Nghệ An:

Ban Quản lý rừng phòng hộ “mập mờ” trong việc thu tiền khai thác rừng tập thể?

(Dân trí) - Sau mỗi lần khai thác xong số rừng keo, nhiều người dân đã nộp số tiền lớn (tiền khai thác rừng tập thể) cho Ban Quản lý rừng phòng hộ. Nhiều người dân cho rằng số tiền mình nộp không đúng với hợp đồng giao kèo, phiếu thu không hợp lệ và việc thu hồi đất cho thuê cũng không có giải thích hay thông báo nào cho người dân.

 

Clip: Người dân bức xúc về việc Ban Quản lý rừng phòng hộ "mập mờ" trong việc thu tiền khai thác rừng tập thể và thu hồi đất sản xuất.

Vừa qua Báo Dân trí nhận được đơn thư phản ánh của nhiều hộ dân trú tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành về việc người dân phải nạp số tiền khá lớn cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành nhưng không được nhận hóa đơn đỏ. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất cho thuê cũng không có thông báo nào cho người dân.

Trong đơn nêu rõ, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều người dân ở xóm Tây Tiến, xã Tiến Thành, huyện Yên thành đã làm hợp đồng trồng rừng keo tại khu vực Dốc Cộ và Hồ Giới thuộc địa phận xã Tiến Thành.

Ban Quản lý rừng phòng hộ “mập mờ” trong việc thu tiền khai thác rừng tập thể? - Ảnh 2.

Phần diện tích đất rừng nơi nhiều hộ dân trồng keo theo hợp đồng.

Sau mỗi lần khai thác keo xong, người dân đã nạp một số tiền khá lớn cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành. Trong đó có các trường hợp như : Bà Phạm Thị Thi nạp: 75 triệu đồng/3,2 ha, Nguyễn Thế Sơn: 89.965 triệu đồng/1.8 ha, Dương Thị Xuân 25 triệu đồng /0,8 ha, Phan Tất Ngọc 30 triệu đồng/ 0,9 ha… .

Theo nhiều hộ dân cho biết, khi thu tiền khai thác rừng tập thể thì cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ chỉ viết một phiếu thu sơ sài không có chữ kí của Ban giám đốc, kế toán mà chỉ có chữ kí của người lập quỹ và triện treo?.

Bên cạnh việc “mập mờ” thu tiền khai thác rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành thu lại số đất hợp đồng mà không có bất cứ một thông báo nào hay một lời giải thích cho dân?.

Bà Phạm Thị Thi ở xóm Tây Tiến, xã Tiến Thành bức xúc: "Gia đình tôi có trồng 3,2 ha keo theo hợp đồng, đến khi thu hoạch thì cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ yêu cầu tôi phải nạp số tiền hơn 100 triệu đồng. Tôi thấy số tiền lớn quá nên phải xin mãi họ mới giảm xuống còn 75 triệu đồng".

Còn anh Nguyễn Thế Sơn cho rằng: "Từ khi trồng keo theo hợp đồng thì nhiều hộ dân ở đây chưa nhận được một khoản tiền hỗ trợ về cây giống và phân bón nhưng khi người dân thu hoạch thì cán bộ Ban Quản lý rừng lại thu theo trên bản hợp đồng đã kí với người dân".

Để làm rõ vấn đề này, sáng 7/9, trao đổi với PV Báo Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Ánh – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành cho biết: “Việc thu tiền khai thác rừng tập thể đối với người dân là đúng quy định của nhà nước và đã ghi rõ trong hợp đồng. Việc thu hồi đất rừng đối với người dân là theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An”.

Ban Quản lý rừng phòng hộ “mập mờ” trong việc thu tiền khai thác rừng tập thể? - Ảnh 3.
Ban Quản lý rừng phòng hộ “mập mờ” trong việc thu tiền khai thác rừng tập thể? - Ảnh 4.

Phiếu thu tiền sơ sài không có chữ kí của Ban giám đốc, kế toán mà chỉ có chữ kí của người lập quỹ và triện treo ?.

Khi PV đặt câu hỏi: Khi cán bộ Ban Quản lý thu tiền của người dân lại không có hóa đơn đỏ?, ông Ánh giải thích: “Việc thu tiền khai thác rừng tập thể thì Ban giao cho đội trực tiếp thu còn hóa đơn đỏ không có là sai sót của cán bộ và người dân. Khi đội trực tiếp thu sẽ nạp về cho Ban quản lý thống kê đầy đủ”.

Tại sao, khi thu một khoản tiền lớn như vậy mà người dân không được nhận hóa đơn đỏ?, Số tiền thu ở đội nạp về có khớp với số tiền thu của người dân hay không? - PV hỏi: Ông Ánh khẳng định: “Sau khi đội thu số tiền về thì được giao cho kế toán của Ban lập đầy đủ. Việc đội không cấp hóa đơn đỏ cho người dân là lỗi của cán bộ. Số tiền thu từ khai thác rừng tập thể này được Ban Quản lý dùng trong việc tạo công ăn việc làm cho công nhân và khi cần thì để trồng rừng thí nghiệm”.

Ban Quản lý rừng phòng hộ “mập mờ” trong việc thu tiền khai thác rừng tập thể? - Ảnh 5.

Nhiều người dân bức về việc thu tiền của Ban quản lý rừng phòng hộ.

Cũng theo ý kiến của ông Ánh thì một số người dân có ý kiến thắc mắc là vì muốn chiếm số diện tích đất đang sản xuất.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Đại - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: "Về phía chính quyền cũng đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc này. Chính quyền xã cũng đã mời phía Ban Quản lý rừng phòng hộ để làm việc nhưng đây là phần đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý nên chính quyền không thể giải quyết được".

Theo nhiều người dân cho biết thêm, trong hợp đồng trồng rừng thì nhiều năm nay người dân chưa được nhận số tiền hỗ trợ từ cây giống, phân bón… của Ban Quản lý rừng phòng hộ nhưng khi khai thác thì cán bộ buộc người dân phải nạp số tiền hợp đồng nhanh chóng. Như vậy có thể khẳng định Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành đã làm sai hợp đồng với người dân.

Được biết, những số hộ dân trồng rừng tập thể là những công nhân về hưu. Việc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành thu tiền khai thác rừng tập thể đang còn “mập mờ” không giải thích rõ cho người dân, sai quy định hợp đồng và việc thu lại đất sản xuất đã đẩy cuộc sống của người dân vào một thế "tiến thoái lưỡng nan".

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin này đến bạn đọc.

Nguyễn Tú