"Bệnh viện tuyến cuối còn thiếu vật tư, tuyến tỉnh đã là gì"

PV

(Dân trí) - "Tình trạng thiếu vật tư vẫn xảy ra, thậm chí với bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai. Tuyến cuối còn thế, tuyến tỉnh đã là gì?", độc giả Dân trí đặt vấn đề.

Như Dân trí đã thông tin, tháng 8 vừa qua, ông N.V.N. (59 tuổi) được Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, chẩn đoán sỏi thận 2 bên và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Ông N. có bảo hiểm y tế (BHYT) 100%, thuộc diện cựu chiến binh.

Theo chị M. (con gái ông N.), trước ngày bố phẫu thuật, chị được đưa một danh sách dài vật tư y tế và phải tự mua ở nhà thuốc tư nhân ngoài bệnh viện. Một tuần sau, ông N. đi tái khám thì được thông báo phải tiếp tục mổ để điều trị dứt điểm sỏi thận.

Giống lần trước, chị M. phải tự sắm hàng loạt đồ dùng cho bố, thậm chí bao gồm cả ga trải giường. Theo người này, tổng cộng tiền dụng cụ phẫu thuật tự mua ở ngoài khoảng 12 triệu đồng và toàn bộ không có hóa đơn, không nằm trong danh sách vật tư được kê khai để hưởng chế độ BHYT.

Bệnh viện tuyến cuối còn thiếu vật tư, tuyến tỉnh đã là gì - 1

Người nhà một bệnh nhân phải tự ra ngoài mua găng tay, băng keo lụa, dây truyền... vì bệnh viện tuyến tỉnh thiếu vật tư y tế (Ảnh: Gia đình cung cấp).

"Chưa thấy BHYT mang lại điều gì, chỉ thấy áp lực và bực mình"

Trên thực tế, trường hợp của ông N. tại Bình Dương không phải hiếm gặp. Sau khi bài viết Đi mổ sỏi thận phải tự mua ga trải giường: "Có bảo hiểm y tế để làm gì?" được đăng tải, nhiều người đã bình luận, chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân khi thăm khám hoặc đưa người nhà khám bệnh bằng bảo hiểm tại các cơ sở y tế.

"Mỗi lần khám chữa bệnh, BHYT chỉ thanh toán được rất ít, lý do là "thuốc này ngoài danh mục BHYT chi trả". Ngày 4/11, tôi đi khám do ho nhiều vì bị trào ngược dạ dày, viêm họng, một bệnh rất cơ bản. Tổng chi phí tôi bỏ ra là 590.000 đồng, BHYT chỉ thanh toán 60.000 đồng", độc giả Thanh Bình Hoàng bình luận.

"Đi viện mà dùng đến BHYT y như rằng sẽ bị vậy, không mua thứ này thì thứ kia. Nếu sử dụng dịch vụ thì thuốc tốt đến mấy cũng không thiếu nhưng nếu dùng bảo hiểm, lúc nào bác sĩ cũng không quên dặn người nhà ra quầy này, quầy kia mới có loại thuốc bác sĩ kê", anh Nguyễn Tuấn bình luận.

"Đấy chỉ là một trong số vô vàn bệnh nhân khác cho thấy BHYT chưa thực sự mang lại điều gì mà chỉ thấy áp lực và bực mình. Thà rằng không có tự nguyện còn cảm thấy dễ chịu hơn như có BHYT", chủ tài khoản van truong bức xúc.

"Những điều này là bình thường thôi, đến quần áo bệnh nhân cũng buộc phải thuê, giá một ngày thuê ngang với mua cả một bộ. Chán nhưng không biết phải làm gì. Bảo hiểm thì chỉ cho vài loại thuốc rẻ tiền, còn lại vẫn phải ra nhà thuốc mua và tự chịu chi phí. Không hiểu BHYT để làm gì", người dùng Quyen Nguyen bức xúc.

Bên cạnh những ý kiến bức xúc, nhiều người còn chia sẻ những tình huống "dở khóc, dở cười" khi đưa người thân vào bệnh viện. Bình luận về trải nghiệm đưa con đi cấp cứu, chủ tài khoản MrCuongva Em cho biết, anh đưa con đi cấp cứu nhưng phải tự mua kim luồn tĩnh mạch, một trong những vật dụng tối thiểu và thiết yếu tại bệnh viện, để bác sĩ cắm cho con. Tương tự, anh Trung Le Quang cũng phải tự mua kim luồn và băng dính để truyền dung dịch cho con.

Vất vả hơn, độc giả Đông Hồ cho biết: "Vì bệnh viện bảo không có sẵn, gia đình tôi cũng từng phải chạy khắp Hà Nội để mua khoảng gần chục món đồ cho người nhà phẫu thuật tại Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội). May trời thương, có ông em rể chở đi cả buổi trưa, có người quen chỉ cho nên kiếm khắp nơi mới được. Đi mua xong, về đến bệnh viện thì người thân đã được đưa vào phòng mổ từ khi nào rồi.

Sau khi phẫu thuật xong, những món đồ mua về cũng không thấy bệnh viện hỏi han gì. Cuối cùng, tôi đành bán lại cho một bệnh nhân cùng phòng vì họ cũng chưa biết đi đâu để mua. Thử hỏi nhiều trường hợp ở quê, vùng núi, họ không quen biết gì, thì biết đâu mà tìm?".

Cũng ở tình cảnh tương tự, độc giả Thân Minh Triết chia sẻ: "Anh tôi tai nạn, đứt lìa ngón tay, đến bệnh viện ở Châu Đốc (An Giang) cấp cứu điều trị thì phải tự đi mua thuốc tiêm ngừa uốn ván, khi mổ thì người nhà phải tự mua thau nhựa, bột, giấy… Cả một đợt điều trị, chỉ có thuốc giảm đau là được viện cấp cho uống, còn lại tự đi mua cả. Có kim tiêm, bơm tiêm không phải mua, nhưng lại không nằm trong danh mục hưởng BHYT nên cũng phải chi trả 100%".

"Bệnh viện tuyến cuối còn thiếu vật tư, tuyến tỉnh đã là gì"

Bên cạnh làn sóng bất bình, nhiều người cũng bày tỏ sự cảm thông, thấu hiểu với khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải. Trong bối cảnh hoạt động đấu thầu trang thiết bị tại các bệnh viện công lập được siết chặt, đặc biệt sau hàng loạt bê bối thời gian qua của cán bộ ngành y tế, nhiều lãnh đạo bệnh viện tỏ ra dè chừng và rất cẩn trọng đối với việc sắm sửa trang thiết bị cho đơn vị.

Điều này dẫn tới quá trình trang bị thiết bị cho bệnh viện kéo dài, thiếu dược phẩm, vật tư y tế và không kịp đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn bệnh nhân thăm khám, điều trị tại bệnh viện.

"Tuyến nào cũng thiếu thôi, chỉ có tư nhân không thiếu thuốc với các thiết bị", độc giả tĩnh Demon bình luận.

Nêu ra thực trạng của các cơ sở y tế hiện nay, anh Chinh Lo Van viết: "Gần đây, câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên nóng tại các phiên thảo luận của Quốc hội. Có ý kiến cho rằng tình trạng này vẫn xảy ra, thậm chí tại bệnh viện lớn như Việt Đức. Tuyến cuối còn thế, tuyến tỉnh đã là gì".

"Chờ cơ chế, chính sách thì người dân chết trước. Vợ tôi điều trị ở tuyến Trung ương đây mà còn phải mua từ cái dây truyền, gạc mổ, dao mổ, bông băng đủ thứ. Bệnh viện tuyến trung ương còn vậy nữa là tuyến tỉnh. Chờ được duyệt, được thông qua thì người dân còn phải chờ, nhưng bệnh thì có chờ đâu cơ chứ. Không phủ nhận tác dụng của BHYT nhưng còn rất nhiều điều phải khắc phục", anh Hải Khuất chia sẻ.

Còn dưới góc nhìn của một bác sĩ, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mỗi ngày, anh Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: "Mình là bác sĩ ngoại của một bệnh viện tỉnh, lúc nào cũng mong muốn vật tư thật sẵn có, đầy đủ và đa dạng. Chẳng ai muốn điều trị cứ phải chờ bệnh nhân mua cái nọ cái kia, mà chưa chắc đúng cái mình cần. Nhìn người bệnh khó khăn, lại thêm gánh nặng cũng thương cảm lắm chứ. Cái cần bây giờ là cơ chế chính sách ở trên, chứ bác sĩ điều trị không thay đổi được điều này".

Hoàng Diệu