Bắt trẻ ra ngoài đứng vì không học môn liên kết: Phản cảm, phản giáo dục!
(Dân trí) - "Đuổi học sinh ra hành lang để nhường lớp cho học thêm là phản cảm và phản giáo dục. Giáo dục không phải món hàng thương mại thuần túy để những nhà giáo dục phân loại khách hàng, phân biệt đối xử".
Sau bài viết Học thêm chèn vào lịch học chính, trẻ không học ra hành lang đứng, nhiều độc giả Dân trí thắc mắc, liệu các trường này có đang vi phạm luật giáo dục, luật trẻ em, khi đẩy trẻ ra khỏi lớp vì gia đình lựa chọn không học thêm môn liên kết?.
Bơ vơ trong ngôi nhà thứ 2 của mình...
"Nếu gia đình không đồng ý cho trẻ tham gia các lớp học liên kết và phải ra ngoài đứng, trẻ em vốn hiếu động, chẳng may bị tai nạn, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?.
Không hiểu sao giữa thủ đô mà các con phải chịu cảnh nhà trường đưa chương trình học thêm xen kẽ vào giờ học chính, phụ huynh lại không có thông tin gì về chương trình học, chất lượng giáo viên, con học có hiệu quả không. Bảo là tự nguyện nhưng nếu không học thì trời mưa bão rét hay nóng, con không có chỗ ngồi, bơ vơ ngay trong nhà trường - ngôi nhà thứ 2 của mình", độc giả Nhân Trần băn khoăn.
"Trong thời gian trẻ ở trường, đẩy trẻ ra khỏi lớp học vì cha mẹ không đăng ký học thêm (có thể do kinh tế khó khăn, cũng có thể do không tin tưởng về chất lượng giảng dạy) là một hạ sách trong các cách ứng xử, không thể chấp nhận được trong môi trường giáo dục", độc giả Phan Hường bức xúc.
"Trường học do nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trả lương cho giáo viên để dạy dỗ các em, lấy quyền gì mà các vị mời trẻ ra khỏi lớp để triển khai tổ chức dạy thêm các môn liên kết để thu tiền? Tại sao trung tâm bên ngoài lại vào được trường của nhà nước, sử dụng phòng học của học sinh để dạy? Tiền thu được có công khai minh bạch? Chất lượng giáo trình và giáo viên giảng dạy ai chứng nhận?", băn khoăn của nhiều độc giả Dân trí.
"Bài học đầu tiên các cháu con nhà nghèo nhận được từ nhà trường là: Không có tiền thì bị gạt ra ngoài? Đó là điều không thể chấp nhận được! Bộ Giáo dục cần chấn chỉnh ngay việc phản giáo dục này tại Hà Nội và một số địa phương!.
Về chất lượng của các giờ tiếng Anh liên kết này tôi cho rằng không thể tốt được, khi sỹ số lớp học Tiểu học tại Hà Nội đa phần là trên 50, lớp con nhà tôi tại Tân Định, Hoàng Mai là 56 cháu. Không gian chật chội như vậy, giáo viên có thể áp dụng được phương pháp giảng dạy tân tiến nào?
Thời gian speaking (học nói) của mỗi cháu được mấy phút trong một tiết học? Sau một kỳ thêm được vài từ mới? và với mấy từ mới về Toán giúp ích như kỳ vọng cho các cháu không?. Nên nhớ chương trình phổ thông mới, có 4 tiết tiếng Anh (lớp 4) mỗi tuần rồi, thêm mấy tiết liên kết kia là quá thừa và quá thiếu!", độc giả TĐĐ nêu quan điểm.
Đuổi học sinh ra hành lang để nhường lớp cho học thêm là phản cảm, phản giáo dục!
Trao đổi với Phóng viên Dân trí, luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: Đuổi học sinh ra hành lang để nhường lớp cho học thêm là phản cảm và phản giáo dục. Dựa vào đâu nhà trường có quyền làm như vậy?. Giáo dục không phải món hàng thương mại thuần túy để những nhà giáo dục phân loại khách hàng, phân biệt đối xử.
Tại Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép nhà trường đuổi học sinh tiểu học dù có hư hỏng đến đâu. Trường hợp này trẻ không vi phạm kỷ luật, chỉ là gia đình lựa chọn không cho học thêm môn liên kết - không có lý gì giáo viên và nhà trường có quyền yêu cầu trẻ ra khỏi lớp.
Đồng thời theo quy định của pháp luật, tại Điều 16 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định:
"Trẻ em có quyền được học tập, điều này có nghĩa là bất kỳ trẻ em mà dưới mười sáu tuổi, là công dân Việt Nam, đều có quyền được đi học đúng độ tuổi theo quy định, tham gia học đầy đủ các chương trình giáo dục của Nhà nước. Quyền này được Nhà nước quy định một cách cụ thể và bảo đảm thực hiện".
Và theo quy định tại Điều 13 về Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân quy định:
"Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không được phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, đặc điểm liên quan đến cá nhân, nguồn gốc của gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế thì đều bình đẳng trong cơ hội học tập;
Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực giáo dục, tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện cho người học được phát huy tiềm năng, năng khiếu của bản thân;
Nhà nước luôn ưu tiên, tạo mọi điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của Luật Trẻ em, người học là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập".
Bên cạnh đó việc quy định trực tiếp quyền được học tập của trẻ em thông qua các quy định cụ thể, riêng biệt như Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, các văn bản pháp luật của Việt Nam cũng chú ý đến quy định các chính sách phù hợp để bảo vệ quyền đó.
Nhất là trách nhiệm, nghĩa vụ của chính gia đình, của nhà trường, của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc đảm bảo thực thi các quy định đó nhằm đảm bảo một cách tốt nhất cho trẻ em, bởi đây là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và giáo dục đúng hướng để sau này lớn lên các em có thể có cuộc sống tốt nhất, tư tưởng đúng đắn.