Bất chấp "đu Idol", nhiều người hâm mộ BlackPink dính nợ

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Thông tin nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink sẽ biểu diễn tại Hà Nội vào cuối tháng 7 tới đây khiến những người "đu idol" đứng ngồi không yên. Cũng từ đây, bài toán kinh tế được mang ra thương lượng.

Giữa gia đình và idol, chỉ được chọn một

Trên các diễn đàn mạng xã hội, hàng chục nghìn Blink (những người hâm mộ nhóm nhạc Blackpink) nhốn nháo hò nhau hỏi xem giá vé, tìm hiểu dịch vụ săn vé… những người ở xa thì lập nhóm thuê chung khách sạn, homestay, nhà nghỉ…

Thậm chí, nhiều fan (người hâm mộ) còn tính xa hơn nữa, khi mà những chiếc điện thoại cá nhân không thể phục vụ chủ nhân trong việc ngắm idol (thần tượng) từ xa, nhiều người đã tìm đến dịch vụ thuê điện thoại thông minh có chức năng zoom to gấp cả trăm lần.

"Đu idol" (một trào lưu mà những người hâm mộ có nhiều hành động cuồng nhiệt với thần tượng), nghe có vẻ đơn giản, nhưng với những bạn trẻ kinh tế còn eo hẹp, đây quả là một bài toán đáng cân đo đong đếm.

Mới đây, một blink trên một diễn đàn lớn đã phân vân tâm sự: "Dạ cho em hỏi một tí, cuối kì vừa qua em được nhận học bổng 5 triệu. Em đã cất nó vào heo đất của em. Nhà em có sổ hộ nghèo và cũng tương đối khó khăn, nhưng Blackpink là ước mơ của em nên em tính đập heo để đi concert. Em ở Thanh Hóa, em tính đi xe khách vào và mua vé ở hàng ghế ngồi tím sáng. Đi coi concert (buổi biểu diễn ca nhạc) xong em về liền thì 5 triệu có đủ trang trải không ạ? Mặc dù mẹ ngăn cản nhưng em rất muốn đi, không đi thì em rất hối tiếc và ân hận bản thân mình vì bỏ lỡ".

Bài viết nhận hàng trăm lượt bình luận, đa số khuyên em không nên đi vì kinh tế gia đình quá khó khăn. Số tiền học bổng của em nên được dùng vào việc có ích hơn.

Bất chấp đu Idol, nhiều người hâm mộ BlackPink dính nợ - 1

Hay như một thành viên trong nhóm "đu idol" tâm sự: "Em là một fan ở miền Trung. Nhà em không khá giả, không đủ điều kiện. Em cũng đã xin mẹ và mẹ cũng muốn cho em đi. Nhưng nếu em đi thì có lỗi với mẹ, 10 triệu đối với người khác là nhỏ nhưng với gia đình em thì quá lớn".

Khác với em gái trên, H.T., một sinh viên đã từng đi "đu idol" trước đó bên Thái Lan chia sẻ: "Do không đủ tiền nên em đã dùng thẻ tín dụng trả trước, đi xong về cày cuốc làm thêm trả nợ dần. Hiện tại chưa có tiền nên trước mắt em có vay bạn một ít để trả thẻ tín dụng. "Đu idol" xong gánh nợ cũng khá là mệt, thế nhưng em không có gì tiếc nuối cả".

Sức hút của Blackpink là quá lớn, nhiều bạn trẻ đã bất chấp đầu tư một số tiền không hề nhỏ chỉ để chứng minh tình yêu với thần tượng, khi thu nhập của bản thân thật sự chưa cho phép.

Mù quáng "đu idol", rủi ro luôn rình rập

Thần tượng một ai đó để bản thân được tốt lên, đó là điều không phải bàn. Thế nhưng, bất chấp mọi thứ để thỏa mãn cơn khát idol liệu có nên?

Chi phí tính sơ sơ cho một đêm "đu idol" của những người ở xa địa điểm biểu diễn bao gồm: Chi phí đi lại (tàu xe, máy bay…), chi phí ăn ngủ, chi phí di chuyển giữa điểm ở và điểm biểu diễn.

Dụng cụ cần có bao gồm lightstick (gậy cổ vũ phát sáng) có giá từ 900 đến 1,1 triệu đồng. Những người có nhu cầu thuê điện thoại có giá từ 250 đến 350 nghìn đồng/ngày, và cuối cùng là giá vé vào.

Theo tìm hiểu, giá vé trước đó tại Singapore dao động 2,9-6,9 triệu đồng; tại Thái Lan là 1,8-9,8 triệu đồng. Giá vé tại Việt Nam lên đến 9,8 triệu đồng. Nhìn vào những điều cần và đủ ở trên, để đi xem được buổi biểu diễn, nhiều người sẽ phải bỏ ra hàng chục triệu đồng nếu may mắn có vé.

Bất chấp đu Idol, nhiều người hâm mộ BlackPink dính nợ - 2

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội).

Trao đổi thêm về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) cho rằng giới trẻ ngày nay đang bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lối sống YOLO - You Only Live Once (bạn chỉ sống một lần trong đời).

Việc tiêu tiền trước - hưởng thụ trước, kiếm tiền sau là một suy nghĩ vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt là đối với những người thu nhập thấp, tài chính không vững sẽ dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần, stress.

Nhân nói về việc ngày càng có nhiều bạn trẻ "đu idol" và mắc vào nợ nần, thực tế cho thấy, việc quản lý tài chính của các bạn trẻ gần như không có. Các bạn có thể check in sang chảnh, du lịch sang chảnh nhưng lại không có nổi một bữa ăn đủ dinh dưỡng, thậm chí cả tháng ăn kham uống khổ để có những bức hình sống ảo trên các trang mạng xã hội.

Thay vì tiêu tiền thông minh, các bạn chuyển sang tiêu tiền vì hình thức, tiêu vì muốn chứ không phải tiêu vì cần. Tiêu tiền để phục vụ giá trị ảo nhiều hơn. Và nhiều trường hợp, bất chấp để mua vé để thể hiện đẳng cấp, thể hiện mình được gần thần tượng hơn hàng triệu người. Nhiều người sẵn sàng vay nợ, trộm cắp, thậm chí là lên các app hẹn hò lừa đảo để có tiền phục vụ mục đích cá nhân.

Nhiều bạn đi xem vì tâm lý đám đông, thậm chí không hiểu hết giá trị nghệ thuật nhưng vẫn bất chấp để "đu idol" cho bằng bạn bằng bè. Nếu không được thỏa mãn, bản thân tự dày vò, bứt rứt, thậm chí là trầm cảm. Điều này rất tiêu cực.

Cũng theo chuyên gia, việc "đu idol" không có gì xấu, bởi mặt tích cực, nó cho thấy các bạn trẻ đã biết tiêu dùng phục vụ văn hóa. Tuy nhiên, bản thân các bạn trẻ nên cân nhắc giữa việc cần và việc muốn để phù hợp với năng lực tài chính.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm