Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang “ưu ái” cho doanh nghiệp vi phạm Luật bảo vệ môi trường?

(Dân trí) - Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tỉnh Bắc Giang tổ chức kiểm tra thực tế tại địa điểm thực hiện dự án “Nhà máy Jeil-Tech Vina” tại KCN Vân Trung, huyện Việt Yên thì “ngã ngửa” khi phát hiện doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng xong hàng chục nghìn m2 dù chưa hề được duyệt ĐTM.

Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang vừa có công văn do ông Vũ Văn Tưởng ký gửi Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang cho biết: Ngày 6/11/2018, Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường tổ chức buổi thực tế địa điểm thực hiện dự án “Nhà máy Jeil-Tech Vina” tại lô CN-15, KCN Vân Trung, huyện Việt Yên do Công ty TNHH Jeil-Tech Vina làm chủ đầu tư.

Kết quả cho thấy, Công ty TNHH Jeil-Tech Vina đã triển khai xây dựng nhà xưởng có diện tích sàn 8275,5m2 từ tháng 8/2018, hiện tại nhà xưởng đã cơ bản xây xong phần thô, gồm 3 tầng (diện tích đã xây dựng là 21.000m2), đã xây dựng tường bao xung quanh nhà xưởng đến tầng 2. Công ty đã xây dựng xong phần móng, tường ngăn các bể của hệ thống xử lý nước thải; Đã xây dựng xong phần móng và thành bể tại bể nước ngầm.


Khu công nghiệp Vân Trung tại tỉnh Bắc Giang.

Khu công nghiệp Vân Trung tại tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng chú ý là Công ty TNHH Jeil-Tech Vina đã được Ban quản lý các KCN Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư mã số dự án số 9818362644 ngày 10/2/2015, chứng nhận thay đổi lần thứ 3 ngày 2/7/2018 (bổ sung thêm mới địa điểm 2 tại Lô CN 15); Giấy phép xây dựng số 35.2018/GPXD ngày 25/10/2018.

Công văn của Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang nêu rõ: Theo khoản 2, Điều 25, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2015 của Quốc hội quy định: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giác tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc: quyết định chủ trương đầu tư dự án, cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận đầu tư với dự án.

Trước thực trạng nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng cho các Dự án “lờ đi” Luật Bảo vệ môi trường, bỏ qua thủ tục xem xét các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trước khi cấp phép xây dựng dẫn đến hậu quả xấu, làm cản trở tiến trình đầu tư thuận lợi của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã trao đổi nhằm làm rõ tính pháp lý cũng như những bất cập (nếu có) giữa Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường. Cả 2 Luật này đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.


Sở TN&MT tuýt còi việc cấp giấy phép xây dựng của Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho doanh nghiệp chưa được phê duyệt ĐTM.

Sở TN&MT "tuýt còi" việc cấp giấy phép xây dựng của Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho doanh nghiệp chưa được phê duyệt ĐTM.

Theo Luật sư Vi Văn Diện, Luật Xây dựng có quy định rất rõ về yêu cầu bảo vệ môi trường. Cụ thể, trong giai đoạn khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng, tại Khoản 5, Điều 82 có quy định: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng.

Tiếp đó, tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 91, Luật Xây dựng quy định phải bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh. Đồng thời, phải có thiết kế xây dựng công trình đã được kiểm duyệt theo Điều 82 của luật này.


Luật sư Vi Văn Diện: Xét theo cả Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường, việc cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp chưa được duyệt ĐTM là trái các quy định pháp luật.

Luật sư Vi Văn Diện: Xét theo cả Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường, việc cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp chưa được duyệt ĐTM là trái các quy định pháp luật.

Đối với điều kiện cấp phép giấy phép xây dựng của công trình không theo tuyến ngoài đô thị, tại Khoản 2, Điều 92, Luật Xây dựng về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình không theo tuyến ngoài đô thị cũng yêu cầu phải đáp ứng điều kiện quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều 91 của Luật Xây dựng.

Ngoài ra, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 102, Luật Xây dựng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định tại Luật này để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, tại Khoản 2, Điều 19 về thực hiện đánh giá tác động môi trường, “việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án” và tại Mục d, Khoản 2, Điều 25 về “Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm