Bình Định: Ẩn họa những ngôi nhà “treo” lưng chừng núi

(Dân trí) - Đã mấy chục năm qua, 24 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) bất chấp tính mạng dựng nhà chênh vênh giữa lưng chừng núi Gành để bám trụ mưu sinh.

Đã mấy chục năm qua, 24 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) bất chấp tính mạng dựng nhà chênh vênh giữa lưng chừng núi Gành để bám trụ mưu sinh.

Đánh cược tính mạng

Đến hẹn lại lên, khi mùa mưa bão đang đến gần, 24 hộ dân với trên 100 nhân khẩu ở làng Đức Phổ 1 lại thấp thỏm lo sợ vì nguy cơ sạt lở, đất đá đè sập nhà cửa, thậm chí đe dọa đến tính mạng người dân nơi đây.

 


Hơn 24 hộ dân thôn Đức Phổ 1 nơm nớp lo sạt lở đất đá đè sập nhà khi mùa mưa bão đang cận kề

Hơn 24 hộ dân thôn Đức Phổ 1 nơm nớp lo sạt lở đất đá đè sập nhà khi mùa mưa bão đang cận kề

Theo lời trưởng thôn Đức Phổ 1, ông Nguyễn Thái Bình, cho biết: Hiện tại núi Gành có 24 hộ dân với trên 100 nhân khẩu sinh sống; có những ngôi nhà được dựng lên triền núi từ những năm 1980. Nhà cao nhất trên núi cách đường gần 100 mét phải đi bộ lên những bậc thang đá nguy hiểm. Cách đây mấy năm khi xảy ra mưa lớn gây sạt lở, đá lăn xuống đè sập nhà làm một người dân chết. Hàng năm, khi mùa mua bão đến chính quyền địa phương lại tập trung di dời dân đến nơi an toàn.

Đúng như lời bác trưởng thôn Đức Phổ 1, núi Gành có hàng chục nóc nhà tọa lạc chênh vênh trên lưng chừng núi. Do nhà “treo” lơ lửng trên triền núi nên người dân phải để xe dưới chân núi rồi đi bộ men theo những con đường mòn nhỏ xíu, dốc đá hiểm trở mới lên được nhà. Sau mỗi ngày làm việc vất vả họ phải gắng lê từng bước chân mệt nhọc để lên từng con dốc đá hiểm trở mới về “tổ ấm” nghỉ ngơi.

Trong ngôi nhà cấp 4 cất trên 20 năm trên núi Gành, ông Huỳnh Văn Thông (thôn Đức Phổ 1), thở dài: “Do ở dưới thì không có đất nên đành liều lên núi cất nhà ở. Tôi ở đây đã 20 năm, đất nhà có sổ đỏ. Mấy năm trước, nghe nói có khu tái định cư di dời người dân đi nhưng đến giờ chưa thấy động tĩnh gì cả. Hàng năm cứ đến mùa mưa bão, gia đình tôi phải di dời ra khỏi nhà vì sợ sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng”.

 

Ông Thông chỉ nơi một người dân trong thôn bị sạt đất đá đè sập nhà tử vong
Ông Thông chỉ nơi một người dân trong thôn bị sạt đất đá đè sập nhà tử vong

Ông Nguyễn Thái Bình- Trưởng thôn Đức Phổ 1 cho biết thêm: Đa phần người dân ở đây đều là người lao động nghèo, cuộc sống khó khăn. Năm 2010, để tránh nguy hiểm cho người dân, nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng mỗi hộ cho di dời, bố trí đất ở ngoài vùng đất cồn Năm Ông (xã Cát Minh) nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện được. Đã 4 năm nay, cứ đến mùa mưa bão tôi lại phải vượt núi đồi dốc cao để vận động người dân di dời khỏi núi Gành nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Không di dời vì hỗ trợ thấp

Nỗi lo sạt lở đất, đá của 24 hộ dân sống tại khu vực núi Gành vẫn đeo bám dai dẳng hàng chục năm nay. Tuy nhiên, người dân quyết bám trụ bất chấp hiểm nguy vì lý do kinh phí hỗ trợ thấp, không đủ công tháo dỡ, vận chuyển vật liệu đến nơi ở mới. “Tiền hỗ trợ di dời cho người dân quá ít, không đủ tiền vận chuyển vật liệu cũ đến chỗ mới nói gì đến xây dựng nhà mới. Hơn nữa, KTC mà xã bố trí cũng ở cạnh đầm, đất sụt lún, mưa gió cũng nguy hiểm không kém”, ông Trần Minh Trung chia sẻ.

 

Bình Định: Ẩn họa những ngôi nhà “treo” lưng chừng núi - 3

 

Đường mòn hut hút hiểm trở lên núi để vào nhà
Đường mòn hut hút hiểm trở lên núi để vào nhà

Theo ông Võ Văn Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, cho biết: 24 hộ dân sinh sống ở khu vực núi Gành hoặc lưng chừng núi rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão. Nhiều lần địa phương đề nghị nhiều lần lên cấp trên về việc làm khu TĐC cho người dân nhưng chưa có vốn nên chưa triển khai được.

Ông Hoàng Xuân Bình - Phó chi cục trưởng - Chi cụ phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định khẳng định: Từ năm 2005 ngành chức năng tỉnh đã phối hợp với địa phương vận động di dời người dân khỏi khu vực núi Gành nhưng người dân không chịu đi vì kinh phí hỗ trợ thấp. Hiện tại, chính sách Trung ương hỗ trợ di dời là 20 triệu đồng/hộ nhưng người dân vẫn chê mức hỗ trợ ít quá không đủ để họ dân xây dựng nhà kiên cố ở. Hơn nữa, địa phương thiếu quỹ đất nên chưa bố trí khu TĐC riêng cho các hộ dân.

 


Việc đi lại học tập của con em học sinh nơi đây cũng gặp khó khăn và cả hiểm nguy

Việc đi lại học tập của con em học sinh nơi đây cũng gặp khó khăn và cả hiểm nguy

Hiện nay, mùa mưa bão đang đến gần và mối nguy hại sạt lở đất, đá đè sập nhà cửa đang trở thành nỗi lo thường trực với người dân đang sống ở lưng chừng núi Gành.

Doãn Công