Bài 42 Vụ án 194 phố Huế: Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Hà Nội trả lời công luận
(Dân trí) - Sau 41 bài phản ánh về kỳ án 194 phố Huế trên Báo Dân trí, TAND TP Hà Nội vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cơ quan này trả lời công luận.
Vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều bài viết về vụ án 194 phố Huế đang được báo chí, dư luận cả nước và giới luật sư đặc biệt quan tâm, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong các báo đề cập đến vụ án này, có Báo Nhân dân, Báo Điện tử Dân trí (www.dantri.com.vn), Báo Công an Nhân dân, riêng Báo Điện tử Dân trí đã có hơn 40 bài. Báo Dân trí “đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẩn trương chỉ đạo, giám sát việc TAND TP Hà Nội xét xử công tâm, đúng pháp luật vụ án trên”.
Để rộng đường dư luận, thực hiện chức năng của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ của báo chí cả nước và cũng là thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa UBND TP Hà Nội và Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2014 – 2018 đã được ký kết (Điểm 2. “Đối với những vấn đề nhạy cảm, bức xúc xảy ra trên địa bàn, Thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng thông báo cho các cơ quan báo chí, đồng thời nêu rõ quan điểm chính thức và hướng xử lý của Thành phố đối với những vấn đề trên”), Hội Nhà báo Việt Nam trân trọng đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản thông báo ý kiến chính thức của Thành phố cho các cơ quan báo chí về việc này”.
Trước việc Tòa án Hà Nội chậm đưa vụ án 194 phố Huế ra xét xử, ngày 28/11/2013, PV Dân trí đã đến TAND TP Hà Nội liên hệ công tác, đặt lịch làm việc với lãnh đạo tòa án Hà Nội để tìm hiểu về tiến độ xét xử vụ án trên. Trao đổi với PV Dân trí, bà Đặng Thị Bích Nga, Chánh Văn phòng TAND TP Hà Nội cho hay: Sau khi bà trao đổi với lãnh đạo tòa án Hà Nội sẽ hồi âm lại PV Dân trí về những thông tin liên quan đến lịch xét xử vụ án trên.
Liên quan đến vụ án trên, chiều ngày 28/11/2013, PV Dân trí đã đến đặt lịch làm việc với lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội. Tuy nhiên, lãnh đạo VKSND TP Hà Nội đã từ chối làm việc với PV Dân trí, mà “đùn” PV Dân trí sang làm việc với TAND TP Hà Nội (!).
Cho đến nay, PV Dân trí cũng chưa nhận được hồi âm của bà Đặng Thị Bích Nga, Chánh Văn phòng TAND TP Hà Nội. Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại vào chiều ngày 2/12/2013, ông Đào Vĩnh Tường, Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội cho hay: Hiện thẩm phán vẫn đang xem xét hồ sơ vụ án nên chưa có lịch xét xử cụ thể.
Cáo trạng của VKSNDTC nêu rõ: Trong quá trình thực hiện quyết định ủy thác của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hà Nội (Thi hành Quyết định số 143/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP. Hà Nội), ngày 28/6/2011, Trịnh Ngọc Chung là chấp hành viên, Trưởng Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐTHA để thực hiện việc giao nhà số 194 phố Huế cho người trúng đấu giá (Ngày 24/8/2009, Công ty Cổ phần bán đấu giá Hà Nội tiến hành bán đấu giá nhà 194 phố Huế với giá 31.528.000.000đ, trong khí đó giá trị thực của ngôi nhà là gần 80 tỷ đồng - PV).
Quá trình điều tra xác định Trịnh Ngọc Chung đã có hàng loạt những vi phạm mang tính cố ý như: Kê biên nhà 194 phố Huế cũng như quá trình bán đấu giá không thông báo cho các đồng sở hữu biết; nhà 194 phố Huế chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện chuyển dịch bất động sản cũng như đang bị phong tỏa theo thông báo số 02/TB-THA ngày 20/1/2000, hiện nay chưa có quyết định giải tỏa; Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái với ý chí, nguyện vọng của người thi hành án; Vận dụng Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 không đúng; Tự chế ra mẫu quyết định cưỡng chế sai với biểu mẫu theo quy định của Bộ Tư pháp.
Do đó, đủ căn cứ để xác định Trịnh Ngọc Chung biết rõ quyết định cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế là trái pháp luật. Hành vi của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào tội “Ra quyết định trái pháp luật”, quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự, gây thiệt hại cho người phải thi hành án là ông Hoàng Ngọc Minh 6,69 tỷ đồng.
Hành vi phạm tội trên đây của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào Khoản 3, Điều 296 Bộ luật Hình sự: “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm…”.
Đây là một vụ án rất "nhạy cảm" "Cá nhân tôi cho rằng, đây là một vụ án rất “nhạy cảm”, theo cách nói nôm na là vụ án “xử quan”, vì người phạm tội là một lãnh đạo có chức vụ trong Cơ quan THA, tài sản bị xâm phạm lại quá lớn… nên nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Hơn nữa, hành vi phạm tội của bị cáo cũng đã được Viện KSND Tối cao kết luận rõ ràng thì cần thiết phải sớm được đưa ra xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, tránh những dư luận không tốt về các Cơ quan tiến hành tố tụng ở Thủ đô cũng như cho nền tư pháp nước nhà"- Tiến sỹ luật, nhà báo Dương Thanh Biểu- nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Biết vi phạm vẫn làm trái thì cần phải xét xử nghiêm minh "Đối với những vụ án hình sự đều phải xét xử công minh, khách quan, công tâm, đúng pháp luật và thuyết phục được người dân. Xét xử không làm được điều này là không đáp ứng được niềm tin của người dân. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng như nhau, dù anh ở vị trí nào, cấp bậc gì, chức vụ gì mà anh vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh, không có cái miễn trừ, ngoại trừ hoặc đặc ân nào...”- ông Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao. TAND TP Hà Nội lại tiếp tục dành cho bị cáo này những “ngoại lệ” đặc biệt "Những tưởng những “rào cản” vô hình của vụ án Trịnh Ngọc Chung đã bị sự thật đè bẹp, đẩy lùi, thế nhưng một lần nữa TAND TP Hà Nội lại tiếp tục dành cho bị cáo này những “ngoại lệ” đặc biệt. Thời hạn đưa vụ án ra xét xử theo quy định của điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự tối đa không quá 4 tháng, tức không quá ngày 12/11/2013, tuy nhiên đến nay, về phía người bị hại (gia đình 194 phố Huế) vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì về vụ án từ TAND TP Hà Nội" - Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. |
Vũ Văn Tiến