Bạn đọc viết:

Bất chấp hiểm nguy, hàng ngàn người vẫn "đùa giỡn" với tử thần

(Dân trí) - Hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ray ngoài trở ra mỗi bên quy định là 15 m, nhưng hầu hết đường sắt đi trong nội đô Hà Nội đều không có được điều này. Cuộc sống của người dân vẫn diễn ra ngay lề đường ray với đầy nguy hiểm.

Cuộc sống tấp nập trên đường ray khi vắng tiếng còi tàu
Cuộc sống tấp nập trên đường ray khi vắng tiếng còi tàu

Từ trong nhà bước ra là... đường tàu rồi mới tới lòng đường. Không phải nói, ai cũng hiểu sự nguy hiểm, cho người dân và cho cả chính những con tàu đi qua lòng “xóm” như thế này.

“Xóm đường tàu” cũng trở thành tên gọi dân dã cho những hộ dân cư sinh sống sát hai bên đường tàu tại phố Lê Duẩn - Khâm Thiên, phố Điện Biên Phủ, khu vực gần cầu Long Biên. Mọi sinh hoạt của họ đều gắn với lịch trình đều đặn của những chuyến tàu Bắc - Nam.

Hàng ngày, trên đoạn đường sắt Phùng Hưng, một số người làm nghề ve chai
Hàng ngày, trên đoạn đường sắt Phùng Hưng, một số người làm nghề ve chai vẫn lấy hành lang an toàn, thậm chí cả mặt đường tàu làm nơi tập kết phế thải

Các hoạt động thường ngày từ cơm nước, giặt giũ đến những công việc như đánh giấy ráp, làm mộc, bán hoa quả, quần áo đều diễn ra sát cạnh, thậm chí ngay trên đường ray. Khi có tàu đến, họ tránh một bên. Tàu đi qua, họ lại trở về vị trí của mình.

Những chuyến tàu đến, ngoài đem theo sự ồn ào, rung lắc, còn là khói bụi và gió thốc. Việc thường xuyên chịu tác động của những âm thanh lớn, tiếng ồn như vậy sẽ làm giảm khả năng về thính giác, lâu dần dẫn đến nghe kém. Trong khi đó, khói bụi chính là tác nhân lớn dẫn đến những bệnh về đường hô hấp. Chẳng những vậy, khu vực đường ray còn là điểm tụ đọng rác thải, thậm chí cả bơm, kim tiêm ẩn chứa mối nguy hiểm khôn lường.

Trên đoạn đường sắt qua phố Khâm Thiên, sạp hoa quả bày bán “hoành tráng” ngay sát đường tàu
Trên đoạn đường sắt qua phố Khâm Thiên, sạp hoa quả bày bán “hoành tráng” ngay sát đường tàu
 
Vậy nhưng, những người dân vẫn cố bám trụ bên đường ray, phần lớn là bởi họ không có sự lựa chọn nào khác. Lại cũng có nhiều người lao động từ các tỉnh tìm đến “xóm đường tàu” để sinh sống bởi giá cả thuê trọ “rẻ mạt” ở đây bất chấp những bất tiện, nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
 
Các bà, các mẹ chọn đường ray làm “ghế” ngồi hóng mát, trò chuyện, bất chấp hiểm nguy
Các bà, các mẹ chọn đường ray làm “ghế” ngồi hóng mát, trò chuyện, bất chấp hiểm nguy
 
Bên cạnh những nỗ lực của ngành đường sắt trong việc xoá đường ngang dân sinh, cải tạo, xây dựng các công trình, có lẽ vẫn cần nhiều hơn nữa những quy hoạch hợp lý cho khu dân cư sinh sống sát hai bên đường tàu để có thể đảm bảo an toàn giao thông nói chung và cuộc sống người dân tại đây nói riêng.
 
Nguyễn Thu Trang