Nghệ An:
Báo động ô nhiễm môi trường và mất an toàn lao động tại Nghệ An!
(Dân trí) - Lãnh đạo tỉnh Nghệ An từng nhấn mạnh rằng: “không thu hút đầu tư bằng mọi giá và đổi dự án lấy môi trường”. Nhưng thực tế thì hàng loạt cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh này đang đối mặt với ô nhiễm môi trường do thiếu hệ thống xử lý nước thải. Chưa kể, tình trạng mất ATLĐ từ các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã ở mức đáng báo động.
12/20 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải
Trong cuộc làm việc giữa đoàn giám sát của HĐND tỉnh với UBND tỉnh Nghệ An chiều ngày 12/11, vấn đề ô nhiễm môi trường, mất ATLĐ được được nhắc đến khiến nhiều người không khỏi lo ngại.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Viết Đường. Hiện đang có nhiều công ty, đơn vị không chấp hành nghiêm và xử lý khắc phục kịp thời các kết luận thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường. Hầu hết các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề tại các huyện chưa xây dựng hệ thống nước thải tập trung.
Tình trạng mất ATLĐ từ các hoạt động sản xuất mỏ.
Thống kê từ UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3/6 KCN đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, gồm Bắc Vinh, Nam Cấm, VSIP; mới chỉ có 8/20 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên chỉ có CCN Tháp- Hồng -Kỷ đã có hệ thống xử lý tập trung, 7 CCN còn lại chỉ có hồ sinh học.
Một trong những địa phương mà nguy cơ ô nhiễm môi trường luôn ở mức cao là huyện Quỳ Hợp. Trên địa bàn huyện này tập trung nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Trong những năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp vừa sản xuất, khai thác vừa xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước nặng nề. Điển hình trong số này là vụ vỡ đập chứa bùn thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc thuộc Công ty Cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh trên đỉnh núi Lan Toong vào tháng 3/2017 khiến người dân các xã xung quanh điều đứng. Mới đây, người dân xã Thọ Hợp huyện Quỳ Hợp lại bức xúc trước vấn nạn các xưởng xẻ đá gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tình trạng công nhân không có đồ dùng bảo hộ lao động rất phổ biến.
Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng, sở TNMT Nghệ An đã thành lập nhiều đoàn thanh kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, sở này đã tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đối với 140 cơ sở và đã tiến hành xử phạt hành chính đối với 31 cơ sở với hơn 2,5 tỷ đồng.
Tính đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đang có 42 cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc các quyết định của thủ tướng và UBND tỉnh. Đến nay, đã có 23/42 cơ sở đã được kiểm tra và chứng nhận hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, 19 cơ sở còn lại chưa hoàn thành xử lý thì có đến 14 cơ sở là đơn vị công ích.
Rõ ràng, để xảy ra thực trạng ô nhiễm môi trường, ngoài trách nhiệm của chính các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị gây ra ô nhiễm còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ huyện đến cơ sở. Trong cuộc làm việc giữa đoàn giám sát HĐND tỉnh và UBND tỉnh Nghệ An chiều 12/11, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung cho rằng: Có khá nhiều các doanh nghiệp trong các CCN bị xử phạt liên quan đến xả thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường và cần phải làm rõ thêm trách nhiệm của UBND cấp huyện với trách nhiệm là chủ đầu tư các CCN khi để xảy ra thực trạng ô nhiễm môi trường.
Người lao động “đánh đu” mạng sống của mình trong lúc làm việc.
Một thực tế rất đáng lo ngại là việc đảm bảo vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập; cụ thể, trong công tác quản lý chất thải nguy hại chưa chặt chẽ, một số doanh nghiệp chưa có kho bãi và chưa có hóa đơn, hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải này theo đúng quy định. Đáng lo hơn, công tác giám sát, kiểm tra “hậu” phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), bản cam kết và kế hoạch BVMT còn hạn chế. Minh chứng là nhiều cơ sở chưa hoàn thành các công trình BVMT theo đúng phê duyệt và việc đảm bảo môi trường còn những hạn chế. Công tác quan trắc môi trường tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa phản ánh đúng với thực tế, kết quả các chỉ số quan trắc đều đạt thấp hơn tiêu chuẩn cho phép, song qua giám sát trực tiếp cho thấy môi trường đang rất ô nhiễm.
Lơ là đảm bảo ATLĐ?
Tình trạng khai thác vàng chui đang diễn ra phức tạp tại các huyện miền núi Nghệ An.
Đây là vấn đề rất đang lo hiện nay tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tình trạng người lao động không được trang bị bảo hộ lao động làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn còn nhiều. Có biệt có tình trạng, các chủ sử dụng lao động lơi là, thiếu quan tâm đến sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động. Tại một số mỏ khai thác đá xây dựng ở Yên Thành, khai thác khoáng sản ở Quỳ Hợp… hình ảnh rất dễ nhận thấy là người lao động “đánh đu” mạng sống của mình bằng một sợi dây thừng quấn ngang người, làm việc bên các sườn đá cheo leo.
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường hơn bao giờ hết.
Theo thống kê, hàng năm trên địa bàn tỉnh đều xảy ra các vụ tai nạn tại các mỏ khai thác đá khiến người lao động nhẹ thì bị thương, nặng thì tử vong. Mới đây, ngày 26/6/2018, tại xã hạ Sơn huyện Quỳ Hợp, trong quá trình thi công cột để kéo cáp viễn thông, Công ty cổ phần Đông Đông (đơn vị ký hợp đồng thi công xây dựng công trình với Viettel Nghệ An), đã xảy ra sự cố mất ATLĐ gây hậu quả nghiêm trọng, khiến 4 người dân tử vong và 3 người bị thương. Theo kết quả làm việc ban đầu, Công ty cổ phần Đông Đông xác nhận tại tuyến cột thi công xảy ra tai nạn, Công ty cổ phần Đông Đông đã tự ý thi công khi chưa nhận được lệnh khởi công từ phía Viettel và để xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Cột khói thải ra từ phía nhà máy chế biến gỗ Nghệ An.
Từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 66 vụ tai nạn lao động làm 81 người bị nạn, trong đó có 18 người chết/15 vụ, 44 người bị thương nặng.
Trước thực tế này, vấn đề mất ATLĐ tại Nghệ An cần phải được siết chặt hơn nữa để tránh các sự cố đáng tiếc về người và tài sản. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức, hiểu biết cho chính người lao động thì cần phải gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm và mạnh tay với những ông chủ để xảy ra mất ATLĐ dẫn tới sự cố đáng tiếc.
Duy Tú