Bệnh nhân 1440 có thể phải đối mặt với tình huống pháp lý nào?

(Dân trí) - "Nếu hậu quả thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bệnh nhân 1440 có thể bị xử lý về tội vi pham quy định về an toàn ở nơi đông người".

Như Dân trí đã thông tin, đêm 26/12 Bộ Y tế đã chính thức công bố ca mắc mới SARS-CoV-2 là Bệnh nhân 1440 (BN 1440) tên L.T.T (32 tuổi, là nam, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, Vĩnh Long).

Bệnh nhân 1440 là trường hợp từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở (đang xác minh vị trí) vào 2h sáng ngày 24/12 và về nhà tại Vĩnh Long.

Ngay sau khi về đến gia đình, người nhà bệnh nhân đã thông báo ngay với công an địa phương để tiến hành cách ly và lấy mẫu kịp thời tại Vĩnh Long.

Bệnh nhân 1440 có thể phải đối mặt với tình huống pháp lý nào? - 1

Bệnh nhân 1440 đang được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Vĩnh Long.

Ngày 24/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm ngày 25/12. Kết quả xét nghiệm ngày 26/12 của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân có lịch trình đi lại khá phức tạp. Tuy nhiên, bệnh nhân 1440 có lời khai bất nhất với cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 28/12, Đại tá Đoàn Minh Lý, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, Công an tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cảnh sát sau đó sẽ củng cố hồ sơ, xem xét nếu đủ định lượng thì tiến hành khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Trong vụ việc bệnh nhân 1440 nhập cảnh trái phép sau đó bị xác định nhiễm bệnh Covid-19, cơ quan chức năng đang xem xét khởi tố về hành vi lây dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điểm c khoản 1 điều 240 Bộ luật hình sự: "Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người".

Tuy nhiên có không ít vướng mắc khi áp dụng điều luật trên để khởi tố bệnh nhân 1440 về hành vi này.

Bệnh nhân 1440 có thể phải đối mặt với tình huống pháp lý nào? - 2

Luật sư Quách Thành Lực nhận định tình huống pháp lý bệnh nhân 1440 có thể phải đối mặt.

Theo đó dấu hiệu của tội danh này về mặt chủ thể người phạm tội phải thuộc trường hợp đã được thông báo mắc bệnh hoặc trở về từ vùng dịch đã được thông báo cách ly nhưng vẫn thực hiện hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Về mặt chủ quan, người thực hiện hành vi phạm tội do cố ý, tức là nhận thức được hành vi của mình là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người nhưng vì động cơ khác nhau mà vẫn thực hiện hành vi mà pháp luật cấm.

Với dấu hiệu trên không đủ cơ sở để khởi tố bệnh nhân 1440.

Tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền cần có thời gian để xác định yếu tố định lượng về hậu quả thiệt hại do hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối của bệnh nhân 1440 - người sống trong khu vực đã có quyết định cách ly quyết định phong tỏa.

Theo đó hậu quả thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bệnh nhân 1440 có thể bị xử lý về tội vi pham quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại điều 295 Bộ luật hình sự".