Hà Nội:
Bài 5: ''Phải xem xét khởi tố ngay vụ cưỡng chế chấn động tại xã Bình Yên"
(Dân trí) - "Nếu thời hạn cưỡng chế là ngày 27 Tết nhưng mới ngày 24 Tết, chính quyền huyện Thạch Thất và xã Bình Yên đã cưỡng chế phá nát nhà, tài sản 52 hộ dân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn cần phải khởi tố ngay", luật sư Vi Văn Diện phân tích.
Vụ cưỡng chế chấn động vào ngày 24 Tết Giáp Ngọ của chính quyền huyện Thạch Thất và xã Bình Yên phá nát nhà, tài sản của 52 hộ dân tại làng cổ Vân Lôi đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Trong vụ cưỡng chế chấn động đẩy cả trăm con người, trong đó có nhiều cụ già, trẻ em, thậm chí cả gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng vào cảnh khốn cùng ngay những ngày giáp Tết, lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất cùng chính quyền xã Bình Yên đã huy động đến 780 người cùng 4 máy ủi, 2 xe đặc chủng tham gia.
Theo đơn kêu cứu của các hộ dân làng Vân Lôi, thông báo thời gian gia hạn cưỡng chế đến ngày 27/1 (tức 27 Tết Giáp Ngọ) nhưng mới đến ngày 24/1 (24 Tết Giáp Ngọ), đoàn cưỡng chế của các cấp chính quyền huyền Thạch Thất lên đến gần nghìn người bất ngờ bủa vây "đánh úp" khiến 52 hộ dân tại làng Vân Lôi không kịp trở tay. Hàng trăm người dân nhìn nhà cửa bị xúc ủi mà ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Thậm chí, theo thừa nhận của chính ông Lê Văn Mão - Chủ tịch UBND xã Bình Yên, việc tổ chức cưỡng chế ngày 24 Tết là do cấp trên thúc ép, nhiều hộ dân bị phá nát nhà, tải sản thậm chí nhiều hộ còn chưa hề "biết mặt" quyết định cưỡng chế.
Để làm rõ vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này dưới góc nhìn pháp lý, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Thưa luật sư, nếu như vụ cưỡng chế ngày 24 Tết của chính quyền huyện Thạch Thất và xã Bình Yên trước thời hạn 3 ngày phá nát nhà, tài sản của 52 hộ dân làng Vân Lôi được nhìn nhận dưới góc độ pháp lý như thế nào?
Luật sư Vi Văn Diện: Nếu như vụ cưỡng chế ngày 24 Tết của chính quyền huyện Thạch Thất và xã Bình Yên trước thời hạn 3 ngày phá nát nhà, tài sản của 52 hộ dân làng Vân Lôi thì đây là một vụ cưỡng chế vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của chính quyền huyện Thạch Thất và xã Bình Yên xuất phát từ quyết định quá vội vàng, cẩu thả của chính quyền địa phương cũng như người có thẩm quyền.
Chính quyền đã huy động đến gần 780 người, 4 máy ủi, 2 xe đặc chủng phá tan nhà của 52 hộ dân đã xây dựng vào những ngày giáp Tết nguyên đán. Việc cưỡng chế đã diễn ra trước khi thông báo hết hạn, nghĩa là hạn cuối đến ngày 27 Tết nhưng mới ngày 24 Tết, tài sản là nhà của người dân đã bị phá nát. Điều này đồng nghĩa với việc người dân không kịp, không có cơ hội tự nguyện thu dọn, di dời bảo đảm giá trị sử dụng đối với tài sản của mình trước khi đến hạn bị cưỡng chế.
Nghiêm trọng hơn như chính Chỉ tịch UBND xã Bình Yên thừa nhận việc nhiều hộ dân trong số 52 hộ bị cưỡng chế còn chưa nhận được quyết định cưỡng chế.
Cũng đồng nghĩa rằng số tài sản, nhà cửa của 52 hộ dân đã bị phá nát trong ngày 24/1 hoàn toàn là tài sản hợp pháp và được pháp luật bảo vệ của người dân. Hành vi cưỡng chế này lập tức đủ cấu thành tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Luật sư có thế cho biết với một vụ cưỡng chế vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức độ như vậy, trình tự xử lý phải được tiến hành như thế nào?
Luật sư Vi Văn Diện: Trước hết, để đảm bảo tính khách quan và công minh của pháp luật, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội phải lập tức ra quyết định khởi tố vụ án đối với tội danh “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” để điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể gây nên sự việc.
Theo tôi, với hành vi vi phạm pháp luật đã rõ như ban ngày trong vụ cưỡng chế tại làng Vân Lôi, Cơ quan cảnh sát điều tra không thể đứng ngoài cuộc, đứng nhìn hoặc chờ đợi giải trình, kiểm điểm và kết luận của chính quyền trong vụ việc này.
Ngay sau khi khởi tố vụ án, cơ quan công an cũng phải lập tức bảo vệ hiện trường, kiểm đếm, giám định toàn bộ giá trị tài sản bị thiệt hại của người dân để có cơ sở quyết định tội danh cũng như quyết định hình phạt trong quá trình điều tra, quyết định khởi tố.
Trong vụ cưỡng chế như thế này, 52 hộ dân đã bị phá tan nhà cửa, tài sản có quyền gì để đấu tranh đòi công bằng và đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật?
Luật sư Vi Văn Diện: Trước hết, những hộ dân này cần gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an về hành vi vi phạm pháp luật của chính quyền huyện Thạch Thất và xã Bình Yên trong vụ cưỡng chế đã xâm phạm, hủy hoại hàng loạt tài sản đang được pháp luật bảo vệ của người dân. 52 hộ dân có quyền đề nghị cơ quan công an cũng như các cơ quan chức năng liên quan làm rõ động cơ mục đích và trách nhiệm của những cá nhân cụ thể gây ra vụ cưỡng chế này.
Cùng đó, 52 hộ dân hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc cưỡng chế trái quy định gây ra. Xét về quy định, quy trình tổ chức cưỡng chế là vi phạm pháp luật. Nói về phạm trù đạo đức, tình người và tính nhân văn, truyền thống của người Việt thì chính quyền tổ chức cưỡng chế trong vụ việc này đã quá nhẫn tâm đối với người dân nơi đây.
Họ thẳng tay tổ chức cưỡng chế đập phá nhà dân trong thời hạn 15 ngày trước Tết nguyên đán, khiến người dân không có chốn “nương thân” chưa nói là có nơi ăn tết vui vẻ, ấm cúng theo đúng nghĩa Tết cổ truyền dân tộc.
Chính vì vậy, tôi vẫn khẳng định lại một lần nữa, nếu với vụ cưỡng chế mà chính quyền huyện Thạch Thất và xã Bình Yên thực hiện trước thời hạn 3 ngày phá nát nhà, tài sản của người dân thì chưa cần phải có đơn tố cáo của người dân hay kết luận của các cấp chính quyền, cơ quan công an không thể đứng ngoài cuộc mà phải ra ngay quyết định khởi tố vụ án điều tra làm rõ sự việc bảo vệ quyền và lợi ích của những người dân bị xâm hại.
Xin cảm ơn luật sư!
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế - Hoành Sơn