Quảng Ninh:
Bị tung tin đồn bôi nhọ kéo dài, một công dân gửi đơn kêu cứu
(Dân trí) - Cho rằng uy tín cá nhân đang bị một số đối tượng bôi nhọ, làm ảnh hưởng lớn đến công việc cũng như cuộc sống gia đình, ông Phạm Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Hải 27/7 đã gửi đơn kêu cứu đến báo Dân trí và các cơ quan chức năng.
Nội dung đơn kêu cứu gửi báo Dân trí của ông Phạm Văn Toàn, trú quán tại Thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong suốt 3 năm qua, ông phải sống trong luồng dư luận đồn thổi ông là tội phạm hình sự đang bị Bộ Công an theo dõi. Thông tin đó được một số đối tác, chính quyền địa phương nơi ông làm việc và sinh sống như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương “xầm xì to nhỏ”, khiến công việc làm ăn của ông gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh chung của Công ty.
Để thoát ra khỏi áp lực không đáng có đến từ những tin đồn ác ý, tháng 10/2013, ông Toàn đã rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Đông Hải 27/7 (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), quay trở về với cuộc sống bình dị. Tuy nhiên, những tin đồn nhằm mục đích bôi nhọ danh dự cá nhân vẫn tiếp diễn buộc ông phải viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng đề nghị điều tra, làm rõ những đối tượng tung tin đồn thất thiệt, sớm trả lại danh dự cho cá nhân ông Toàn và gia đình.
Trái ngược với tin đồn thất thiệt xuất hiện thời gian qua, trong quá trình xác minh đơn kêu cứu của ông Phạm Văn Toàn, phóng viên đã ghi nhận được nhiều ý kiến đánh giá của các cơ quan chức năng về những hoạt động từ thiện ông Toàn từng tham gia giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ly, ở thôn Đình Sơn, xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương nằm trong số những trường hợp khó khăn được ông Phạm Văn Toàn và Công ty Đông Hải 27/7 tặng căn nhà tình thương. Bà Ly cho biết: Qua những lần tiếp xúc, tôi nhận thấy ông Toàn là người phúc hậu, gần gũi. Với một người luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Về việc một nhóm đối tượng tung tin đồn thất thiệt nhằm bôi nhọ danh dự của ông Phạm Văn Toàn, Theo Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Bộ Luật Dân sự năm 2005 đã quy định tất cả các quyền dân sự của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ (Điều 9), trong đó cá nhân được tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 37). Bộ luật dân sự cũng quy định, khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại. Cụ thể người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ; e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”. Với những điều kiện nhất định, những hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng có thể cấu thành hai tội: Tội vu khống và tội làm nhục người khác được quy định tại Bộ luật hình sự. Như vậy, đầu tiên ông Phạm Văn Toàn cần khai báo với chính quyền, công an, cơ quan đoàn thể về vụ việc nói trên nhằm làm rõ vụ việc và ông Toàn hoàn toàn có thể tố cáo người có hành vi vu khống người khác. Vấn đề là phải xác định được đối tượng đã thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm đó. |
Ban Bạn đọc