Bao giờ “3 công khai” được thực hiện nghiêm túc trong Đại học ?

(Dân trí) - Trước thực trạng chất lượng giáo dục bậc đại học, cao đẳng thời còn bộc lộ nhiều bất cập, quy chế “3 công khai” nhằm góp phần quan trọng vào việc năng cao chất đào tạo của đại học, nhưng việc thực hiện còn chưa nghiêm túc.

Đại học và cao đẳng nước ta đang bộc lộ nhiều nghịch lý: mức thu học phí ngày càng cao, trong khi chất lượng đào tạo không được cải thiện; cơ sở vật chất trang bị nghèo nàn; đội ngũ giảng viên vừa thiếu vừa yếu mà cứ tuyển sinh ồ ạt. Nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập nêu trên, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về việc thực hiện quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng: công khai về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng thực tế; điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính. Các trường phải công bố chuẩn đầu ra; tỷ lệ sinh viên có việc làm; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; đội ngũ nhà giáo; cán bộ quản lý và nhân viên; tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo ngành; số lượng và diện tích giảng đường, phòng học, phòng chuyên môn, xưởng thực tập; mức học phí, lệ phí và

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

các khoản thu nói chung từ người học. Quy chế còn nêu rõ: các trường phải công khai các nguồn thu khác cũng như ngân sách nhà nước cấp (nếu có); chính sách miễn giảm học phí, học bổng và trợ cấp; thu nhập bình quân/tháng của giảng viên, của cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường phải thực hiện nghiêm túc quy định này và báo cáo về Bộ trước ngày 15/12/2009, đồng thời công khai trên trang điện tử của trường, khoa, thư viện để mọi người dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, đến ngày 6/3/2010, thời điểm Bộ GD&ĐT tổ chức triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010- 2012, việc thực hiện “3 công khai’ của các trường đại học, cao đẳng vẫn chưa nghiêm túc, triệt để. Trong số các trường đại học, cao đẳng đã công khai thông tin thì 31 trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên vượt mức quy định, chủ yếu là các trường ngoài công lập đóng tại các tỉnh phía nam; 31 trường đại học và 35 trường cao đẳng có tỷ lệ diện tích sàn xây dựng / sinh viên quá thấp, dưới 2m2; chỉ có 69 trường báo cáo chuẩn đầu ra theo quy định. Đặc biệt, còn đến 175 trường chưa báo cáo đầy đủ về công khai thu chi tài chính. Đối với những cơ sở đào tạo khai man số liệu để tính chỉ tiêu hay báo cáo “3 công khai” không trung thực sẽ bị trừ hoặc tạm dừng tuyển sinh năm 2010. Đó là quy định về xử phạt đối với vi phạm trong xác định chỉ tiêu và thực hiện tuyển sinh năm 2010 mà Bộ GD&ĐT dự kiến áp dụng từ tháng 3. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu quy định này có được thực hiện khi mà hiện nay đang là thời điểm các thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi?

Chỉ tiêu tuyển sinh là số lượng sinh viên được tuyển mới hàng năm là điều kiện quyết định sự tồn tại của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Từ trước đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh vẫn thường được giao theo cách: các trường đề xuất số lượng, Bộ GD&ĐT căn cứ vào điều kiện đào tạo thực tế như: số lượng giảng viên hiện có, điều kiện cơ sở vật chất… để quyết định. Cách thức là vậy song trên thực tế vì những lý do khác nhau nhiều trường đã cố tình khai tăng lên để nhận được nhiều chỉ tiêu, trong khi năng lực đào tạo có hạn, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Thậm chí, để thu hút sinh viên có trường đã gọi “đội ” số thí sinh trúng tuyển lên gấp 1.5-2 lần chỉ tiêu được giao, chấp nhận phạt tiền hay khấu trừ số lượng chỉ tiêu vào năm sau. Năm 2007, Bộ GD&ĐT đã phạt từ 40- 60 triệu đồng đối với 18 trường đại học, cao đẳng do tuyển vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, trớ trêu là càng phạt, danh sách các trường tuyển vượt chỉ tiêu càng tăng lên. Đến năm 2008, đã có tới hơn 40 trường nằm trong “danh sách đen” là những trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu được Bộ cho phép. Trong mùa tuyển sinh năm 2009, ngoài hiện tượng tuyển vượt chỉ tiêu như những năm trước, một số trường còn “linh động” tự điều chỉnh chỉ tiêu cho “phù hợp” với tình hình thực tế và “nhu cầu” của thí sinh, đào tạo theo “đơn đặt hàng” của các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; đào tạo theo hình thức cử tuyển…Một số Bộ, ngành, địa phương đã tự ý ra văn bản giao chỉ tiêu nhiều hơn sau khi có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Các trường đại học, cao đẳng đã dựa vào “kẽ hở ” này để “lách luật” nhằm tuyển thêm thí sinh ngoài quy định, yếu tố chất lượng đầu vào bị xem nhẹ.

Thực tế cho thấy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn quốc mỗi năm đều tăng xấp xỉ 10% trong khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp không tăng, thâm chí có chiều hướng giảm trong một vài năm gần đây. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên còn được nhiều người nhận định là do “cuộc đua” về việc thu hút sinh viên giữa các trường cao đẳng, đại học. Số thí sinh tuyển mới hằng năm là điều kiện cơ bản quyết định sự tồn tại của các cơ sở đào tạo, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của mỗi nhà trường. Một nguyên nhân quan trọng khác phải kể đến là sự quản lý, giám sát còn lỏng lẻo của Bộ chủ quản và cơ chế “xin – cho” vẫn còn tồn tại.

Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mói quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012, về việc xử lý đối với những trường chưa nghiêm túc thực hiện “3 công khai” thì đến hết ngày 15/4, các trường phải công khai đầy đủ thông tin và đến 15/5, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu các trường vẫn không công khai, Bộ sẽ gửi văn bản tới tất cả các trường THPT thông báo danh sách các trường đại học, cao đẳng không công khai về thu chi tài chính và đề nghị học sinh thận trọng khi đăng ký dự thi vào trường. Mùa tuyển sinh 2010 đã cận kề, đến 10/4 các trường đã hoàn thành việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Việc cắt chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường khai man về chất lượng đào tạo sẽ khó được áp dụng nếu không muốn nói là không khả thi. Và với cách làm kiểu “dơ cao đánh khẽ” này, dư luận lại có lý do để lo ngại về tình trạng ‘nhờn luật” có thể xảy ra.

 

Bùi Minh Tuấn

Giáo viên trường THPT Kim Liên – Nam Đàn - Nghệ An

 

LTS Dân trí - Chất lượng giáo dục đại học cũng như cao đẳng là một điều rất đáng lo lắng mà nguyên nhân chủ yếu là việc buông lỏng quản lý các khâu cấp phép thành lập trường cũng như chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm, cho nên không bảo đảm điều kiện về giảng viên cũng như cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết.

Trong tình hình đó, nếu quy chế “ba công khai” không được thực hiện nghiêm túc và lại tiếp tục buông lỏng khâu quản lý này thì chất lượng giáo dục đại học cũng như cao đẳng không còn cơ sở nào đáng tin cậy.

Vì vậy, việc chọn trường để nộp đơn thi vào càng đặt ra gay gắt đối với học sinh vào mùa thi năm nay, bởi nếu chọn phải loại “trường dởm” thì cho dù có đỗ và tốn công lao và tiền bạc học 3-4 năm trời nhưng e rằng kiến thức và kỹ năng hành nghề chẳng thu lượm được bao nhiều, khi bước vào đời khó kiếm được việc làm với tấm bằng của những trường kém chất lượng.