Bất ổn Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Kết quả thanh kiểm tra 12 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu của Bộ Tài Chính cho hay Quỹ bình ổn xăng dầu năm 2010 âm hơn 550 tỷ đồng đang đặt ra câu hỏi: nên tiếp tục có hay không Quỹ bình ổn?
Bộ Tài chính kết luận Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn giá xăng dầu 1.200 tỷ đồng còn Petrolimex thì giải trình dùng khoản này hạch toán bù lỗ kinh doanh xăng dầu.
Lý giải cho lợi ích khi có Quỹ, Bộ Tài chính - đơn vị chủ trì trong việc xây dựng và giám sát Quỹ - phân định: Quỹ là khoản trích bắt buộc tính vào chi phí doanh nghiệp nhưng thực chất là khoản các hộ sử dụng xăng dầu đóng góp để Nhà nước bảo hiểm giá cho họ khi giá thế giới tăng quá cao (hiện là 300 đồng/lít).
Còn nhớ, cuối năm 2010, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, với mục tiêu kiềm chế lạm phát chúng ta đã giữ được giá bán lẻ trong nước nhờ “kênh” thuế và xả Quỹ. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh dẫn chứng: Giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với khu vực khi mỗi lít xăng A92 hiện có giá 16.400 đồng, trong khi Thái Lan 19.800 đồng, Trung Quốc là 20.000 đồng. Thời điểm đó, ông Ninh nhấn mạnh: “Nếu không có Quỹ, giá xăng đã tăng thêm 2.200 đồng/lít”.
Tuy nhiên, vẫn có một số điểm bất cập khi sinh ra quỹ này. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong cơ chế thị trường thì người ta không bao giờ lấy tiền đóng góp của người dân để trích vào quỹ bình ổn giá xăng. Lẽ ra quỹ đó phải lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp, chứ không được lấy của người tiêu dùng rồi để doanh nghiệp giữ và lấy quỹ đó xả ra để bù lỗ cho chính doanh nghiệp mình với lý lẽ “giữ giá”.
Thực tế cho thấy, việc thành lập Quỹ bình ổn để điều hành giá, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng đột biến là cần thiết vì khi đó, cơ bản giá trong nước sẽ giữ được bình ổn hoặc chỉ tăng ở mức thấp.
Nhưng để doanh nghiệp trích lập Quỹ trước khi tăng giá (trong khi đã bắt một lít xăng, dầu gánh quá nhiều loại phí cùng một lúc) liệu có nên hay không bởi vô hình trung đó chính là việc chiếm dụng giá từ người tiêu dùng trước?
Trong khi ngân sách đã phải giảm thu tới 7.000 tỷ đồng do giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Còn một điều nữa, hóa ra doanh nghiệp xăng dầu sợ nhất là “sốc” tỷ giá. Năm 2010, chỉ riêng hai lần điều chỉnh tỷ giá đã “ngốn” của Petrolimex tới 715 tỷ đồng, hơn cả số tiền âm của Quỹ với 12 doanh nghiệp gộp lại là 551 tỷ đồng.
Bộ Tài chính kết luận Petrolimex sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn do doanh nghiệp này dùng quỹ để bù lỗ kinh doanh xăng dầu chứ không phải giữ giá. Đó phải chăng là sự bất ổn của Quỹ bình ổn?
Báo Tiền phong