Bi kịch trong học hành và thi cử

Áp lực mùa thi năm nay còn những chuyện đáng suy nghĩ: nào hai cháu học sinh tự vẫn vì làm bài thi không tốt (Kì thi tốt nghiệp THPT); nào mới thi xong môn thi đại học đầu tiên, một số thí sinh đã ngất xỉu, nôn ra máu...

Nguyên nhân thì ai cũng biết: các cháu chịu áp lực nhiều quá trong cái sự học, không chỉ các năm cuối cấp, mà gần như từ năm học mẫu giáo đến suốt tuổi học trò. Ai gây áp lực? Người phải kể đến đầu tiên chính là cha mẹ các cháu. Động cơ của các bậc cha mẹ hầu hết đều xuất phát từ ham muốn con mình phải đua chen được với con thiên hạ, phải "không được kém anh kém em". Động cơ thực ra rất "chính đáng" đó đã vô tình tạo nên những áp lực ngày càng nặng nề, căng thẳng đối với sự học của con trẻ!

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nhưng cần xét nguyên nhân từ đâu, dẫn đến việc các bậc làm cha làm mẹ thời nay lại có động cơ ấy? Nói một cách thật công bằng, chính quan niệm và cách thức lựa chọn cán bộ, đề bạt cán bộ,… của chúng ta từ nhiều năm nay, là nguyên nhân trực tiếp nhất! Đó là quan niệm dựa quá nhiều vào "bằng cấp". Chúng ta đều biết, "chủ nghĩa bằng cấp" có tác dụng tích cực vì nó thúc đẩy nhu cầu học tập của xã hội. Nhưng ngược lại, ở một khía cạnh khác, nó cũng góp phần tác hại không nhỏ đến công việc lựa chon nhân tài thực sự. Thực tế chứng minh rằng, người có bằng cấp (kể cả bằng thật!), chưa hẳn đã là người thực tài. Ngược lại người thực tài nhiều khi lại không hề có bằng cấp. Những thí dụ về luận điểm này có ở khắp mọi thời đại. Nhắc lại điều đó, ai cũng nói "biết rồi"; nhưng nói mãi, nói đi nói lại, vẫn còn rất nhiều người "không chịu nghe"!

Hệ quả tai hại của "chủ nghĩa bằng cấp" tại các công sở là nạn "học giả bằng thật – học giả bằng giả"; không có bằng giả thì bầy trò khai man, có trường hợp chưa học hết cấp hai bổ túc vẫn làm tới chức "quan chánh phó sở đầu tỉnh", ấy là nhờ tài khai man lý lịch – Lẽ đương nhiên sự khai man này đều được những người có trách nhiệm bao lót hoặc trợ giúp đắc lực!  

Bây giờ bậc phụ huynh nào cũng thường mắng mỏ con em: " Mày mà không chịu học hành cho tử tế, thì rồi chỉ có đi gánh gạch, đi hót rác". Thậm chí: "Không học thì chỉ có đi ăn mày!". Đó là vì các vị phụ huynh đã "học" được những điều đó ngay chính trong thực tế cuộc đời mình nơi công sở! Chúng ta gọi đó là những "kinh nghiệm sống" và, với trách nhiệm của bậc "sinh thành", chúng ta muốn truyền thụ lại kinh nghiệm đó cho lớp trẻ!

Thế là "hết ngày dài lại đêm thâu", người lớn chúng ta đã liên tục nhồi nhét vào cái bộ não bé bỏng, ngây thơ,… của con trẻ toàn những điều đe dọa khủng khiếp, những viễn cảnh hãi hùng về tương lai!.. Mà đáng ra chúng chỉ nên nhìn đời bằng đôi mắt long lanh trong sáng đầy hy vọng và tin tưởng!

"Có rất nhiều con đường" để lập thân, để "vào đời", Thực tế ấy ai trong những người lớn tuổi chúng ta cũng đều ít nhiều trải nghiệm. Cũng không phải hễ không có bằng đại học thì không còn cách nào sống, không còn "chỗ đứng" trong xã hội và cuộc đời sẽ rơi xuống bùn đen?!. Chúng ta cứ nhìn ngay vào lớp bạn đồng môn của mỗi chúng ta thì rõ. Có anh học hành chả ra gì, mà vào đời rất suôn sẻ, thậm chí còn thành đạt nữa! Có chị học rất giỏi, luôn luôn được thầy giáo nêu gương, ấy vậy mà vào đời vô cùng lân đận. Ở đây có vấn đề "cá tính", "quan điểm sống" và, cũng không nên lảng tránh, có cả điều này: sự may mắn của số phận nữa - "May hơn khôn", các cụ vẫn thường nói đấy thôi!

Đã đến lúc, phải lên án mạnh mẽ "lối học khoa cử" - một lối học đã bị phê phán từ nhiều đời nay. Phải lên án và thay đổi ngay cách thức "dụng người", đánh giá người từ mảnh giấy văn bằng mà anh ta có. Hãy trọng người tài, nhưng đầu tiên là hãy biết đâu là người thực tài. Xét "tài" qua văn bằng là cách xét đơn giản và dễ bị mắc lừa nhất! Đó là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước mắt là của những người làm công tác "nhân sự", cấp này hay cấp nọ; nơi này hoặc nơi kia!..  

Trần Huy Thuận (Nam Định)

LTS Dân trí - Điều gì tạo nên áp lực không bình thường đối với việc học hành và thi cử? Tác giả viết bài trên đây đóng góp một số ý kiến phân tích nguyên nhân từ phía gia đình, xã hội, nhất là “lối học khoa cử” vẫn còn tồn tại phổ biến trong xã hội ta.

Lẽ ra một nền giáo dục phát triển lành mạnh thì phải tạo ra sự hứng thú học tập đối với người học; hứng thú tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ, lý thú của các môn học… và những dịp thi cử trở thành ngày hội thi tài, thử sức đối với mỗi thí sinh. Tiếc rằng nền giáo dục của chúng ta chưa làm được điều đó. Chính vì vậy mà đa số học sinh đến trường cũng như tham gia các cuộc thi cử hầu như thiếu tính tự nguyện mà do sự thúc ép của bố mẹ. Điều đó mặc nhiên tạo ra những áp lực không đáng có. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm