Bằng chứng?
Nói đến tội phạm, dù đó là tội phạm dân sự, hình sự hay quân sự... trước hết phải nói đến “bằng chứng”. Không có bằng chứng thì không thể quy tội cho bất kì ai. Đó là Pháp luật!
Nhưng trong thực tế cuộc sống, không phải lúc nào và người nào cũng có được bằng chứng (đặc biệt khi người đó chỉ là dân thường). Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, nếu cứ đợi tìm được bằng chứng, có khi một vụ án nhỏ lại trở thành một vụ án lớn.
Xin dẫn lại đây câu chuyện cổ. Xưa có chú học trò, lần đầu từ quê lên phố tỉnh chơi. Đêm ấy chú ngủ lại một quán trọ, định để sáng mai đi xem chợ phiên. Không may, đêm ấy nhà trọ xẩy ra vụ mất trộm. Người ta nghi cho chú. Thế là chú học trò tội nghiệp bị quan huyện ra lệnh bắt nhốt lại để điều tra.
Sau một ngày bị giam giữ, tra xét, quan huyện mới tìm ra được thủ phạm chính; chú học trò được minh oan và thả ra. Hôm sau đi học, chú tức tưởi kể lại sự vụ với thầy giáo và bạn bè. Tưởng thầy sẽ thông cảm, ai dè, sau khi im lặng lắng nghe toàn bộ câu chuyện, ông thầy bèn ra lệnh phạt trò đó mười roi.
Chú học trò ngoan ngoãn leo lên nằm úp mặt xuống tấm phản chờ trận đòn mà lòng hoang mang vô kể. Chúng bạn đồng môn cũng lấy làm ngạc nhiên trước quyết định của người thầy giáo già:
- Thưa thầy! Trò này vô tội, sao lại bị đòn ạ?
Thầy giáo từ tốn giải thích:
- Đúng là trò này vô tội. Nhưng tại sao trong nhà trọ đêm ấy có bao nhiêu người, mà người ta chỉ ngờ mỗi mình nó ăn cắp? Thầy đánh đây là đánh cái tội đã không có được tác phong của con người chính trực, để người đời hiểu lầm! Trò này cần rút ra bài học nhớ đời để chăm lo chỉnh đốn tư cách đi đứng, nói năng... Nếu không, ta e rằng sau này vào đời, nó còn gặp nhiều điều hàm oan lớn hơn nữa!
Vậy đấy! Không chỉ là không có bằng chứng, mà chú học trò trong chuyện xưa còn thực sự vô tội. Người thầy giáo làng ngày ấy đã dậy cho tất cả học sinh của thầy một bài học giá trị, bài học về sự giữ gìn tư chất, tác phong trong sinh hoạt, học tập, làm việc. Để sao cho luôn luôn có được một phong thái đàng hoàng, không để dư luận kêu ca, chê trách, nghi vấn...
Có lẽ bài học đó vẫn hoàn toàn còn nguyên giá trị thực tế, không chỉ cho tuổi học trò, mà còn cho rất nhiều người, nhất là những người đang làm nhiệm vụ công bộc với dân.
Trước khi đưa ra câu hỏi: “Bằng chứng đâu?” - khi nhận được đơn thư tố cáo; xin hãy tự hỏi: “Tại sao có chuyện nghi ngờ ấy? Tại sao là mình, là người ấy, mà không phải là người khác?” Đó mới chính là cách ứng xử đúng đắn và hợp lòng dân nhất.
Trần Huy Thuận
LTS Dân trí - Câu chuyên thầy dạy trò đời xưa quả thật có ý nghĩa sâu sắc cho đến đời nay. Tư cách, phẩm chất con người thường biểu hiện ra hành động, tác phong và cách ứng xử. Mọi người biết tự trọng đều giữ phép lịch sự từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, nhất là trong cách ứng xử không để cho ai chê trách, đàm tiếu.
Những người làm việc ở các cơ quan công quyền, được mệnh danh là “công bộc của dân” càng cần có tác phong chuẩn mực, luôn biết lắng nghe ý kiến nhân dân phản ảnh và biết cách xử sự có tình, có lý, chỉ có như vậy mới được dân tin, dân yêu.