Bạo lực học đường: Người lớn phải nhìn lại mình!
Chỉ trong vòng hơn 20 ngày mà đã xảy ra 6 vụ đâm chém man rợ do các băng nhóm học trò gây ra như bài viết trên Diễn đàn Dân trí thì đó thật sự là điều đáng lo về hiện trạng bạo lực học đường.
Rõ ràng trẻ có những hành động bạo lực như thế một phần là do ảnh hưởng phim ảnh, game bạo lực; một phần do gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục; một phần do nhà trường lâu nay chỉ lo dạy chữ mà không làm tốt phần dạy người, dạy kỹ năng sống; một phần do xã hội thiếu lành mạnh, nhiều thói hư tật xấu của người lớn đã ảnh hưởng tới trẻ em...
Nói một cách thẳng thắn, bạo lực học đường xảy ra đến mức đáng báo động thì điều đó thuộc về trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội còn buông lỏng việc giáo dục trẻ em. Trước những vi phạm của con trẻ, người lớn phải nhìn lại mình.
Về phía gia đình, không ít bâc làm cha làm mẹ “khoán trắng” cho nhà trường, mải mê làm ăn không quan tâm đến con cái, không biết con mình học hành ra sao, chơi bời lêu lổng thế nào?Tôi dám khẳng định có không ít phụ huynh không biết tên giáo viên chủ nhiệm của con mình, không biết thời khóa biểu chính, học thêm của con, không biết con giao du kết bạn với ai… Một số bậc phụ huynh thì chiều chuộng con cái quá đáng, cho con quá nhiều tiền tiêu sài, cho nên rất dễ hư hỏng.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Bản thân người viết là một giáo viên nên tôi thấy rõ trách nhiệm của nhà trường trong vấn đề này. Thế nhưng xin đừng trách giáo viên, nhà trường chúng tôi đã không làm tốt chức trách của mình khi mà xã hội chưa tạo được sự yên tâm cho giáo viên “tuyên chiến” với bạo lực học đường.
Nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra rất đáng tiếc, mà lẽ ra có thể ngăn chặn nếu như học sinh báo cáo sự việc với giáo viên, nhà trường giải quyết, nhưng học sinh không dám báo cáo vì sợ bị trả thù. Hơn nữa, có báo cáo cũng không ăn thua vì không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng sợ bị trả thù.
Thực tế là có nhiều giáo viên bị nhắn tin khủng bố, đe dọa, thậm chí là bị đánh sưng mặt. Giáo viên không làm tròn trách nhiệm giáo dục đạo đức cho học sinh có một phần quan trọng do tình trạng quản lý xã hội còn lỏng lẻo, côn đồ ngang nhiên đánh người giữa đường đây đó mà không ai dám ngăn chặn, thậm chí côn đồ ngang nhiên vào tận nhà để hành hung thì làm sao giáo viên không sợ bị trả thù?
Tôi đã từng chứng kiến cảnh một ông hiệu trưởng bị học sinh “cá biệt” chửi ngay trước cổng trường nhưng lặng lẽ đi qua, nếu khi đó ông phản ứng thì dễ bị đánh đòn lắm. Thế thì làm sao giáo viên chủ nhiệm có thể “mạnh tay” xử lý học sinh “cá biệt” có hành động côn đồ, bạo lực với bạn để tạo niềm tin cho các em học sinh, để khi xảy ra sự việc thì báo lại với giáo viên, nhà trường?
Năm 2008 ở Hà Tĩnh, một học sinh “cá biệt” bị đuổi học đã tuyên bố với thầy hiệu trưởng: “Tôi bị đuổi học là bị cắt đứt con đương tương lai. Bây giờ tôi vào Nam làm ăn, nếu tôi giàu tôi sẽ bỏ qua, còn nếu tôi nghèo khổ tôi sẽ tìm thầy hỏi tội”.
Trước lời đe dọa đó, nhà trường đã rút lại quyết định đuổi học, nhờ gia đình vào Nam tìm học sinh này đưa về và cho đi học trở lại. Như thế thì còn đâu là kỷ cương, nề nếp để giáo dục học sinh? Như thế làm sao loại bỏ được những học sinh “cá biệt” hư hỏng làm xấu môi trường học đường?
Có thể khẳng định nhà trường buông lỏng quản lý, kỷ luật chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe giáo dục một phần nguyên nhân là do xã hội chưa tạo được sự yên tâm cho giáo viên tuyên chiến với cái xấu, cái ác.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt là pháp luật cần phải nghiêm minh, tạo được niềm tin cho người dân thì họ mới yên tâm khi chống lại cái xấu, cái ác.
Thiết nghĩ đã đến lúc toàn xã hội phải vào cuộc. Các cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ hơn về game, phim ảnh, văn hóa. Nói cách khác là phải tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh và xây dựng chuẩn giá trị tích cực, có nhiều sân chơi bổ ích.
Còn gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến con cái, đừng mải mê kiếm tiền mà bỏ mặc con. Nhà trường phải chú trọng phần dạy người, dạy kỹ năng sống. Chỉ có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội mới cho ra “sản phẩm” tốt được.
Thu Thủy
Đà Nẵng
LTS Dân trí - Trẻ em là lứa tuổi non nớt, bồng bột rất dễ chịu ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài. Nếu được chăm lo giáo dục tốt thì các em sẽ trở thành người tốt. Ngược lại, nếu không được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm giáo dục thì trẻ em rất dễ tiêm nhiễm những thói hư tật xấu. Cách hành xử bạo lực ở tuổi học học trò đã xảy ra liên tiếp ở nhiều địa phương. Đấy thật sự là lời cảnh báo hết sức nghiêm khắc đối với Người lớn chưa làm tròn trách nhiệm giáo dục trẻ em.
Muốn xây dựng “Nhà trường thân thiện; Học sinh tích cực” đúng như mục tiêu phấn đấu của ngành giáo dục thì điều quan trọng hàng đầu là phải “tuyên chiến” với tình trạng bạo lực học đường.
Đấy là cách hành xử của bọn côn đồ, thuộc thành phần “xã hội đen”. Nếu để tồn tại trong nhà trường những phần tử như vậy thì môi trường giáo dục không thể lành mạnh, thầy giáo không thể làm tròn trách nhiệm giáo dục trong khi nơm nớp lo học trò trả thù bằng những hành động bạo lực.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý trật tự an ninh xã hội cũng là giải pháp quan trọng giúp cho nhà trường xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.