“Bài văn lạ” - Báo động về đạo đức học đường

Dư luận gần đây xôn xao về một “bài văn lạ” được phát tán trên mạng Internet, có ý kiến cho rằng đó chỉ là một trò đùa. Song từ góc nhìn của một giáo viên, chúng tôi nhận thấy đó là một tín hiệu báo động đỏ về đạo đức, lối sống học đường thời nay…

Trước hết, xin nói về sự sáo rỗng trong việc dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Khi báo chí giới thiệu một số đề văn của Trung Quốc ra theo hướng mở, thế là người ta đua nhau kết tội phương pháp dạy học văn của ta từ xưa đến nay là áp đặt, công thức, sáo mòn, nhồi nhét… Không biết ai đã khởi xướng ra đề bài “Anh, chị hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện Trọng Thuỷ và Mỵ Châu gặp nhau dưới thuỷ cung (hay âm phủ)”. Nhận thấy đây là một đề “mới”, “phát huy sáng tạo” nên các thầy cô triệt để áp dụng, ở tất cả các lớp, trong tất cả các hình thức kiểm tra trên cả nước… Kết quả có hàng triệu bài làm na ná nhau - sinh ra một thứ khuôn sáo mới, hoặc đẻ ra những “bài văn lạ” kì quái như của em Bùi Minh Thu trường THPT Marie Curie (Hà Nội).

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Có thể bài văn em Thu chỉ viết để đùa chơi, nhưng lời nói đùa nào cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Nếu như một học sinh ở vùng nông thôn thật thà chất phác thì không thể “đùa” một cách “bài bản”, với một câu chuyện chặt chẽ trên 3 trang giấy như vậy.

Bài văn của Bùi Minh Thu có thể đem lại tiếng cười cho một số người, song đằng sau tiếng cười ấy là những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng của đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, trong đó có nhiều “cư dân mạng”.

Đó là việc sử dụng tiếng lóng (tiếng Anh) vô tội vạ, cho thấy sự coi thường đối với tiếng Việt. Hiện tượng này đã trở nên phổ biến trong giao tiếp hàng ngày của không ít học sinh đang làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt. Ngay trên chương trình “Nhật ký Vàng Anh” của VTV3, lối xưng hô “ông ông, tôi tôi” giữa các học sinh mặc dù chưa đến nỗi thô tục song cũng đã bị nhiều khán giả phản đối mạnh mẽ.

Thế mà trong bài văn của Bùi Minh Thu đã xuất hiện nhiều tiếng lóng của “dân chơi” thứ thiệt, phản ánh một lối sống thác loạn, suy đồi. “Bài văn lạ” này cũng cho thấy tác giả dù mới là một học sinh lớp 10 nhưng đã có những kiến thức nhất định về những tiêu cực, “mặt trái” của xã hội: hối lộ, lô đề, ngoại tình, “chát chít”…mà nếu như tác giả không trực tiếp chứng kiến hay tham gia thì đích thực thu lượm được trên Internet với những hoạt động “chát chít”, những trò chơi trực tuyến sặc mùi bạo lực, xã hội đen và những trang web, những diễn đàn không lành mạnh. Đằng sau những nội dung ấy là một cách nhìn lệch lạc về cuộc sống, phản ánh một tâm hồn đã ít nhiều bị “bôi đen”.

Giáo sư Văn Như Cương trong một bài viết trên tạp chí Tia sáng đã cảnh báo về cái gọi là “sáng tạo” nhưng không dựa trên một nền tảng kiến thức vững vàng, sâu sắc thì sẽ đẻ ra những thứ bịa đặt hoặc ăn cắp. Đây là một điều rất đáng để cho các nhà giáo dục với quan niệm giáo dục “sáng tạo” suy ngẫm.

Điều đó cho thấy giữa giáo dục trong nhà trường và thực tế cuộc sống, mối quan tâm của học sinh đã có một khoảng cách rất lớn, nếu không được quan tâm đúng mức và có những giải pháp kịp thời, hợp lí thì sẽ tạo ra những “lỗ hổng chết người” và những hậu quả khôn lường về sau. Rõ ràng giáo dục không thể né tránh thực tiễn mà cần trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết, cả niềm tin vào những điều tốt đẹp lẫn sự cảnh giác với những mặt trái của xã hội để các em có đủ bản lĩnh, sự tự tin, “sức đề kháng” khi bước vào đời. Tuy nhiên, những giải pháp và nội dung cụ thể cần phải có sự quan tâm nghiên cứu của các nhà giáo và toàn xã hội.

Từ bài văn của Bùi Minh Thu với chi tiết Mỵ Châu tái hợp Trọng Thuỷ, chúng tôi thấy một vấn đề nghiêm trọng hơn cả là các em đã xem nhẹ, thờ ơ với vận mệnh, chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Giáo dục cho học sinh tình yêu nước, tự hào dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục.

Bài học lớn nhất của truyền thuyết “An Dương Vương và Mỵ Châu-Trọng Thuỷ” là bài học đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết, bài học về ý thức cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù, bài học giữ nước. Bài học ấy đã được nhân dân khắc tạc bằng hành vi chém chết con gái vô cùng bi tráng của An Dương Vương, bằng lời khấn nguyện của Mỵ Châu trước khi chết, bằng bức tượng Mỵ Châu không đầu như mãi mãi nhức nhối về một bi kịch lầm đường lạc lối.

Thế nhưng, nhiều giáo viên đã giảng giải rằng chi tiết “ngọc trai nước giếng” là một “biểu tượng đẹp đẽ của tình yêu chung thuỷ”. Và “phát huy” tinh thần ấy, trong những bài viết của mình, không ít học sinh đã dễ dãi cho Trọng Thuỷ và Mỵ Châu tái hợp, tiếp tục yêu đương và sống với nhau hạnh phúc. Quan niệm này được một số nhà giáo ủng hộ, coi đó là “sáng tạo”, “khoan dung”, “tiến bộ”.

Kì lạ nhất là trên một tạp chí văn học rất được học sinh yêu thích lại cho đăng một bài làm theo đề văn nói trên với màn “Trọng Thuỷ-Mỵ Châu tái hợp” lâm li, mùi mẫn. Có người con gái Việt Nam nào lại tiếp tục yêu một kẻ gián điệp cướp nước, lừa dối, hãm hại cha và bản thân? Cái hành vi nhân danh tình yêu ấy thực chất đã chà đạp lên chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, đạo lí nghìn đời của cha ông, thực ra cũng trái ngược với qui luật của tình yêu chân chính. Vậy mà bài viết ấy được đăng để hàng triệu học sinh và giáo viên coi như mẫu mực của sự “sáng tạo”! (Tạp chí Văn học & Tuổi trẻ số tháng 10/2007-chúng tôi không nêu cụ thể vì lí do tế nhị).

Vậy là người lớn, mà cụ thể là những bậc làm cha làm mẹ, các thầy cô giáo có lỗi trước hết về những biểu hiện lệch lạc trong đạo đức, lối sống của con trẻ. Thật khó lòng yêu cầu các em chỉ nghĩ và nói về những chuyện tốt đẹp khi mà cuộc sống xung quanh còn rất nhiều mảng tối, khi mà bất cứ tờ báo, buổi phát thanh hay trang web nào, ngay cả những câu chuyện trong gia đình cũng bắt đầu bằng những tin “nóng” không mấy tốt đẹp…

Chống tiêu cực là việc của toàn xã hội, còn giáo dục cho các em một nhân sinh quan lành mạnh, tích cực, một bản lĩnh vững vàng là nhiệm vụ của các bậc làm cha làm mẹ, của các thầy cô giáo. Xin hiểu khái niệm “giáo dục” không chỉ đơn thuần là lời nói. Chúng tôi xin nêu một ví dụ nhỏ: nếu như một học sinh biết được cha mẹ đã phải “chạy trường” cho em vào học, thì những lời giáo huấn về đạo đức trong nhà trường rất khó tạo được niềm tin nơi em học sinh ấy.

Trước đây, dư luận đã xôn xao về “bài văn lạ” của một học sinh lớp 11 trong kì thi học sinh giỏi thành phố Hà Nội, nay lại thêm bài văn lạ của của Bùi Minh Thu… Đây không phải là bài viết của những học sinh yếu kém, không thuộc bài nên viết quấy quá kiểu “râu ông nọ chắp cằm bà kia” mà là bài viết của những học sinh giỏi, có hiểu biết về xã hội, vì vậy tính chất “cấp báo” càng mạnh mẽ, bức thiết hơn.

Gần đây, dư luận lại nóng lên vì chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông, sự thờ ơ của học sinh đối với môn Giáo dục công dân… Đã đến lúc cần phải xem xét lại tình hình dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn trong các trường phổ thông, đánh giá đúng thực trạng, nghiên cứu nguyên nhân và tìm ra giải pháp. Bởi các môn học này tạo nên nhân cách, là cái gốc của con người, nền tảng và là mục tiêu của nền giáo dục và sự phát triển xã hội.

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong các môn học nói chung cũng như môn Ngữ văn nói riêng là hết sức cần thiết. Những thầy giáo có tâm huyết và nắm vững phương pháp sư phạm bao giờ cũng trân trọng và khuyến khích sự sáng tạo của mọi học sinh. Nhưng đấy phải là sự sáng tạo đích thực, thật sự có tìm tòi, đem lại những giá trị mới (dù là nhỏ bé), chứ không phải là sự phản lại những giá trị truyền thống đã làm nên cốt cách của dân tộc, đã hình thành nên ngôn ngữ mang bản sắc riêng của dân tộc.

Bảo vệ những giá trị truyền thống của dân tộc cũng như bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người công dân Việt Nam. Nhà trường làm nhiệm vụ giáo dục phải nêu gương thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đó.

Với ý nghĩa ấy, chúng tôi hoan nghênh tác giả viết bài trên đây tỏ thái độ phản ứng mạnh mẽ về “bài văn lạ”.

Diễn đàn Dân trí mong tiếp tục nhận được những bài viết trao đổi về chủ đề nâng cao chất lượng dạy môn Ngữ văn trong nhà trường, một môn học góp phần quan trọng vào việc nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ và hình thành nhân cách của học sinh.