BIDV Hải Dương bị “tố” ban hành quyết định thu giữ tài sản trái luật

(Dân trí) - Bỏ qua thủ tục định giá và thông báo trình tự xử lý tài sản đảm bảo cho khoản tín dụng quá hạn của Công ty thép Vạn Lợi tại ngân hàng, BIDV Hải Dương đã ra Quyết định thu giữ tài sản khiến doanh nghiệp lên tiếng “tố” BIDV thu giữ trái luật.

Nhà máy của Công ty thép Vạn Lợi đang tạm dừng hoạt động do khó khăn chung của nền kinh tế
Nhà máy của Công ty thép Vạn Lợi đang tạm dừng hoạt động do khó khăn chung của nền kinh tế
 
Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh thép Vạn Lợi (gọi là Công ty thép Vạn Lợi) đang cầm cố, thế chấp tài sản để vay vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hải Dương từ năm 2008. Hiện tại, khoản nợ gần 242 tỷ đồng của Công ty thép Vạn Lợi đã quá hạn tại Ngân hàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhà máy thép đã dừng sản xuất nhiều tháng, Công ty không còn nguồn thu nào để trả gốc và lãi cho ngân hàng.

Ngày 18/9/2013, Công ty thép Vạn Lợi nhận được công văn số 277-2013/QĐ - QLRR của BIDV Hải Dương.Theo đó, BIDV Hải Dương quyết định thu giữ tài sản của Công ty thép Vạn Lợi. Cùng với việc gửi công văn cho Công ty thép Vạn Lợi, BIDV Hải Dương còn gửi UBND tỉnh Hải Dương, BIDV Trung ương, Công an tỉnh Hải Dương, UBND huyện Bình Giang, Viện KSND huyện Bình Giang, Công an huyện Bình Giang, UBND xã Hưng Thịnh để hỗ trợ thực hiện.

Nhận được công văn thông báo việc thu giữ tài sản của BIDV Hải Dương, Công ty thép Vạn Lợi đã có những phản ứng gay gắt. Về mặt pháp lý, Công ty thép Vạn Lợi cho rằng Công ty không có cơ sở pháp lý nào để bàn giao tài sản cho BIDV theo nội dung nêu tại Quyết định số 277-2013/QĐ - QLRR của BIDV Hải Dương do Phó Giám đốc Đoàn Văn Công ký. Đối chiếu với các quy định của Luật và thỏa thuận của Vạn Lợi với BIDV Hải Dương thì không có nội dung nào khẳng định BIDV Hải Dương được thu giữ tài sản của Công ty thép Vạn Lợi.
 
Đại diện Công ty thép Vạn Lợi cho rằng việc BIDV Hải Dương đơn
Đại diện Công ty thép Vạn Lợi cho rằng việc BIDV Hải Dương đơn
 phương ra quyết định thu giữ tài sản là trái quy định pháp luật

Biện pháp thu giữ tài sản là biện một trong những chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật, có thể ảnh hưởng tới nhiều cá nhân và tổ chức.... Vì vậy, biện pháp này trong hệ thống pháp luật Việt nam chỉ được trao cho một số cơ quan nhà nước tiến hành. Việc tiến hành cũng phải tuân theo những trình tự, thủ tục mang tính luật định rõ ràng và minh bạch. BIDV Hải Dương chỉ là một doanh nghiệp nên việc ban hành quyết định của BIDV là không phù hợp quy định pháp luật.

Cơ sở để BIDV Hải Dương căn cứ ra quyết định thu giữ tài sản chủ yếu nằm ở mục 2.3 Điều 8 quy định về xử lý tài sản thế chấp quy định tại Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 31/12/2008 giữa BIDV Hải Dương và Công ty thép Vạn Lợi. Tuy nhiên, Công ty thép Vạn Lợi cho rằng, việc ủy quyền không hủy ngang cho ngân hàng đứng chủ bán tài sản thế chấp để trả nợ ngân hàng không đồng nhất với việc Vạn Lợi giao tài sản cho ngân hàng, không đồng nghĩa là ngân hàng có quyền thu hồi tài sản.

Công ty thép Vạn Lợi đồng ý trao quyền cho BIDV Hải Dương quyết định giá bán tài sản thế chấp, nhưng đến thời điểm này Công ty thép Vạn Lợi chưa nhận được bất cứ thông báo, hoặc quyết định nào của BIDV Hải Dương gửi để thông báo việc định giá bán tài sản.

Từ ý kiến trên, Công ty thép Vạn Lợi đề nghị BIDV Hải Dương thu hồi lại Quyết định số 277-2013/QĐ - QLRR của BIDV Hải Dương. Tại buổi làm việc diễn ra tại trụ sở nhà máy thép Vạn Lợi ngày 20/9/2013, Công ty thép Vạn Lợi và BIDV Hải Dương đã đưa ra những quan điểm liên quan đến việc thu giữ, xử lý số tài sản đảm bảo cho khoản vay tại BIDV Hải Dương.
 
Tại buổi làm việc ngày 20/9/2013, Công ty Vạn Lợi đề nghị BIDV Hải Dương
Tại buổi làm việc ngày 20/9/2013, Công ty Vạn Lợi đề nghị BIDV Hải Dương làm rõ những vấn đề liên quan đến việc xử lý tài sản sau khi thu giữ

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc BIDV Hải Dương khẳng định việc ngân hàng ra quyết định thu giữ tài sản số 277-2013/QĐ - QLRR hoàn toàn đúng và phù hợp quy định pháp luật. Mọi vấn đề trì hoãn việc bàn giao, xử lý tài sản đảm bảo của Công ty thép Vạn Lợi đưa ra đều không được chấp nhận, bởi số tiền Công ty thép Vạn Lợi đang nợ tại ngân hàng cả gốc và lãi đã lên đến gần 242 tỷ đồng, từ lâu Công ty đã hết khả năng thanh toán. Vì vậy, BIDV Hải Dương yêu cầu Công ty thép Vạn Lợi thực hiện nghiêm túc các hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Về phía Công ty thép Vạn Lợi, đại diện Công ty đề nghị BIDV Hải Dương làm rõ 4 vấn đề trước khi tiến hành thu giữ, xử lý tài sản, bao gồm: Tài sản đảm bảo sẽ được xử lý theo phương thức nào? Doanh nghiệp tự bán, ngân hàng đứng ra bán hai 2 bên cùng đứng ra bán? Tổ chức nào đứng ra thẩm định giá tài sản đảm bảo? Phương thức bán tài sản có qua tổ chức bán đấu giá hay không? Xử lý đối với tài sản chưa thế chấp (diện tích đất, các hạng mục ngoài nhà máy) và diện tích đất cho phần dự án chưa tiến hành đầu tư nằm trong tổng thể nhà máy như thế nào?.

Nhưng kể từ ngày 20/9/2013 đến nay, BIDV Hải Dương chưa có văn bản trả lời chính thức nào về những nội dung đề nghị của Công ty thep Vạn Lợi liên quan đến trình tự thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo là toàn bộ máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất silicol mangan và tài sản gắn liền với đất (nằm trên diện tích nhà máy rộng 3ha/20ha đất dự án Công ty thép Vạn Lợi đang quản lý).
 
Chưa trả lời thắc mắc của doanh nghiệp, BIDV vẫn ra quyết định thu giữ
Chưa trả lời thắc mắc của doanh nghiệp, BIDV vẫn ra quyết định thu giữ

Trong lúc chưa có câu trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp, ngày 11/10/2013, BIDV Hải Dương tiếp tục ban hành Quyết định số 280.2013/QĐ-QLRR của BIDV về việc thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty thép Vạn Lợi với nội dung và hình thức không khác Quyết định số 277-2013/QĐ-QLRR ngày 11/9/2013, mà 2 bên không tìm ra quan điểm thống nhất.

Trong đơn kiến nghị gửi đến báo Dân trí và các cơ quan chức năng, Công ty thép Vạn Lợi mong muốn được làm việc trực tiếp với BIDV Hải Dương tìm giải pháp đưa nhà máy hoạt động trở lại. Trong trường hợp buộc phải xử lý tài sản đảm bảo, Công ty thép Vạn Lợi đề nghị 2 bên phải tìm ra sự đồng thuận, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên trên tinh thần biên bản làm việc ngày 20/9/2013.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm