện thụ lý tranh chấp đất giữa người dân và người được giao đất.

Doãn Công