Bệnh viện Bưu điện giải thích việc thu tiền chênh với người khám bệnh bằng Bảo hiểm
(Dân trí) - Giám đốc Bệnh viện Bưu Điện báo cáo và giải trình xung quanh công văn Bảo hiểm xã hội Hà Nội yêu cầu Viện này không thu thêm tiền chênh đối với người tham gia Bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh tại đây.
Giám đốc Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) vừa có báo cáo và giải trình với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội liên quan đến công văn do ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội vừa ký văn bản đề nghị Bệnh viện (BV) Bưu điện không thu thêm tiền chênh đối với người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm tránh phân biệt giữa bệnh nhân trong và ngoài ngành, đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân có thẻ bảo hiểm.
Trước đó, BHXH Hà Nội nhận được nhiều phản ánh về tình trạng người bệnh BHYT khám đúng tuyến tại BV Bưu điện bị thu tiền chênh cao hơn so với giá thanh toán BHYT.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Văn Tráng, Giám đốc BV Bưu điện Hà Nội cho biết, đơn vị này đã gửi công văn lên Bảo hiểm xã hội giải trình một số nội dung liên quan.
Cụ thể, BV Bưu điện là bệnh viện đa khoa hạng I thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Theo quy định, các Bệnh viện thuộc VNPT trong đó có BV Bưu điện sẽ hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.
“Ngày 25/07/2007, VNPT đã có văn bản số 1173/TBLT-TĐBCVTVN-CĐBĐVN chỉ đạo các Bệnh viện thuộc VNPT (trong đó có BV Bưu điện) từ ngày 05/07/2007 phải thu thêm tiền chênh lệch giữa giá viện phí tính đầy đủ chi phí với giá một phần viện phí do cơ quan BHXH thanh toán đối với đối tượng người bệnh không thuộc VNPT. Mới đây nhất, ngày 12/08/2016, Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT đã có Quyết định số 226 về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho BV Bưu điện giai đoạn 2016-2018, trong đó BV Bưu điện là đơn vị sự nghiệp y tế tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển.
“Căn cứ khoản 3, Điều 16 của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP; căn cứ các nguyên tắc xây dựng mức thu của các dịch vụ y tế được quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH ngày 26/01/2006 của Liên Bộ Y tế- Tài chính-Lao động-Thương Binh và Xã hội, đồng thời tham khảo mức thu của các bệnh viện cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn, BV đã xây dựng mức thu đối với các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại BV cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc các hoạt động dịch vụ y tế phải có hiệu quả, đảm bảo cân bằng thu chi và có tích lũy và được người bệnh chấp nhận từ năm 2007.
Do cơ chế hoạt động như đã nêu trên, BV Bưu điện đã thống nhất với BHXH Hà Nội về việc người tham gia bảo hiểm y tế khi đăng ký KCB tại BV Bưu điện phải có Đơn đề nghị, chấp nhận việc đóng thêm tiền chênh lệch giữa giá viện phí tính đầy đủ chi phí với giá một phần viện phí do cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán; đồng thời phải có ý kiến chấp thuận của lãnh đạo Bệnh viện Bưu điện.
Do đó, trong nhiều năm qua, BV Bưu Điện đã thực hiện thu thêm tiền chênh lệch giữa giá viện phí của một số dịch vụ được tính đầy đủ chi phí với giá một phần viện phí do cơ quan BHXH thanh toán cho các đối tượng khám, chữa bệnh BHYT nội trú (BV chưa thu tiền chênh lệch trong khám, chữa bệnh ngoại trú); việc thu chênh lệch này được Bệnh viện công khai và giải thích đầy đủ; người bệnh đồng ý chấp nhận bằng ký cam kết, không có ý kiến thắc mắc đối với Bệnh viện”- ông Tránh nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, để đảm bảo cân đối thu chi khi chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính , từ 1/7/2016, BV thực hiện công khai thu thêm phần chênh lệch đối với khám chữa bệnh ngoại trú. Trương hợp những người bệnh có thẻ đăng ký ban đầu tại BV nhưng không đồng ý chi trả phần chênh lệch, BV sẽ khám chữa bệnh và không thu phần chênh lệch này trong giai đoạn người bệnh chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Ông Tráng cũng khẳng định, phần kinh phí chênh lệch giữa giá viện phí tính đúng, tính đủ chi phí với giá một phần viện phí do BHXH thanh toán đối với bệnh nhân thuộc VNPT do VNPT thanh toán cho BV; người bệnh không thuộc VNPT đóng trực tiếp.
“Ngày 1/7/2016, BV được Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thanh toán các dịch vụ y tế quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC (trong đó có tiền lương của cán bộ y tế và các loại phụ cấp). Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn diện, BV phải thực hiện việc thu các dịch vụ y tế theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí. Vì vậy, việc thu chênh lệch đối với các đối tượng người bệnh khi khám chữa bệnh nội, ngoại trú tại Bệnh viện là cần thiết.
Ông Tráng cho rằng, hiện BV Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân khác đã được Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội khuyến khích phát triển, nếu người bệnh chấp nhận trả tiền chênh lệch giữa giá khám chữa bệnh dịch vụ do cơ sở khám chữa bệnh quy định và giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Phía BV Bưu Điện cũng hoạt động tương tự, do đó việc tạo cơ chế để BV hoạt động dịch vụ theo đúng quy định là điều cần thiết.
Theo công văn Bảo hiểm Xã hội Hà Nội gửi về Bệnh viện Bưu điện: Công văn số 824/BYT-KHTC ngày 12/6/2016 về hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định: Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu và giá các dịch vụ y tế từ máy xã hội hóa tạm thời các cơ sở khám chữa bệnh vẫn thu theo giá cũ không được điều chỉnh giá…Cơ quan BHXH thanh toán theo Thông tư 37. Cơ sở khám chữa bệnh phải công khai và có trách nhiệm giải thích mức thu chênh lệch cho người bệnh BHYT.
Đối chiếu quy định trên, BHXH Hà Nội nhận định, việc bệnh viện thu tiền chênh so với giá thanh toán BHYT của người đăng ký BHYT tham gia khám chữa bệnh bên đầu và người bệnh chuyển tuyến là không đúng quy định.
Bởi trong khi bệnh viện đã được BHXH thành phố thanh toán các dịch vụ y tế theo giá của Thông tư 37 đã tính chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và tiền lương của cán bộ y tế.
Trên cơ sở đó, BHXH Hà Nội thông báo người tham gia BHYT không thuộc đối tượng trong ngành bưu điện chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh về cơ sở khám chữa bệnh BHYT khác, dừng đăng ký ban đầu tại Bệnh viện và thông báo cả nước không chuyển tuyến về Bệnh viện Bưu điện, BHXH Hà Nội đề nghị bệnh viện không thu thêm tiền chênh đối với người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm tránh phân biệt giữa bệnh nhân trong và ngoài ngành và đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân có thẻ BHYT.
Thanh Trầm