Ban đại diện cha mẹ học sinh thu quỹ lớp không đúng quy định có bị phạt?

Thế Hưng

(Dân trí) - Sự việc một phụ huynh học sinh phát biểu "Nếu khó khăn đừng học lớp này" đã khiến nhiều người bức xúc đặt câu hỏi, có căn cứ pháp luật nào để phạt ban đại diện thu các khoản thu không đúng quy định?

Tối 11/10, trên mạng xã hội xuất hiện clip về buổi họp cha mẹ học sinh lớp 3/10 Trường tiểu học An Hội (quận Gò Vấp, TP HCM) đầu năm học 2022-2023. Theo đó, đại diện ban phụ huynh lớp đã đứng trên bục giảng "chỉ mặt, gọi tên" những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cho con theo học ở lớp.

Trong buổi họp, một phụ huynh học sinh đã yêu cầu bà Phạm Thị Kim Tuyến (người trong clip) khi đó là Phó ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) năm học trước của lớp trả lời về vấn đề lạm thu, thu đổ đồng. Vị phụ huynh này cho rằng con bà bị cô lập, có thể bị chuyển sang lớp khác.

Bà Tuyến giải thích, việc làm của mình xuất phát từ mong muốn các con trong lớp có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt. Vì lý do đó, bà hỏi những người có hoàn cảnh khó khăn: "Việc đóng góp vậy thì có nên cho con ở lại học trong lớp không?".

Theo hiệu trưởng Trường tiểu học An Hội, bà Tuyến không được tái đắc cử vào BĐD CMHS lớp năm học 2022-2023. Sau buổi họp, bà N.T.L. đăng đoạn clip tự quay lên mạng xã hội. 

Bình luận về vụ việc, độc giả Dân trí cho rằng, "Ngoài những khoản thu chính đáng thì: Nào là ti vi, máy chiếu, điều hòa, âm thanh loa đài. Nào là bàn là ghế, nào là bút là phấn sổ ghi đầu bài, nào là tiền cho các sự kiện nhà trường tổ chức, nào là chi hỗ trợ đội an ninh... Có quá nhiều khoản thu đè đầu lên một học sinh và đó là gánh nặng của gia đình các em.

Không rõ cái gọi là xã hội hóa giáo dục đang biến tướng và bành trướng như thế nào, không rõ cái dạy thêm học thêm tràn lan giờ như thế nào. Không cho con theo, không theo số đông thì kiểu gì cũng có chuyện và người bị thiệt là con cái mình. Thiết nghĩ, hãy trả lại cách quản lý và vận hành giáo dục như trước đây, đề nghị giải tán ngay cái hội cha mẹ học sinh. Đây chỉ là cách tay nối dài hợp thức hóa cho nhà trường lạm thu."

"Mùa nhập học của các con - Mùa nhăn mặt của bố mẹ. Tiếng là đóng góp "tự nguyện" nhưng thực chất là tự nguyện trên nguyên tắc gần như bắt buộc".

"Nếu thu sai, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật"

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật Chính Pháp, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh được thực hiện theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT Ban hành kèm theo điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, tăng cường hiệu quả trong công tác giáo dục.

Ngoài ra, ban đại diện cha mẹ học sinh cũng sẽ thực hiện các nhiệm vụ thu tiền để thực hiện cho các hoạt động chung, ngoại khóa và chúc mừng các thầy cô trong những ngày lễ.

Clip họp phụ huynh tại Trường tiểu học An Hội, Gò Vấp, TPHCM đang gây tranh cãi

Tuy nhiên, Điều 10 của Thông tư 55 quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như sau: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp; Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.

Việc quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng được quy định như sau: Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến; Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh thu quỹ lớp không đúng quy định có bị phạt? - 1

Vụ việc gây bức xúc trong cộng đồng mạng xã hội (Ảnh cắt từ video).

Điều 10 cũng quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Như vậy, trường hợp ban đại diện cha mẹ học sinh vi phạm quy định tại khoản 4, điều 10 của thông tư ban hành kèm theo quy chế này như: Thu quỹ mà không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện hoặc các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh thì đây là hành vi vi phạm.

Điều 15 của quy chế này quy định: "Tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý cản trở việc thực hiện Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, vi phạm các quy định của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật".

Bởi vậy, trong trường hợp hội cha mẹ học sinh thu các khoản thu vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 10 của quy chế ban hành kèm theo thông tư 55/2011/TT-BGDĐT thì các phụ huynh có quyền yêu cầu hoàn lại. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Hiệu trưởng nhà trường cũng cần có trách nhiệm trong việc nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nếu không tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo quy định của hiến pháp, luật giáo dục, các văn bản pháp luật có liên quan thì quyền học tập là quyền cơ bản của mọi công dân và mọi công dân đều được quyền đối xử bình đẳng trong học tập, không có chuyện đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người nào. Việc một vài phụ huynh tự ứng cử vào ban đại diện cha mẹ học sinh, tự cho mình cái quyền đưa ra những quy định về việc thu chi bất chấp các quy định của pháp luật là một điều rất đáng trách.

Các phụ huynh cũng như đại diện nhà trường, cơ quan chức năng cần phải có những ý kiến phải can thiệp, chỉ đạo để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra

Những khoản tiền thu không đúng quy định thì phải hoàn trả lại cho các phụ huynh, các khoản chi sai quy định gây thiệt hại thì người đã chi sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Bình luận (0)
để gửi bình luận