Bàn luận rôm rả quanh chuyện li hôn

(Dân trí) - Sau khi đọc bài viết “Li hôn là tiến bộ của nhân loại!?” của tác giả Bùi Rửa Bát, độc giả Dân trí khắp nơi gửi rất nhiều ý kiến bàn luận quanh chủ đề khá nhạy cảm này.

Góc nhìn  phương Tây

 

“Thực tế cho thấy xã hội phát triển hay không tùy thuộc vào mỗi gia đình và ý thức của mỗi cá nhân. Với xã hội ngày nay quan điểm như JC cũng không sai. Có rất nhiều gia đình vẫn phải sống trong sự giả dối về mặt tình cảm nhất là khi đã có con, nhưng về bản chất thì hoàn toàn lại không phải thế. Sự giả tạo trong lối sống gia đình không những không tốt cho hai người mà nó còn ảnh hưởng đến cách sống của con cái sau này, chi bằng mọi việc nên giải quyết dứt điểm. Ở xã hội đang ngày càng phát triển như bây giờ  thì "giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc chính là việc làm mang tính nhân văn” - Cu Tễu - Nam - 24 tuổi - Từ Nam Định

 

Suy nghĩ như mẹ Bống là lối suy nghĩ của một thế hệ trước. Còn như mình, mình cũng có suy nghĩ giống như JC. Nếu đã không còn thấy phù hợp với nhau thì li hôn là cách tốt nhất để giải thoát, là điều cuốí cùng tốt nhất mà mình làm cho người mà mình đã từng yêu” - Anh2 - Nam - 32 tuổi - Từ Hà Nội

 

“Pháp luật đã sinh ra kết hôn thì cũng sẽ sinh ra ly hôn khi mà 2 người không còn hợp nhau nữa. Đó là sự tiến bộ của nhân loại, nó là việc làm tốt không chỉ cho nữ mà còn cho nam. Chúng ta hãy ngẫm nghĩ kỹ 1 câu nói trong mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” - Lê Như Ý - Nam - 22 tuổi - Từ Hà Nội

 

“Mình thấy ý kiến của JC chuẩn đấy... rất tiến bộ... rất văn minh...và bình đẳng nữa... Đó là sự tự do... mang cả tính nhân văn cao đẹp” - ZayT_A - Nam - 24 tuổi - Từ Nam Định

 
Bàn luận rôm rả quanh chuyện li hôn - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 

Mình thấy JC suy nghĩ đúng đấy chứ. Ly hôn đúng là 1 bước ngoặt của nhân loại và là đỉnh cao của sự bình đẳng giữa nam và nữ. Khi tình cảm không còn, ly hôn chính là giải pháp cho cả 2 người mà. Mình đánh giá cao cái nhìn có chiều sâu của anh chàng này, khách quan quá!!!” - hà khanh - Nam - 24 tuổi - Từ Nam Định

 

Rất đúng! Sống không ràng buộc,"thích thì đến với nhau, không thích thì chia tay" chứ miễn cưỡng không giải quyết được gì” - Nguyễn Hữu Trung - Nam - 30 tuổi - Từ Khánh Hòa

 

Mình thấy quan điểm của JC là hoàn toàn có lý. Có điều với cách nhìn , cách nghĩ của đa phần người Việt Nam ta còn nhiều hủ tục lỗi thời. Cái cho là đạo đức là văn minh nhưng thực tế lại là tụt hậu, nhưng tin rằng đến một lúc nào đó mọi người sẽ công nhận và làm theo suy nghĩ của JC bây giờ” - Mai Lan - Nam - 30 tuổi - Từ Khánh Hòa.  

 

Góc nhìn phương Đông

 

Tôi thì không phản đối chuyện li hôn nếu giữa hai người không còn hợp nhau nữa, nhưng phải hỏi xem tại sao lại đi tới mức đó chứ. Vì vội vàng kết hôn hay còn gì nữa? Ông chỉ nhìn thấy cái trước mắt thôi. Cuộc sống gia đình nảy sinh mâu thuẫn, cãi cọ là chuyện sẽ xảy ra, vấn đề là tìm cách giải quyết và hàn gắn tình cảm. Tại sao không nghĩ rằng tỷ lệ ly hôn thấp là văn minh? Đừng nhìn vào tỷ lệ hay số vụ ly hôn mà hãy xem vì sao ly hôn. Có những lý do dẫn tới ly hôn mà theo tôi không thể nào coi là văn minh được” - liscom.info - Nam - 25 tuổi - Từ Phú Thọ

 

JC hỡi! Hiện ở VN 3-4 thế hệ cùng chung sống một nhà là bình thường. Như vậy li hôn dễ có tâm lí cô đơn và thiệt thòi cho con cái (cái này ở nước bạn có vẻ đơn giản hơn). Ở VN, còn sống thì còn phải lo cho con, mặc dù nó đã lớn...” -lethanh - Nữ - 32 tuổi - Từ Hà Nội

 

Đệ mới 23 tuổi nên chưa hiểu rõ mấy vấn đề mâu thuẫn gia đình lắm. Nhưng đệ thấy có mấy vấn đề đáng chú ý như sau:

-Trước khi kết hôn, chẳng phải các anh chị đều đã tìm hiểu nhau rất kỹ rồi mới quyết định kết hôn sao? Như vậy thì phải có trách nhiệm với quyết định của mình chứ?

-Kết hôn rồi, nhất là có con rồi, các anh chị lại cảm thấy không hợp nhau nữa... Không hợp nhau nữa thì bắt đầu tiến tới ly hôn. Vậy thì hãy làm trước khi sinh con. Chung quy là anh chị được giải thoát, còn con anh chị thì khổ sở vì cuộc sống không có đầy đủ cha mẹ, khổ nhất là con của anh chị mà thôi.

 -Còn giả như sống với nhau đã như là 1 cực hình, thì hãy cân nhắc tới chuyện ly hôn, hậu quả của một lối sống bốc đồng. Xin mạn phép kết lại như sau: Hãy chịu trách nhiệm với những quyết định của mình” - son tran - Nam - 27 tuổi - Từ Quảng Ninh

 

Mình nghĩ suy nghĩ của JC Smith mới đúng theo một khía cạnh, nếu không còn hợp nhau thì ly hôn là giải pháp tốt nhất cho hai người. Nhưng người Việt Nam coi trọng gia đình bền vững, họ phải yêu thương nhau mới đi đến hôn nhân. Còn bây giờ nhiều người coi nhẹ hôn nhân, đến với nhau dễ và ly hôn cũng dễ. Nhưng điều quan trọng là sau ly hôn họ để lại những đứa con thiếu cha hoặc thiếu mẹ, không được chăm sóc tốt nhất và còn nhiều khó khăn khác cho cả hai người” - Ngân - Nữ - 24 tuổi - Từ Hưng Yên

 

“Theo tôi, nếu cuộc sống đã quá sức chịu đựng của cả hai người thì nên giải thoát cho nhau. Li hôn không thể coi là tiến bộ. Khi đó giá trị của hạnh phúc gia đình đã bị xem nhẹ mất rồi. Cần phải phấn đấu, cố gắng để có một gia đình hạnh phúc. Như thế con cái sẽ được chăm sóc chu đáo, khôn lớn, trưởng thành. Như thế xã hội mới tiến bộ được” - hp - Nữ - 25 tuổi - Từ Ninh Bình

 

Li hôn, theo tôi nghĩ, đó là sự phát triển theo quy luật tự nhiên, quy luật xã hội của loài người. Nhưng cũng cần xét tới điều kiện để khi đưa ra quyết định li hôn. Các bạn cứ nói li hôn xong là xong sao, sao các bạn không quan tâm tới những người thân, đặc biệt là con cái. Khi li hôn rất có thể những đứa con mà mình sinh ra thành hư hỏng, thành tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng tới xã hội. Khi đó là đã thiếu trách nhiệm trước hết với con cái, sau là thiếu trách nghiệm với xã hội. Qua đây tôi chỉ mong rằng mỗi người cần cân nhắc kỹ để thế hệ tương lai - xã hội tương lai được tốt đẹp hơn” - Mai Thanh - Nam - 32 tuổi - Từ Hưng Yên

 

Lựa chọn cuối cùng

 

Nếu li hôn là tiến bộ nhân loại, thì nếu anh sinh ra trong gia đình cha mẹ đều ly hôn, anh sẽ rất hạnh phúc sao? Anh có nghĩ đến con anh sẽ như thế nào nếu không có một gia đình thực sự? Ly hôn chỉ là giải pháp cho những hôn nhân không thể cứu vãn được. Tiến bộ của nó là ở chỗ đó. Dù ở nền văn hóa nào, dân tộc nào, thời đại nào, cuộc sống gia đình hạnh phúc cũng là mong muốn người ta hướng đến. Tiếp thu văn hóa phương Tây là tốt, nhưng không nên nhìn sự việc một cách phiến diện và vô trách nhiệm để dẫn đến sai lầm trong cách sống” - Trường Giang - Nữ - 26 tuổi - Từ Vĩnh Long

 

Cái gì cũng có 2 mặt của nó. Hôn nhân là một vấn đề rất phức tạp mang tính xã hội, chính vì thế người ta cần phải cân nhắc và tìm hiểu rất kỹ trước khi tiến đến hôn nhân. Trong xã hội phương Tây, con người sống vì bản thân mình nhiều hơn, cái đó cũng có cái tốt và cái không tốt. Tốt ở chỗ, người ta luôn phấn đấu, nỗ lực để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình. Không tốt ở chỗ, người ta thực dụng đến ích kỉ, đến một lúc nào đó nếu không học cách sống vì người khác, biết hi sinh thì bản thân họ cũng đi đến bế tắc và không thỏa mãn được bản thân mình. Không phải tự dưng mà văn hóa truyền thống tồn tại hàng ngàn năm. Sự tiến bộ của xã hội mà JC nói chỉ mang tính nhất thời, chưa chắc đã là đúng” - Quách Bình - Nam - 32 tuổi - Từ Hà Nội

 

Anh JC cũng có cái lý của anh nhưng li hôn chỉ là trường hợp xấu nhất và tệ nhất của mối quan hệ vợ chồng, khi họ không thể cứu vãn được...Nhưng ngay bản thân tôi sống trong 1 gia đình có cả Bố và Mẹ thì tôi cảm thấy rất hạnh phúc sau mỗi lần đi xa. Tôi đi bất kỳ chỗ nào cũng chỉ muốn về một nơi mà ở đó có cả Bố và Mẹ đang đợi mình.Cuộc sống có ý nghĩa và động lực hơn rất nhiều so với những người bạn có cha mẹ li hôn. Họ bị tổn thương tinh thần ghê gớm lắm” - Jeni Nguyen - Nữ - 28 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh

 

Cuộc sống, hạnh phúc là vậy, luôn luôn là những ẩn số mà chúng ta phải tìm kiếm, phải đấu tranh... Hạnh phúc rất gần nhưng cũng rất xa xôi. Hãy làm tất cả những gì có thể để không phải nói lời hối tiếc!!!

 

Bách Linh