Ba phút cùng luật sư:

Bạo lực học đường, có cần thiết phải xử lý hình sự?

(Dân trí) - Thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc chỉ bị xử lý bằng hình thức kỷ luật trong nhà trường nên không đủ sức răn đe. Theo luật sư, nhiều vụ bạo lực học đường có thể xử lý hình sự.

Có thể xử lý hình sự hành vi bạo lực học đường hay không?

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” của báo điện tử Dân trí kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư viện pháp luật, sẽ tư vấn kỹ về các hậu quả đối với hành vi bạo lực học đường mà nhiều học sinh liều lĩnh thực hiện vì nghĩ là còn nhỏ tuổi, không bị xử lý hình sự.

Trong thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau rất nghiêm trọng, nhiều vụ có gây thương tích. Theo luật sư thì những hành vi này có thể xử lý hình sự hay không?

Hành vi cố ý gây thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hành vi này bị xử lý hình sự hay hành chính là phụ thuộc vào độ tuổi cũng như mức độ, tính chất của hành vi do các em gây ra.

Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 1999 thì “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Như vậy, nếu học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trong đó có tội cố ý gây thương tích. Còn học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi thì có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý (khung hình phạt trên 7 năm tù giam) hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (trên 15 năm tù giam).

Cụ thể, học sinh đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi vẫn có thể bị xử lý hình sự nếu hành vi gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; hoặc dẫn đến chết người; hoặc từ 31% đến 60% nhưng có tính chất côn đồ, hoặc dùng hung khí nguy hiểm. Đối chiếu theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS 1999 thì khung hình phạt cho các hành vi tội phạm trên là bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Theo luật sư, học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, còn từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Theo luật sư, học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, còn từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Còn trường hợp các em học sinh tiểu học hoặc trung học cơ sở nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nếu các em thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm thì xử lý như thế nào thưa luật sư?

Trường hợp các em chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng đã đủ 12 tuổi thì tùy trường hợp có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Điều 89; hoặc đưa vào trường giáo dưỡng theo Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Cụ thể, theo khoản 1, 2 Điều 90 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là:

“Thứ nhất, Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.

Thứ 2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự…”

Còn theo khoản 1, 2, 3 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là:

“thứ nhất. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.

Thứ 2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự.

Thứ 3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn…”

Có những vụ việc học sinh đánh nhau một phần nguyên nhân là do người lớn xúi giục, kích động. Vậy những người xúi giục, kích động này sẽ bị xử lý như thế nào thưa ông?

Người cổ vũ hành vi đánh nhau có thể bị truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm xúi giục hoặc giúp sức.

Còn trong trường hợp người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đoạ; hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp theo điều 252 BLHS 1999, với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm nếu phạm tội có tổ chức; hoặc Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người; hoặc Đối với trẻ em dưới 13 tuổi; hoặc Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Dưới góc độ đạo đức xã hội thì những hành vi này là vi phạm đạo đức, đáng lên án. Vì nó cổ vũ cho hành vi vi phạm đạo đức, trái pháp luật và ảnh hưởng đến nhân cách của các em về sau.

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm